Thứ Năm, 30/06/2016, 01:47:13
Ngày mai (1-7), 887.396 thí sinh (TS) trên cả nước bước vào ngày đầu kỳ thi THPT quốc gia năm 2016. Đây là năm thứ hai Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) tổ chức kỳ thi với hai mục đích: Vừa dùng kết quả để xét công nhận tốt nghiệp THPT, vừa làm căn cứ để xét tuyển đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ).
Kỳ thi năm nay, số lượng môn thi, thời gian thi không thay đổi, NHƯNG có một số điều chỉnh về cách thức tổ chức cụm thi. Vì vậy, TS cần nắm vững những quy định mới và có phương pháp hợp lý để làm bài thi đạt kết quả tốt.
Thực hiện đúng quy chế
Bộ GD và ĐT cho biết, kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 diễn ra trong thời gian bốn ngày (từ ngày 1 đến 4-7) với tám môn thi, gồm: Toán, Ngoại ngữ, Ngữ văn, Vật lý, Địa lý, Hóa học, Lịch sử và Sinh học. Trong đó, các môn Toán, Ngữ văn, Địa lý, Lịch sử thi theo hình thức tự luận, thời gian làm bài 180 phút, thi vào các buổi sáng; các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học thi theo hình thức trắc nghiệm, thời gian làm bài 90 phút, thi vào các buổi chiều. Riêng môn Ngoại ngữ thi viết và trắc nghiệm. Đề thi môn Ngữ văn có hai phần: Đọc hiểu và làm văn.
Để xét công nhận tốt nghiệp THPT, TS phải thi bốn môn, gồm ba môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một môn do TS tự chọn trong các môn thi còn lại. Để xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh ĐH, CĐ, TS dự thi bốn môn như trên và thi thêm các môn phù hợp với tổ hợp các môn thi để xét tuyển sinh do trường ĐH, CĐ quy định. TS đã tốt nghiệp THPT chỉ thi các môn để xét tuyển sinh vào ĐH, CĐ.
Năm nay, Bộ GD và ĐT có điều chỉnh thời gian chính thức bắt đầu làm bài của TS tại các môn thi buổi sáng sớm hơn nửa tiếng, các môn thi buổi chiều vẫn duy trì ổn định như năm 2015. Vì vậy, TS cần lưu ý, buổi sáng từ 6 giờ 30 phút đến 6 giờ 45 phút phải tập trung trước cửa phòng thi; từ 6 giờ 45 phút đến 7 giờ, cán bộ coi thi đánh số báo danh vào chỗ ngồi của TS, gọi TS vào phòng thi, đối chiếu, kiểm tra ảnh, thẻ dự thi; phát đề, tính giờ làm bài bắt đầu từ 7 giờ 30 phút. Buổi chiều, thời gian làm bài của TS từ 14 giờ 30 phút. TS đến chậm quá 15 phút sau khi có hiệu lệnh tính giờ làm bài sẽ không được dự buổi thi đó.
Để kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, đạt kết quả cao, Bộ GD và ĐT cũng quy định những thiết bị TS không được phép mang vào phòng thi. Theo đó, TS sẽ bị đình chỉ thi nếu mang điện thoại vào phòng thi, kể cả khi điện thoại đã tắt nguồn. TS chỉ được mang vào phòng thi bút viết, bút chì, com-pa, tẩy, thước kẻ, thước tính, máy tính bỏ túi không có chức năng soạn thảo văn bản và không có thẻ nhớ; Át-lát Địa lý Việt Nam đối với môn thi Địa lý (do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam ấn hành, không được đánh dấu hoặc viết thêm bất cứ nội dung gì); các loại máy ghi âm và ghi hình chỉ có chức năng ghi thông tin mà không truyền được thông tin và không nhận được tín hiệu âm thanh, hình ảnh trực tiếp nếu không có thiết bị hỗ trợ khác.
Trước khi làm bài thi, TS phải ghi đầy đủ số báo danh (cả phần chữ và phần số) vào đề thi, giấy thi, phiếu trả lời trắc nghiệm, giấy nháp. Khi nhận đề thi, TS phải kiểm tra kỹ số trang và chất lượng các trang in. Nếu phát hiện thấy đề thi thiếu trang hoặc rách, hỏng, nhòe, mờ TS phải báo cáo ngay với cán bộ coi thi, chậm nhất 15 phút sau khi phát đề. Quy chế thi cũng nêu rõ, TS không được viết bằng bút chì trừ vẽ đường tròn bằng com-pa và tô các ô trên phiếu trả lời trắc nghiệm; chỉ được viết bằng một thứ mực (không được dùng mực mầu đỏ). Khi nộp bài thi, TS phải ghi rõ số tờ giấy thi đã nộp và ký xác nhận vào phiếu thu bài thi; không làm được bài cũng phải nộp tờ giấy thi, phiếu trả lời trắc nghiệm. Trong suốt thời gian làm bài thi trắc nghiệm, TS không được rời khỏi phòng thi.
Nâng cao kỹ năng làm bài
Theo Phó Trưởng phòng Đào tạo, Trường đại học Thủy Lợi Trần Khắc Thạc, để có bài thi tốt, TS phải đọc kỹ đề thi, câu dễ làm trước, câu khó để lại làm sau. Sau khi đã hoàn thiện bài thi, TS cần rà soát lại bài thi để chắc chắn đáp án đưa ra là chính xác. Đặc biệt, đối với bài thi trắc nghiệm, TS cần tránh tô sai đáp án. Thực tế cho thấy, nhiều khi TS làm bài nghĩ “một đằng” nhưng lại viết trong bài thi “một nẻo”. Vì vậy, TS cần đối chiếu bài thi với giấy nháp, khi chuyển vào bài thi chính thức bảo đảm đúng với kết quả đã suy nghĩ. Qua nhiều năm chấm bài thi cho thấy TS cần lưu ý tránh mắc một số lỗi như ghi nhầm số báo danh.
Thầy giáo Nguyễn Quý Xuân, Hiệu trưởng Trường THPT Phúc Lợi (Long Biên, Hà Nội), giảng dạy môn Vật lý cho rằng: TS cần tập trung những kiến thức cơ bản trong chương trình sách giáo khoa, thuộc lòng các tính chất, định nghĩa, định luật, công thức, đơn vị đo…, rèn luyện kỹ năng, phương pháp làm bài trắc nghiệm, phân biệt những đáp án đúng và đáp án gần đúng. Ngoài ra, TS cũng cần lưu ý ứng với mỗi loại đơn vị thì giá trị số sẽ khác cho nên nếu các em chỉ nắm giá trị số thì có thể dẫn tới kết quả sai. Mỗi đại lượng vật lý cần có đơn vị đo phù hợp, TS không nên vội vàng khi con số tính được trùng khớp với con số của một phương án nào đấy, phải xem kỹ đơn vị có trùng khớp không. Thực tế cho thấy, nhiều năm gần đây TS đạt điểm thấp một phần là do các em thiếu kỹ năng làm bài.
Cô giáo Hoàng Thị Liên Minh, giáo viên dạy môn Lịch sử, Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) gợi ý: Với cách thức đổi mới dạy và học, năm nay đề thi môn Lịch sử sẽ ra theo hướng chú trọng vận dụng kiến thức giải quyết vấn đề thực tế. Vì vậy, học sinh phải hiểu vấn đề thời sự quan trọng trong nước và quốc tế chứ không đơn thuần là nhớ sự kiện, tìm ý. Khi làm bài, TS cần dành 5 đến 10 phút đọc đề, gạch chân vào những yêu cầu đề thi hỏi; sau đó, khoảng 10 phút làm ra nháp các ý chính rồi sau đó mới bắt đầu làm bài thi. Vì vậy, những TS không vận dụng kiến thức giải quyết vấn đề mà chỉ học thuộc sách giáo khoa thì khả năng chỉ đạt khoảng bốn điểm.
Theo Thứ trưởng Bộ GD và ĐT Nguyễn Vinh Hiển, phát huy những ưu điểm của kỳ thi THPT quốc gia năm 2015, năm nay, đề thi được ra theo hướng đánh giá năng lực học sinh; nội dung đề thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu lớp 12. Đề thi tăng cường câu hỏi mở, câu hỏi gắn với thực tiễn và câu hỏi vận dụng. Đề thi yêu cầu bốn mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Đối với các môn khoa học, xã hội và nhân văn, khi làm bài TS cần tiếp tục vận dụng kiến thức vào thực tiễn, bày tỏ chính kiến của mình về các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội gắn với thời sự quê hương, đất nước. Trong khi đó, với môn Ngoại ngữ, TS cần tiếp tục nâng cao yêu cầu phát triển năng lực giao tiếp với các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết.
Thực tế cho thấy, kỳ thi nào TS cũng có những băn khoăn, lo lắng nhất định. Vì vậy, trước, trong thời gian diễn ra kỳ thi, TS cần sắp xếp thời gian hệ thống lại kiến thức một cách khoa học, tránh thức quá khuya, giữ gìn sức khỏe để có thể làm các bài thi đạt kết quả tốt nhất.
QUÝ TÙNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét