11 thg 1, 2016

Nâng cao chất lượng giáo dục vùng dân tộc rất ít người

Thứ Ba, 12/01/2016, 03:10:47
 Font Size:     |  
 

Để duy trì hiệu quả giáo dục vùng dân tộc rất ít người, cần tiếp tục kéo dài các cơ chế, chính sách. Ảnh: LONG THÀNH
 Font Size:     |  
Những năm qua, một số địa phương đã thực hiện khá hiệu quả đề án phát triển giáo dục đối với các dân tộc rất ít người theo quyết định 2123/QĐ-TTg năm 2010, qua đó cơ bản hoàn thành các mục tiêu đặt ra. Tuy nhiên, để duy trì hiệu quả giáo dục vùng dân tộc rất ít người, cần tiếp tục kéo dài các cơ chế, chính sách để trẻ em, học sinh, sinh viên các dân tộc rất ít người được học tập, rèn luyện trong môi trường giáo dục bảo đảm chất lượng.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT), tính đến hết tháng 10-2015, các địa phương có học sinh dân tộc rất ít người đã xây dựng được 96 phòng học (đạt 89,72% so kế hoạch), 86 phòng công vụ giáo viên (đạt 77,48%). Một số tỉnh như: Điện Biên, Lai Châu, Nghệ An, Kon Tum hoàn thành việc xây dựng phòng học và phòng công vụ giáo viên. Năm học 2014-2015, tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi ra lớp đạt 100%, cấp tiểu học đạt 99,77%, THCS đạt 98,83%, qua đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Một số tỉnh tích cực triển khai hiệu quả, nâng cao chất lượng giáo dục vùng dân tộc rất ít người. Giám đốc Sở GD và ĐT tỉnh Điện Biên, Nguyễn Sỹ Quân chia sẻ: Bên cạnh việc tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng phòng học, phòng công vụ giáo viên, sở còn tranh thủ sự giúp đỡ của già làng, trưởng bản, người có uy tín để vận động học sinh đầu cấp, học sinh bỏ học ra lớp. Mặt khác, ngành GD và ĐT tỉnh Điện Biên cũng “cử” học sinh đã tốt nghiệp THCS, THPT, học sinh thành đạt tại địa phương đến nói chuyện với gia đình có học sinh bỏ học về vai trò cần thiết của việc học tập…
Trong khi đó, tại tỉnh Lai Châu hiện có hơn 420 nghìn người chủ yếu là dân tộc thiểu số (chiếm 87,3%), trong đó, có ba dân tộc rất ít người gồm: Cống, Mảng, Si La. Trao đổi ý kiến với chúng tôi, Phó Giám đốc Sở GD và ĐT tỉnh Lai Châu, Hoàng Đức Minh khẳng định: Đề án đã thay đổi nhận thức của đồng bào dân tộc rất ít người. Phần lớn người dân khi được hỏi đều cho rằng, muốn xóa đói, giảm nghèo thì phải đi học. Thực tế cho thấy, từ năm 2010 trở về trước, số lượng học sinh dân tộc thiểu số thi đỗ đại học chỉ đếm trên đầu ngón tay thì đến nay đã có hàng trăm học sinh. Đáng chú ý, đã có học sinh dân tộc rất ít người (Si La, Cống) thi đỗ đại học chứng tỏ chất lượng giáo dục đã nâng lên rõ rệt. Năm học 2014-2015, Sở GD và ĐT tỉnh Lai Châu đã cử cán bộ, chuyên gia đến 21 trường tiểu học, THCS chất lượng giáo dục còn kém để hướng dẫn giáo viên dạy học. Trước tình trạng học sinh bỏ học, tỉnh Lai Châu đã ban hành khung thời gian năm học cụ thể, chi tiết theo phong tục địa phương. Theo đó, học sinh có thể được nghỉ mùa phụ giúp gia đình và nghỉ Tết theo phong tục đồng bào. Tỉnh cũng thực hiện việc đưa học sinh các lớp 3, 4, 5 về trung tâm xã học tập; một số học sinh lớp 1, 2 cũng được phụ huynh đồng ý đưa về trường chính học tập nhằm bảo đảm tốt nhất về cơ sở vật chất cũng như đội ngũ giáo viên.
Tuy nhiên, quá trình triển khai đề án phát triển giáo dục đối với các dân tộc rất ít người cũng cho thấy mặc dù cơ sở vật chất được đầu tư xây dựng, nhưng so với nhu cầu, điều kiện tối thiểu, một số điểm trường ở vùng sâu, vùng xa bếp ăn, nhà ăn, công trình phụ trợ chưa bảo đảm. Trưởng phòng Giáo dục Dân tộc (Sở GD và ĐT tỉnh Hà Giang), Mai Thị Thịnh cho biết: Toàn tỉnh có ba dân tộc rất ít người gồm: Bố Y, Cờ Lao, Pu Péo phân bố tại tám huyện. Mặc dù được đầu tư xây dựng nhưng ở các điểm trường nói chung và điểm trường có học sinh dân tộc rất ít người nói riêng còn nhiều phòng học bán kiên cố, phòng học tạm cần được đầu tư xây dựng.
Vụ trưởng Giáo dục Dân tộc (Bộ GD và ĐT) Trần Ngọc Sơn nêu thực trạng một số địa phương chưa hoàn thành việc xây dựng các điểm trường cũng như còn xảy ra tình trạng học sinh các dân tộc rất ít người bỏ học. Nguyên nhân là do một số địa phương khi đề xuất xây dựng các điểm trường chưa khảo sát kỹ, chưa tính đến việc quy hoạch, phát triển mạng lưới trường, lớp học. Tại một số điểm trường xa xôi, giao thông đi lại khó khăn, giá vật liệu xây dựng bị “vênh” so với kinh phí dự tính đã ảnh hưởng đến tính khả thi của công trình. Vấn đề học sinh dân tộc rất ít người bỏ học là do nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, chưa quan tâm, tạo điều kiện để con em đi học; một số học sinh cấp tiểu học, THCS bỏ học do sinh sống xa trung tâm xã, huyện cũng là một rào cản không nhỏ.
Theo Thứ trưởng GD và ĐT Nguyễn Thị Nghĩa: Qua 5 năm triển khai, đề án xây dựng được nhiều phòng học, phòng công vụ giáo viên cũng như hỗ trợ kịp thời chế độ chính sách cho học sinh. Khi xây dựng được những điểm trường khang trang, tỷ lệ huy động học sinh ra lớp, chất lượng giáo dục đã tăng lên đáng kể. Học sinh mầm non được học hai buổi/ngày ở các thôn bản; học sinh tiểu học, THCS, THPT học trong trường phổ thông dân tộc bán trú, nội trú. Trước những khó khăn, đề xuất của các địa phương, Bộ GD và ĐT sẽ báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép kéo dài chính sách đối với học sinh dân tộc rất ít người để các em có điều kiện học tập, rèn luyện trong môi trường giáo dục bảo đảm chất lượng.
“Trong 5 năm thực hiện đề án, có 13.655 lượt trẻ em, học sinh, sinh viên dân tộc rất ít người được hưởng chính sách hỗ trợ. Trong đó, tỉnh Hà Giang có 1.951 lượt học sinh, tỉnh Lai Châu 8.085, tỉnh Kon Tum 489, tỉnh Lào Cai 1.064, tỉnh Điện Biên 1.239, tỉnh Nghệ An 827 với tổng kinh phí hơn 110 tỷ đồng”.
TRẦN NGỌC SƠN Vụ trưởng Giáo dục Dân tộc (Bộ GD và ĐT)
QUÝ TÙNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét