Thứ Sáu, 15/01/2016, 16:37:32
Font Size: |
Font Size: |
NDĐT – Ngày 15-1, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tập đoàn FPT tổ chức cuộc thi giải Toán trực tuyến quốc tế - Global Violympic. Đây là lần đầu tiên học sinh phổ thông Việt Nam tham gia thi đấu giải Toán trực tuyến quôc tế với học sinh phổ thông các nước, mở ra hướng phát triển mới cho những học sinh yêu thích Toán học mong muốn được “so tài” tại sân chơi toàn cầu.
Cuộc thi diễn ra từ ngày 15-1 đến 4-4-2016 với ba vòng thi: Vòng tự luyện, vòng quốc gia và vòng quốc tế. Các dạng bài thi của Global ViOlympic trong năm đầu tiên triển khai gồm có: Sắp xếp, cặp bằng nhau, trắc nghiệm và tự luận.
Với cách thức thi này, các học sinh Việt Nam có những lợi thế nhất định khi tham gia, nhờ việc quen thuộc với cấu trúc và dạng bài ViOlympic trong suốt các năm học phổ thông. Đặc biệt, những thí sinh đã và đang tham dự các vòng thi Toán Tiếng Anh của Violympic sẽ nhanh chóng thích nghi với môi trường thi, dạng đề, và cách thức thi đấu của Global Violympic.
Tuy nhiên, lợi thế của học sinh quốc tế nằm ở sự thuận lợi về ngôn ngữ và nhanh nhạy với môi trường Internet. Do vậy, những thí sinh quốc tế có năng lực toán học vững vàng sẽ nhanh chóng khẳng định mình trong môi trường tưởng chừng là “sân nhà” của học sinh Việt Nam. Global Violympic được đánh giá là cuộc thi thú vị, tính cạnh tranh cao, nhiều cơ hội cọ xát và học hỏi dành cho học sinh phổ thông.
Trao đổi ý kiến với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Ngọc, Phụ trách cuộc thi Violympic, Trường đại học FPT cho biết: “Cuộc thi dành cho thí sinh từ 9 đến 15 tuổi, đang học tập tại các trường tiểu học hoặc trung học cơ sở tại các quốc gia”.
Với hình thức thi trực tuyến, học sinh quốc tế có thể truy cập và đăng ký thi từ bất cứ đâu trên thế giới. Với nền tảng là một tập đoàn công nghệ, ban tổ chức luôn chú ý nâng cấp và đảm bảo hệ thống hoạt động 24/24, phục vụ cho nhu cầu học tập và thi cử cho học sinh Việt Nam và trên toàn thế giới.
Về nội dung, cuộc thi nhận được sự cố vấn và tham gia của nhiều chuyên gia nổi tiếng trong lĩnh vực Toán học có nhiều kinh nghiệm trong việc đào tạo học sinh Việt Nam đạt giải cao trong các kỳ thi quốc tế uy tín.
Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Ngọc cũng nhìn nhận, bên cạnh những thuận lợi, ban tổ chức cũng đối diện với các thách thức vì là năm đầu tiên tổ chức thi quốc tế cho nên việc bảo đảm một hệ thống mạnh nhất đáp ứng nhu cầu sử dụng cũng như cách thức liên hệ, phối hợp công việc và thực hiện các quy trình tổ chức cuộc thi.
Với sự phát triển của công nghệ thông tin, đặc biệt là máy tính cá nhân và mạng internet như ngày nay, ban tổ chức hy vọng, cuộc thi Violympic sẽ mang lại cho học sinh Việt Nam cơ hội được tiếp xúc với kiến thức một cách toàn diện hơn, dễ dàng hơn và thuận tiện hơn.
Bên cạnh đó, việc mở rộng cuộc thi ra toàn cầu cũng sẽ mang lại cho học sinh Việt Nam những cơ hội tiếp xúc với các nền giáo dục từ các quốc gia khác nhau, cũng như tạo cơ hội giao lưu và học hỏi cho học sinh Việt Nam trong giai đoạn hội nhập và phát triển của đất nước.
Để tham gia Global Violympic, các quốc gia đều phải cam kết đáp ứng các yêu cầu về bảo mật và tổ chức. Bên cạnh đó, do là năm đầu tiên triển khai, nên Global Violympic trực tiếp mời một số quốc gia tham dự, giúp đảm bảo tính tương đồng về hệ thống kiến thức được sử dụng trong các bài thi, nhằm giúp Global Violympic thật sự là sân chơi ý nghĩa không chỉ với học sinh phổ thông Việt Nam mà còn với học sinh thế giới. Tính đến thời điểm này đã có 5 quốc gia chính thức tham dự.
Đại diện ban tổ chức cuộc thi, TS Đàm Quang Minh, Hiệu trưởng Trường đại học FPT chia sẻ: “Từ năm 2016, Global Violympic được triển khai, với mong muốn làm cầu nối Toán học giữa học sinh Việt Nam và thế giới.
Chúng tôi mong rằng, học sinh Việt Nam có cơ hội hình thành thói quen kết nối và trao đổi tri thức với bạn bè quốc tế, tự mình bồi đắp năng lực cạnh tranh toàn cầu. Lễ tổng kết và trao giải cuộc thi Global Violympic dự kiến diễn ra vào tháng 5-2016 cùng với lễ tổng kết và trao giải cuộc thi Violympic Toán Tiếng Việt và Toán Tiếng Anh được tổ chức thường niên”.
MAI QUÝ TÙNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét