Thứ Năm, 31/12/2015, 02:16:48
Font Size: |
Thời gian qua, việc xây dựng chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới thu hút sự quan tâm của toàn xã hội. Chung quanh vấn đề này đã có nhiều cuộc tranh luận, sự lo lắng từ các chuyên gia, nhà khoa học cho đến hàng triệu phụ huynh, học sinh, giáo viên cả nước. Ngày 23-12 vừa qua, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã mời lãnh đạo, các chuyên gia, nhà khoa học góp ý về vấn đề này, trong đó, có rất nhiều ý kiến đóng góp khá thẳng thắn, thậm chí gay gắt của các chuyên gia để Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) có bước đi phù hợp, góp phần đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.
Đến nay, Bộ GD và ĐT đã công bố công khai hai dự thảo: Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể và bộ tiêu chí đánh giá sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới. Chương trình, sách giáo khoa mới được thiết kế theo xu hướng quốc tế nhằm phát triển năng lực, phẩm chất người học; tăng cường yêu cầu vận dụng tổng hợp; thực hành, sáng tạo gắn với các tình huống thực tiễn; có tích hợp, phân hóa… Theo lộ trình, từ năm học 2018-2019, các lớp đầu cấp từ tiểu học đến THPT sẽ áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới. Vì vậy, để có chương trình, sách giáo khoa tốt, thiết nghĩ, Bộ GD và ĐT cần nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm trong nước, thế giới; có giải pháp thực hiện rõ ràng, khả thi và hết sức thận trọng. Việc xây dựng, ban hành chương trình tổng thể cần nghiên cứu kỹ bốn nhóm nội dung, như: Chính sách; biên soạn, tác giả; chuyên gia độc lập và những người chịu tác động (học sinh, phụ huynh và giáo viên).
Đáng chú ý, trong dự thảo chương trình tổng thể, Bộ GD và ĐT có nêu một số năng lực, phẩm chất của người học nhưng còn thiếu và rất chung chung. Vì vậy, Bộ cần làm rõ từng năng lực của người học ở các vùng miền khác nhau, bổ sung thêm năng lực hội nhập quốc tế, chú trọng việc dạy và học ngoại ngữ sao cho hiệu quả. Ngoài ra, cần quan tâm hơn nữa việc đào tạo, bồi dưỡng giáo viên; gắn kết các hoạt động giáo dục nhà trường với giáo dục gia đình. Đối với dự thảo Bộ tiêu chí đánh giá sách giáo khoa, Bộ GD và ĐT cần rút ngắn lại cho dễ hiểu, dễ nhớ, làm rõ cơ sở trong việc biên soạn…
Có thể thấy rằng, đổi mới giáo dục là vấn đề rất hệ trọng, đã nhận được sự quan tâm của các chuyên gia, nhà khoa học và toàn xã hội. Vì vậy, Bộ GD và ĐT cần tuân thủ theo đúng quy trình, bài bản, có thứ tự ưu tiên, đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, giải thích.
Không phải ngẫu nhiên mà thời gian vừa qua, việc Bộ GD và ĐT tích hợp môn Lịch sử với một số môn học khác ở cấp THPT trong dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đã vấp phải sự phản đối khá gay gắt của các chuyên gia và dư luận xã hội. Điều đó cho thấy, Bộ chưa làm tốt việc lấy ý kiến đóng góp của các tổ chức, chuyên gia thông qua cơ chế có tính chính thức, ràng buộc trách nhiệm, bảo đảm điều kiện thực hiện. Khắc phục tình trạng nói trên, Bộ GD và ĐT cần cân nhắc những ý kiến phản hồi, có phân tích, tránh tiếp thu các ý kiến đóng góp nặng về cảm tính; cải tiến cách thức lấy ý kiến đóng góp, trong đó chú trọng việc huy động sự tham gia của các hội khoa học, các chuyên gia trong việc nghiên cứu, góp ý, phản biện thông qua những cơ chế có tính gắn kết trách nhiệm với bảo đảm điều kiện thực hiện. Có như vậy, việc xây dựng chương trình, sách giáo khoa mới đạt được chất lượng cao nhất.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét