4 thg 11, 2015

Hãy lên tiếng, đừng im lặng trước nạn bạo lực học đường!

Thứ tư, 04/11/2015 - 03:52 PM (GMT+7)
[+] Cỡ chữ: Mặc định
Hãy lên tiếng, đừng im lặng trước nạn bạo lực học đường!

NDĐT - Trước thực trạng bạo lực học đường, từ năm 2014, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) Hà Nội phối hợp Tổ chức Plan International Việt Nam triển khai dự án “Trường học an toàn, thân thiện và bình đẳng”. Sau gần hai năm triển khai, dự án có 10 trường THCS và 10 THPT tham gia. Phần lớn ý kiến của các trường khi được hỏi khẳng định, dự án đã thu được nhiều kết quả tốt và cho rằng, các vụ bạo lực trong trường học giảm đáng kể so với các năm trước. Giáo viên, cha mẹ và học sinh đều công nhận tính hữu ích và thiết thực của dự án trong công tác phòng, chống và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới trong trường học.
Dự án nói trên được hỗ trợ bởi Quỹ Ủy thác của Liên hợp quốc để chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và Tổ chức Plan quốc tế thông qua Tổ chức Plan International Việt Nam với kinh phí thực hiện hơn 21 tỷ đồng trong thời gian ba năm. Đây là dự án triển khai đầu tiên ở Hà Nội với cách tiếp cận tổng thể và hệ thống để giải quyết vấn đề bạo lực trên cơ sở giới trong môi trường học đường.
Không chỉ giáo dục học sinh về kiến thức và kỹ năng để phòng tránh và xử lý khi đối diện với bạo lực giới, dự án còn nâng cao năng lực cho ban giám hiệu và cán bộ, giáo viên trong trường, tạo môi trường thuận lợi cho việc hình thành, duy trì thái độ bình đẳng giới trong học sinh.
Dự án kêu gọi sự tham gia, ủng hộ của phụ huynh với các hoạt động nâng cao nhận thức dành riêng cho phụ huynh. Song song với các can thiệp trong trường học, dự án cũng hỗ trợ xây dựng môi trường báo chí nhạy cảm với các vấn đề bạo lực giới trong trường học, hướng tới xây dựng cộng đồng xã hội có thái độ không khoan dung với bạo lực giới trong trường học, từ đó vận động cho việc xây dựng và triển khai các chính sách nhân rộng mô hình trong toàn hệ thống giáo dục trên địa bàn thành phố.
Sau gần hai năm triển khai, đến nay có 34 giảng viên cốt cán và 702 giáo viên chủ nhiệm được tập huấn nâng cao về kiến thức và kỹ năng về giảng dạy bình đẳng giới và bạo lực trên cơ sở giới trong trường học. Trong khi đó, có 16.138 học sinh nữ và 14.716 học sinh nam tại 702 lớp học ở 20 trường THCS và THPT được tham gia vào 8 đến 12 tiết học về bình đẳng giới và bạo lực trên cơ sở giới trong trường học.
Đáng chú ý, có 25.426 cha mẹ học sinh được nâng cao nhận thức về bạo lực trên cơ sở giới trong trường học và kỹ năng hỗ trợ con phòng tránh bạo lực. Tại các trường học nằm trong dự án đã thành lập 20 phòng tâm lý học đường với đầy đủ cơ sở vật chất, có cán bộ tham vấn trường học được đào tạo và chính thức cung cấp dịch vụ cho học sinh. Tính đến tháng 5-2015, có 1.458 học sinh được tiếp cận và hỗ trợ trực tiếp từ 20 phòng tâm lý học đường.
Phản hồi từ 20 trường tham gia dự án cho thấy, số vụ bạo lực trong trường học đã giảm đáng kể so với các năm trước. Giáo viên, cha mẹ và học sinh đều công nhận tính hữu ích và thiết thực của dự án trong công tác phòng, chống và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới trong trường học.
Mới đây, tại Trường THCS Lê Lợi, quận Hà Đông (Hà Nội), hơn một nghìn học sinh, giáo viên và đại diện cha mẹ học sinh đã tham gia sự kiện truyền thông “Thúc đẩy bình đẳng – gắn kết yêu thương”. Mục đích nhằm nâng cao nhận thức về vấn đề bình đẳng giới và phòng ngừa quấy rối, xâm hại tình dục với học sinh nữ trong trường học.
Sự kiện nằm trong chuỗi các hoạt động thuộc chiến dịch “Vì em là em gái” của Tổ chức Plan International Việt Nam để hưởng ứng ngày quốc tế trẻ em gái 11-10. Thông điệp của sự kiện là “Hãy hành động trước hành vi quấy rối và xâm hại tình dục. Bạn không đơn độc!” “Hãy lên tiếng, đừng im lặng!”. Ngoài ra, các em học sinh cũng tham gia chủ trì nhiều hoạt động xoay quanh nội dung phòng ngừa và ứng phó với hành vi quấy rối, xâm hại tình dục.
Sự kiện nói trên nằm trong khuôn khổ dự án “Trường học an toàn, thân thiện và bình đẳng” do Sở GD và ĐT Hà Nội phối hợp với Tổ chức Plan International Việt Nam. Ông Glenn Gibney, Giám đốc quốc gia của Tổ chức Plan International Việt Nam nêu thực trạng: “Theo một nghiên cứu gần đây của Plan International áp dụng với hơn bốn nghìn học sinh nữ từ 15 đến 19 tuổi tại bốn quốc gia, phần lớn các em chia sẻ về việc vẫn phải trải qua những trải nghiệm sợ hãi về bạo lực, như bạo lực gia đình, bạo lực trên đường, bạo lực trong trường học, hôn nhân sắp đặt, hay có thai sớm. Hãy lên tiếng, đừng im lặng! Đó chính là thông điệp mà Tổ chức Plan International muốn gửi đến học sinh Trường THCS Lê Lợi.”
Anh Trần Minh Quang, chuyên gia về giới của Tổ chức Plan International Việt Nam chia sẻ, có nhiều nguyên nhân dẫn tới bạo lực trên cơ sở giới tại trường học như: Bạo lực thân thể, tinh thần hay quấy rối, xâm hại tình dục; làm tổn thương trẻ ở trong trường học, trên đường đến trường và chung quanh trường học; các hành vi gây ra bởi các khuôn mẫu giới và vai trò hay định kiến mà dành cho các em dựa trên giới tính của các em. Bạo lực trên cơ sở giới tại trường học cũng đề cập đến các cách mà các em phải trải nghiệm bạo lực hoặc các tổn thương mà các em phải chịu do giới tính của mình.
Điều đó được chứng minh bởi ở phần lớn các xã hội, mối quan hệ thiếu công bằng giữa người lớn và trẻ em cũng như những khuôn mẫu giới, những định kiến cũng như vai trò giới đã ăn sâu vào trong đời sống, thường đặt các học sinh nữ dễ bị tổn thương bởi các hành vi quấy rối tình dục, bị hiếp dâm, bị cưỡng ép, bị bóc lột và bị phân biệt đối xử bởi bạn bè, thầy cô và những người lớn khác. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, không chỉ học sinh nữ bị bạo lực, học sinh nam cũng là đối tượng dễ bị tổn thương trước các hành vi bạo lực thân thể do bạn bè, người lớn gây ra…
QUÝ TÙNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét