4 thg 11, 2015

Khắc phục những hạn chế của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành

Thứ ba, 03/11/2015 - 03:39 AM (GMT+7)
[+] Cỡ chữ: Mặc định
Giờ học môn tiếng Anh của học sinh lớp 10A1, Trung tâm Giáo dục thường xuyên Đống Đa (Hà Nội).
Giờ học môn tiếng Anh của học sinh lớp 10A1, Trung tâm Giáo dục thường xuyên Đống Đa (Hà Nội).
Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) công bố dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể (chương trình tổng thể), có nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết của các chuyên gia, nhà giáo về vấn đề nêu trên. Nhìn chung, các ý kiến đều nhất trí với các nội dung trong dự thảo, tuy nhiên, vẫn còn một số ý kiến băn khoăn đề nghị Bộ GD và ĐT cần bổ sung, làm rõ.
THEO Bộ GD và ĐT, chương trình tổng thể đã kế thừa và phát huy những ưu điểm của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, đồng thời tham khảo, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của các nước có nền giáo dục phát triển. Chương trình tổng thể được xây dựng theo hướng chuyển từ chú trọng trang bị kiến thức sang phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh. Mặt khác, chương trình tổng thể còn cụ thể hóa mục tiêu giáo dục toàn diện và hài hòa đức, trí, thể, mỹ thành mục tiêu của từng cấp học và nêu được những biểu hiện chủ yếu về phẩm chất, năng lực học sinh ở từng cấp học. Chương trình tổng thể đáp ứng yêu cầu của giai đoạn giáo dục cơ bản (gồm cấp tiểu học năm năm và cấp THCS bốn năm), bảo đảm trang bị cho học sinh tri thức phổ thông nền tảng, toàn diện, cần thiết, đáp ứng yêu cầu phân luồng sau THCS. Trong khi đó, giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (cấp THPT ba năm) bảo đảm học sinh tiếp cận nghề nghiệp phù hợp với năng lực, nguyện vọng và chuẩn bị cho giai đoạn sau giáo dục phổ thông có chất lượng. Theo các chuyên gia giáo dục, chương trình tổng thể đã định hướng khá rõ ràng cho các chương trình môn học về vị trí, mục tiêu, nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, đánh giá giáo dục học sinh. Chương trình tổng thể cũng khẳng định những điều kiện cơ bản, tối thiểu về công tác quản lý, đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, kỹ thuật của trường phổ thông; phù hợp với thực tiễn, đồng thời đặt ra yêu cầu nhà trường phải liên tục phát triển, tích cực thay đổi cách dạy và học.
Bên cạnh việc nhất trí với các nội dung trong dự thảo chương trình tổng thể, một số ý kiến còn băn khoăn đề nghị Bộ GD và ĐT làm rõ, bổ sung vào trong dự thảo. Theo PGS Văn Như Cương, Trường THPT dân lập Lương Thế Vinh (Hà Nội): Bộ GD và ĐT cần xác định rõ mục tiêu, mục đích của giáo dục Việt Nam. Hiện nay, mục tiêu của các cấp học cuối cùng để thi đại học. “Một nền giáo dục ứng thí, phục vụ việc thi, lên lớp, không phải để phục vụ đời sống cao hơn. Do đó, toàn bộ đổi mới lần này phải nhắm vào việc bằng cấp không có giá trị mà là lao động có giá trị, làm ra của cải cho xã hội. Mặt khác, nếu không thay đổi lại mục tiêu giáo dục, không phân luồng mạnh học sinh sau trung học phổ thông, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu lao động thợ bậc cao, còn lao động Việt Nam chỉ đi làm thuê những ngành nghề đơn giản nhất” - PGS Văn Như Cương nhấn mạnh. Tại hội nghị góp ý vào dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới đây, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đề nghị Bộ GD và ĐT cần công bố công khai danh tính “kiến trúc sư” của chương trình tổng thể, cũng như của từng môn học cụ thể để toàn xã hội biết. Không nên theo cách làm lâu nay là chỉ gắn chương trình với một tập thể (mà thường là gồm những người có chức sắc) hoặc gắn với người đứng đầu ngành. Theo đó, Bộ GD và ĐT chỉ nên ban hành chương trình chuẩn và cho phép các địa phương, các trường được quyền điều chỉnh để hoàn thành chương trình cụ thể. Trong khi đó, nhiều ý kiến cũng cho rằng, dự thảo chương trình tổng thể coi trọng việc dạy học theo hướng tích hợp và phân hóa nhưng phân hóa cuối cùng của THPT là Khoa học xã hội và Khoa học tự nhiên. Tuy nhiên, khi định hướng nghề nghiệp mà
chỉ chia hai khối như trên là không đủ...
Theo Thứ trưởng GD và ĐT Nguyễn Vinh Hiển: Trong dự thảo chương trình tổng thể, chương trình THPT được xây dựng theo tinh thần bảo đảm phân hóa mạnh và sâu dần từ lớp 10 đến lớp 11, 12; học sinh học một số môn bắt buộc, đồng thời được tự chọn các môn học (từ lớp 10) và chuyên đề học tập (từ lớp 11), trong đó có những chuyên đề riêng về hướng nghiệp. Kết thúc giai đoạn này, học sinh có kiến thức, kỹ năng phổ thông cơ bản được quy định hướng theo lĩnh vực nghề nghiệp, phù hợp với năng khiếu, sở thích, phát triển tiềm năng cá nhân để chuẩn bị tốt cho giai đoạn giáo dục sau phổ thông hoặc bước vào cuộc sống lao động. Chương trình tổng thể sẽ quy định rõ hơn theo định hướng sau: Học sinh THPT học tối thiểu bảy hoặc sáu môn và các chuyên đề học tập, hoạt động trải nghiệm sáng tạo; trong đó có bốn môn bắt buộc là Ngữ văn 1, Toán 1, Công dân với Tổ quốc, Ngoại ngữ 1. Các môn học tự chọn được định hướng như sau: Tự chọn tùy ý, chọn theo nhóm môn...
Đáng chú ý, nhiều ý kiến đề nghị có các môn học Lịch sử, Quốc phòng - An ninh trong chương trình giáo dục phổ thông mới. Bộ GD và ĐT cho rằng, theo dự thảo chương trình tổng thể, ở THPT, môn Công dân với Tổ quốc là một trong bốn môn học bắt buộc, tích hợp của ba phân môn: Đạo đức - Công dân, Lịch sử và Quốc phòng - An ninh, đáp ứng yêu cầu cơ bản của chương trình giáo dục phổ thông mới là định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh; định hướng giá trị công dân (quyền và nghĩa vụ), hội nhập quốc tế… Như vậy, nội dung giáo dục Lịch sử và Quốc phòng - An ninh là các nội dung giáo dục bắt buộc đối với tất cả học sinh cấp THPT. Ngoài ra, ở cấp THPT, học sinh còn được tự chọn học Lịch sử ở môn Khoa học xã hội (là môn học dành cho những học sinh thiên hướng về các ngành thuộc lĩnh vực Khoa học tự nhiên và Công nghệ) hoặc môn Lịch sử (chọn theo nhóm) và một số chuyên đề học tập mở rộng, chuyên sâu về Lịch sử (là môn học và chuyên đề học tập dành cho học sinh có thiên hướng về Khoa học xã hội và Nghệ thuật). Đồng thời, nội dung này còn được giáo dục tích hợp trong các môn học khác, khắc phục sự trùng lặp trong nhiều môn học khác nhau ở chương trình giáo dục phổ thông hiện hành.
QUÝ TÙNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét