16 thg 11, 2015

Tiếp thu, nghiên cứu, chỉnh sửa để có giải pháp phù hợp cho môn Lịch sử

Thứ bảy, 14/11/2015 - 09:05 PM (GMT+7)
[+] Cỡ chữ: Mặc định
Thí sinh trao đổi sau khi thi môn Lịch sử trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 tại cụm thi Trường đại học  Kinh tế quốc dân (Hà Nội).
Thí sinh trao đổi sau khi thi môn Lịch sử trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 tại cụm thi Trường đại học Kinh tế quốc dân (Hà Nội).

Những ngày gần đây, dư luận đặc biệt quan tâm đến “số phận” môn Lịch sử trong Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể (CTGDPTTT) đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) lấy ý kiến xã hội. Nhiều ý kiến lo ngại việc tích hợp có thể dẫn đến “khai tử” môn Lịch sử.Phóng viên Báo Nhân Dân có cuộc trao đổi với PGS, TS Đỗ Ngọc Thống, Phó Vụ trưởng Giáo dục Trung học (Bộ GD và ĐT), Phó trưởng Ban xây dựng CTGDPTTT về những vấn đề nêu trên.
Phóng viên (PV): Dư luận cho rằng, việc tích hợp môn Lịch sử với các môn Đạo đức - Công dân và Quốc phòng - An ninh thành môn học mới Công dân với Tổ quốc sẽ không phù hợp. Xin đồng chí cho biết, Bộ GD và ĐT căn cứ trên cơ sở nào để tích hợp?
PGS, TS Đỗ Ngọc Thống: Nghị quyết số 29/TW8 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục của Đảng cũng như Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông đều yêu cầu cần tinh giản tránh chồng chéo, trùng lặp kiến thức giữa các lĩnh vực, môn học; tích hợp ở các bậc học dưới và phân hóa dần ở bậc THPT. Như vậy, việc tích hợp và phân hóa được triển khai với tất cả các môn học chứ không riêng ba môn học nêu trên. Theo quan niệm cũ thì ba môn này có mục tiêu, nội dung khác nhau. Nhưng Ban biên soạn đã nghiên cứu kỹ nội dung trong Luật Quốc phòng - An ninh cũng như nội dung cần giáo dục công dân, giáo dục lịch sử và nhận thấy có nhiều nội dung gần nhau, trùng nhau. Ba môn học này lại có mục tiêu chung là trang bị cho học sinh những hiểu biết tối thiểu, căn bản về nghĩa vụ, trách nhiệm và quyền lợi của công dân; đều cần có hiểu biết về truyền thống lịch sử của dân tộc, truyền thống của quân đội nhân dân, lực lượng vũ trang... Vì vậy, có thể tích hợp các nội dung chung này với nhau trong môn Công dân với Tổ quốc.
Việc tích hợp nội dung của ba môn trong một môn học nhằm soi sáng các tác động và làm sáng tỏ cho nhau, tránh sự trùng lặp; giúp giáo viên và học sinh (HS) vận dụng tổng hợp nhiều kiến thức thuộc các lĩnh vực, môn học khác nhau để tìm hiểu, lý giải một vấn đề. Việc lựa chọn nội dung của mỗi môn, vì thế, không thể ôm đồm, không biến môn học thành một khoa học thu nhỏ của bậc đại học để nhồi nhét kiến thức, gây quá tải cho HS.
PV: Bộ GD và ĐT khẳng định xây dựng chương trình có nghiên cứu kinh nghiệm từ nhiều nước trên thế giới. Vậy xu thế mà nhiều nước thực hiện như thế nào, nhất là với môn Lịch sử?
PGS, TS Đỗ Ngọc Thống: Chúng tôi đã tham khảo chương trình của nhiều nước khác nhau khi xây dựng chương trình mới. Trang thông tin của UNESCO có công bố chương trình của 180 nước. Chúng tôi có xem chương trình của khoảng 100 nước để tham khảo. Nhìn chung, môn Lịch sử ở cấp THPT được ứng xử theo ba hướng: học bắt buộc và độc lập; học trong các môn học tích hợp; học tự chọn theo yêu cầu của từng phân ban. Mỗi nước có những yêu cầu khác nhau. Chẳng hạn như chương trình của nước Anh năm 2013, HS chỉ học môn Lịch sử đến THCS, lên THPT không học môn Lịch sử nữa. Trong khi đó, chương trình Hàn Quốc năm 2013, môn Lịch sử nằm trong môn Tìm hiểu xã hội (bao gồm Lịch sử, Đạo đức, Kinh tế)... Tuy nhiên, trong bối cảnh của Việt Nam, chúng tôi vẫn thiết kế nội dung chương trình không chỉ học môn Lịch sử bắt buộc mà còn học với thời lượng lớn hơn chương trình hiện hành và đề xuất hướng đổi mới đồng bộ để việc giáo dục lịch sử có hiệu quả hơn.
PV: Vậy tầm quan trọng và hướng đổi mới đồng bộ của giáo dục lịch sử sẽ được thể hiện trong CTGDPTTT?
PGS, TS Đỗ Ngọc Thống: Trước hết cần khẳng định nhận thức dù môn Lịch sử là hết sức quan trọng nhưng giáo dục lịch sử không chỉ bằng môn Lịch sử mà còn bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng khác như: Phim ảnh, nghệ thuật, âm nhạc, các hoạt động trải nghiệm sáng tạo như: tham quan di tích lịch sử, gặp gỡ giao lưu với các anh hùng lực lượng vũ trang, thăm các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, ngoại khóa, thi tìm hiểu tên đường, tên phố, ngược dòng lịch sử...
Vấn đề thời lượng cũng thể hiện rõ sự coi trọng giáo dục lịch sử. Xin dẫn ra một so sánh: Theo chương trình THPT hiện nay, Lịch sử là môn học độc lập với thời lượng 1,5 tiết/tuần. Chương trình mới HS buộc phải học Lịch sử trong môn Khoa học xã hội (KHXH) với 1,5 tiết/tuần cộng với một tiết trong môn Công dân với Tổ quốc là 2,5 tiết/tuần; với các HS theo hướng KHXH và chuyên ngành Lịch sử thì học môn Lịch sử nâng cao ba tiết/tuần cộng với một tiết bắt buộc trong môn Công dân với Tổ quốc, tổng là bốn tiết/tuần. Như vậy, thời lượng học lịch sử của chương trình mới lớn hơn hẳn chương trình hiện hành.
PV: Các nhà sử học cũng như dư luận xã hội đòi hỏi cần có những thay đổi để đánh giá đúng vị trí môn Lịch sử. Ban soạn thảo sẽ tiếp thu những ý kiến đó như thế nào?
PGS, TS Đỗ Ngọc Thống: Trước ý kiến của các nhà nghiên cứu sử cũng như dư luận xã hội, Ban soạn thảo GDPTTT khẳng định, điều quan trọng nhất trong chương trình giáo dục phổ thông mới là các nội dung giáo dục lịch sử vẫn được tôn trọng, thời lượng dành cho giáo dục lịch sử tăng lên, hình thức giáo dục lịch sử sẽ đa dạng hơn nhiều. Ngoài ra, chương trình mới cũng sẽ chú trọng việc đổi mới phương pháp dạy học lịch sử và đặc biệt là đổi mới thi cử, thay đổi cách kiểm tra, đánh giá kết quả dạy học lịch sử...
Tuy nhiên, Ban soạn thảo rất trân trọng những ý kiến của các nhà sử học, các chuyên gia, giáo viên và dư luận xã hội. Tôn trọng và lắng nghe tất cả các ý kiến, nhất là các ý kiến trái chiều, phản đối. Trong quá trình xem xét, tiếp thu các ý kiến, chúng tôi nhận thấy dự thảo chương trình tổng thể cũng có một số thiếu sót trong việc trình bày, diễn đạt gây khó hiểu và dẫn đến những hiểu nhầm như: gạt môn Lịch sử ra khỏi chương trình, coi Lịch sử là môn tự chọn, ai thích học thì học. Ban soạn thảo sẽ rút kinh nghiệm và tiếp thu, chỉnh sửa; đặc biệt sẽ nghiên cứu, trao đổi kỹ lưỡng để có một giải pháp phù hợp nhất về giáo dục lịch sử trong chương trình GDPT mới, sau đó sẽ trình Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa và lãnh đạo Bộ GD và ĐT.
PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!
QUÝ TÙNG (THỰC HIỆN)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét