27 thg 5, 2015

Ðược gì từ tỷ lệ học sinh giỏi cao?

Thứ năm, 28/05/2015 - 02:10 AM (GMT+7)
[+] Cỡ chữ: Mặc định    

Mỗi khi kết thúc năm học, dư luận xã hội lại rộ lên việc lớp A, trường B có quá nhiều học sinh giỏi. "Ghé thăm" trang thông tin điện tử của các trường, Facebook của nhiều bậc cha mẹ học sinh thi nhau đăng tải hình ảnh, kết quả học tập đáng nể của con mình từ tiểu học đến THPT. Có những lớp 40 học sinh, nhưng hơn 90% các em đạt danh hiệu học sinh giỏi. 
Nếu tỷ lệ học sinh đạt danh hiệu loại giỏi, đúng như đánh giá của các trường, thì đó là điều đáng mừng, đáng trân trọng vì những nỗ lực học tập của các em, sự quan tâm, dạy dỗ tâm huyết của giáo viên.
Tuy nhiên, thành tích của học sinh có đúng như các kết quả được công bố còn là điều đáng bàn. Chính sự ngộ nhận và mong muốn thái quá sẽ tạo cơ hội cho nhiều trường lớp, bản thân phụ huynh và các em đánh giá không chính xác trình độ, năng lực. Thậm chí bằng nhiều cách khác nhau, có những bậc phụ huynh chọn cách "chăm sóc" thầy giáo, cô giáo xin điểm, nâng điểm với mong muốn con mình sẽ có điểm số đẹp hơn. Về lâu dài, và về mục tiêu giáo dục đó là những việc làm đã tác động xấu.
Ðối với các hoạt động giáo dục, việc lấy kết quả số lượng học sinh đạt loại giỏi để đánh giá năng lực giáo viên cũng tác động đáng kể đến tâm lý "ganh đua" của các thầy giáo, cô giáo. Mặt khác, khi tuyển sinh đầu cấp, nhiều trường đặt ra yêu cầu học sinh phải có nhiều năm đạt loại giỏi làm điều kiện trong ưu tiên xét tuyển khiến cho nhiều giáo viên, phụ huynh luôn "nỗ lực" nâng tỷ lệ giỏi để học sinh chuyển cấp được thuận lợi. Trong khi đó, đánh giá kết quả tốt nghiệp cũng như tuyển sinh đại học của một số trường hiện nay cũng dựa vào kết quả điểm thi và học bạ THPT. Vì vậy, tâm lý "làm đẹp" học bạ bằng điểm số loại giỏi tạo lợi thế cạnh tranh trong việc xét tuyển đại học cũng là một trong những nguyên nhân gây nên những đánh giá không trung thực về năng lực, trình độ học sinh.
Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, việc đánh giá học sinh nếu chỉ vì thành tích thi đua của trường, giáo viên sợ thua kém đồng nghiệp cũng như vì mục đích trong tuyển sinh thì sẽ rất nguy hiểm cho nền giáo dục, ảnh hưởng không tốt tới sự phát triển bình thường của người học. Vì vậy, việc đánh giá học sinh phải thực chất, nghiêm túc để xã hội thấy được nền giáo dục nước nhà đang ở ngưỡng nào, điểm mạnh, điểm yếu ra sao.
Mặt khác, khi các trường đánh giá học sinh nghiêm túc, phụ huynh sẽ biết được học lực thật của con em mình, từ đó cùng với giáo viên tìm cách giúp các em phát triển. Không chỉ vậy, khi đánh giá học sinh chính xác, thực chất các em sẽ có ý thức cố gắng hơn trong học tập. Vì vậy, các thầy giáo, cô giáo cũng như các bậc phụ huynh cần nhìn nhận vấn đề này thật nghiêm túc. Bởi thực tế, nếu các trường tiếp tục mắc "bệnh" thành tích thì chắc chắn sẽ "sản sinh" ra các lứa học sinh mang danh hiệu khá, giỏi nhưng kiến thức rỗng tuếch. Các bậc phụ huynh cần xác định thực chất khả năng học tập của con em mình, không vì thành tích mà quá kỳ vọng hoặc tìm cách tác động đến việc đánh giá của giáo viên. Trong khi đó, các giáo viên khi đánh giá học sinh cần thực hiện trên một quá trình, cả về kiến thức, năng lực và kỹ năng, tránh đánh giá chỉ dựa vào bài kiểm tra cuối kỳ, cuối năm.
Ðáng chú ý, ngành giáo dục và đào tạo cần có nhiều thước đo đánh giá năng lực của giáo viên để đánh giá, xếp loại thi đua, không nên tập trung quá nhiều vào tiêu chí tỷ lệ xếp loại khá, giỏi của học sinh. Quá trình tuyển sinh cần có những giải pháp hữu hiệu như đưa ra các cách xử lý tình huống, kỹ năng để học sinh thể hiện năng lực của mình, tránh tình trạng cấp học trên dựa vào kết quả học bạ cấp học dưới làm điều kiện tiên quyết trong xét tuyển, từ đó xuất hiện những "cuộc đua" thành tích không đáng có.
QUÝ TÙNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét