8 thg 4, 2015

Thí sinh cân nhắc kỹ khi lựa chọn môn thi, cụm thi

Thứ năm, 02/04/2015 - 05:00 PM (GMT+7)
[+] Cỡ chữ: Mặc định    

NDĐT - Ngày 1-4, thí sinh cả nước bắt đầu nộp hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT) THPT quốc gia. Khác với những năm trước đây, năm nay, việc ĐKDT có nhiều điểm mới thay đổi về môn thi, cụm thi, nhất là các thông tin về chế độ ưu tiên, cộng điểm khuyến khích trong xét tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ). Mặc dù nhiều trường phổ thông đã phổ biến, khảo sát, cho thí sinh đăng ký thử các môn thi, lựa chọn cụm thi, song còn không ít học sinh bày tỏ sự lo lắng cần sự tư vấn, hướng dẫn trong thời gian ĐKDT.
Là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, nhưng công tác chuẩn bị ĐKDT THPT quốc gia tại Sơn La diễn ra khá sôi nổi. Phó trưởng Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) Sơn La, Nguyễn Thanh Nhàn cho biết: Qua thống kê, có 3.525 thí sinh ĐKDT tại cụm thi do Trường ĐH Tây Bắc chủ trì; 3.634 thí sinh đăng ký tại cụm thi do Sở GD và ĐT Sơn La chủ trì. Tuy nhiên, số liệu thống kê nói trên sẽ có sự thay đổi, vì từ ngày 1-4, thí sinh mới chính thức nộp hồ sơ ĐKDT. Việc phổ biến quy chế thi THPT quốc gia đã được tỉnh Sơn La triển khai đến các cơ sở giáo dục, nhất là những nơi điều kiện dạy và học còn nhiều khó khăn. Ngày 26-3, tại huyện biên giới Sốp Cộp, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Sơn La tổ chức Hội nghị báo cáo viên chuyên đề về kỳ thi THPT quốc gia. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, hướng nghiệp, nhìn chung thí sinh lựa chọn các cụm thi khá đồng đều.
Chúng tôi đến trường THPT Dân tộc Nội trú tỉnh Sơn La đúng lúc thầy giáo, cô giáo và học sinh của trường đang tổ chức ký xác nhận hồ sơ cho học sinh. Theo Phó Hiệu trưởng nhà trường Lưu văn Khải, hơn một tháng nay, mỗi buổi chào cờ, hoặc họp lớp đều có nội dung tuyên truyền, hướng nghiệp cho học sinh. Qua tư vấn, hướng dẫn, có nhiều học sinh bày tỏ sự lo lắng, nhưng các em được nhà trường giải thích kỹ, tạo tâm lý thoải mái, tự tin. Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Sơn La có năm lớp 12, với 153 học sinh ĐKDT, trong đó 12 thí sinh chọn cụm thi do Sở GD và ĐT Sơn La chủ trì, số thí sinh còn lại sẽ thi tại cụm do Trường ĐH Tây Bắc chủ trì. Điều đáng mừng là các học sinh nói trên đã xác định rõ khối thi, môn thi, cụm thi để hướng nghiệp trong tương lai.
Nếu như tỉnh miền núi Sơn La có nhiều thí sinh lựa chọn cụm thi do Sở GD và ĐT chủ trì thì tại Hà Nội và Nam Định, phần lớn thí sinh lựa chọn cụm thi do trường ĐH chủ trì. Các địa phương nói trên đã tổ chức từ hai đến ba đợt khảo sát về lựa chọn môn thi, cụm thi cho học sinh. Nhìn chung, thí sinh lựa chọn cụm thi và môn thi tự chọn để xét tốt nghiệp THPT, môn thi xét tuyển sinh ĐH khá đa dạng.
Theo Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức (Hà Nội) Nguyễn Quốc Bình: Qua khảo sát, nhà trường có tám học sinh đăng ký tham dự kỳ thi THPT quốc gia với mục đích xét công nhận tốt nghiệp; 648 học sinh đăng ký vừa xét công nhận tốt nghiệp vừa xét tuyển sinh ĐH. Về lựa chọn các môn thi, có 452 học sinh lựa chọn môn Vật lý, 234 thi Hóa học, 175 thi Địa lý, 49 thi Sinh học, 22 thi Lịch sử. Qua hai đợt khảo sát, số lượng học sinh đăng ký các cụm thi, môn thi có thay đổi nhưng không đáng kể.
Để việc phổ biến quy chế thi và hướng dẫn, định hướng cho học sinh lựa chọn môn thi, cụm thi phù hợp với khả năng của học sinh, nhiều trường phổ thông đề cao vai trò của giáo viên chủ nhiệm. Cô giáo Nguyễn Mai Hạnh, giáo viên chủ nhiệm lớp 12 D3, Trường THPT Việt Đức (Hà Nội) thường xuyên cập nhập thông tin mới trên báo chí chính thống và thông tin của ngành GD và ĐT về kỳ thi để kịp thời phổ biến cho học sinh. Cô Hạnh cho biết, ngày nào cũng có học sinh hỏi về việc lựa chọn môn thi, cụm thi, cách thức ĐKDT. Qua hướng dẫn và định hướng, có khoảng hai phần ba số học sinh trong lớp lựa chọn môn thi Vật lý và Địa lý; không có học sinh lựa chọn cụm thi do sở GD và ĐT chủ trì.
Em Nguyễn Hoàng Bảo Chinh, lớp 12 D3, Trường THPT Việt Đức chia sẻ: Nhờ cô giáo chủ nhiệm hướng dẫn, định hướng, kết hợp với đọc báo, nghe đài cho nên về cụm thi, môn thi em đã xác định được theo khả năng của mình. Điều em lo lắng là đề thi năm nay sẽ có cấu trúc như thế nào để chủ động ôn tập.
Theo quy chế thi THPT quốc gia, để đủ điều kiện xét công nhận tốt nghiệp, ngoài ba môn thi bắt buộc và một môn do thí sinh tự chọn, các em có thể đăng ký tối đa tám môn thi để có thêm cơ hội xét tuyển sinh vào các trường ĐH. Tuy nhiên, nếu thí sinh đăng ký quá nhiều môn nhưng không bố trí được thời gian ôn tập sẽ ảnh hưởng đến kết quả kỳ thi. Trong các đợt đăng ký thử, một số trường phổ thông xác nhận, ngoài môn thi bắt buộc, phần lớn học sinh đăng ký từ một đến hai môn thi. Vấn đề đặt ra, nếu học sinh đăng ký quá nhiều môn nhưng quên không thi môn tự chọn đã đăng ký để đủ điều kiện xét công nhận tốt nghiệp, chỉ thi môn tự chọn xét tuyển sinh vào ĐH thì chắc chắn không được xét công nhận tốt nghiệp. Đây là vấn đề vừa được các chuyên gia giáo dục phát hiện và cảnh báo có thể xảy ra nếu nhà trường không phổ biến, tuyên truyền kỹ đến học sinh.
Phó Cục trưởng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD và ĐT), Trần Văn Nghĩa cho biết: Bộ vừa có hướng dẫn thực hiện quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT, trong đó có đề cập việc lựa chọn môn thi, cụm thi… khá chi tiết. Theo đó, các trường phổ thông sẽ chịu trách nhiệm hướng dẫn thí sinh điền vào phiếu đăng ký dự thi đầy đủ và đúng các thông tin, nhất là các thông tin về chế độ ưu tiên, cộng điểm khuyến khích trong tuyển sinh ĐH. Mặt khác, các sở GD và ĐT, các đơn vị ĐKDT chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị cần thiết cho việc ĐKDT như: Nơi đón tiếp thí sinh đến đăng ký, máy ảnh, máy vi tính, phiếu ĐKDT, phiếu đăng ký xét công nhận tốt nghiệp THPT, túi hồ sơ...
Trong thời gian 30 ngày kể từ ngày ĐKDT, thí sinh sẽ được cấp một “tài khoản” gồm địa chỉ truy cập và mật khẩu để xem những thông tin đã đăng ký. Nếu thí sinh muốn thay đổi thông tin, nguyện vọng phải chủ động liên hệ tại nơi ĐKDT để điều chỉnh kịp thời. Sau ngày 30-4, thí sinh không được thay đổi cụm thi và các thông tin về môn thi đã đăng ký. Đáng chú ý, tại kỳ thi năm nay, thí sinh đang học trường nào sẽ nộp hồ sơ ĐKDT tại trường đó.
Thí sinh tự do dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT được chọn địa điểm nộp hồ sơ ĐKDT tại một trong các đơn vị ĐKDT do các sở GD và ĐT quy định nhưng phải dự thi tại cụm thi cùng với thí sinh đang học tại trường phổ thông là đơn vị ĐKDT đó. Đối với những thí sinh tự do dự thi chỉ để xét tuyển ĐH, CĐ được lựa chọn thi tại cụm thi do trường ĐH chủ trì và nộp hồ sơ ĐKDT tại địa điểm phù hợp với điều kiện của thí sinh. Chậm nhất ngày 10-6, thủ trưởng đơn vị ĐKDT thông báo công khai những trường hợp thí sinh không đủ điều kiện dự thi.
QUÝ TÙNG VÀ ĐỨC TUẤN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét