Thứ năm, 09/04/2015 - 01:44 AM (GMT+7)
Để bảo đảm an toàn cho trẻ em khi tham gia giao thông, từ ngày 6 đến 10-4, lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) toàn quốc phối hợp các lực lượng chức năng tuyên truyền, nhắc nhở, yêu cầu phụ huynh chở trẻ em trên sáu tuổi; học sinh đi xe mô-tô, xe gắn máy, phương tiện xe hai bánh chạy bằng điện chấp hành quy định đội mũ bảo hiểm (MBH).
Đáng chú ý, từ ngày 10-4, những đối tượng nêu trên nếu vi phạm sẽ bị phạt hành chính từ 100 đến 200 nghìn đồng/lần, đồng thời gửi thông báo học sinh vi phạm về các nhà trường để có biện pháp giáo dục.
Thực hiện kế hoạch của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia về đội MBH cho trẻ em, những ngày qua, lực lượng CSGT các địa phương đã tỏa ra các ngả đường, trước các cổng trường, phối hợp các lực lượng: Đoàn thanh niên, dân quân tự vệ nhằm nhắc nhở phụ huynh, học sinh về quy định bắt buộc đội MBH khi đến trường và lưu thông trên đường. Ghi nhận của phóng viên Báo Nhân Dân tại một số địa phương như Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh cho thấy, qua tuyên truyền, nhắc nhở, phụ huynh chở trẻ em; học sinh khi điều khiển phương tiện giao thông đã ý thức hơn trong việc chấp hành quy định bắt buộc đội MBH. Tuy nhiên, vẫn còn không ít trường hợp việc đội MBH mang tính hình thức, chống chế. Tại một số cổng trường như: Trường tiểu học Điện Biên, tiểu học Ngô Thì Nhậm, THCS Ba Đình, THPT Việt Đức (Hà Nội), học sinh đội MBH khá nghiêm túc. Tuy nhiên, có khoảng hơn 30% số học sinh khi ra khỏi cổng trường không đội MBH (mặc dù có mang theo); một số học sinh khác chở quá số người quy định, đi dàn hàng ngang. Khi gần đến chốt CSGT, những học sinh nêu trên mới dừng xe đội MBH.
Chị Phạm Bích Hường, có con học ở Trường tiểu học Điện Biên (Hà Nội), chia sẻ: "Liên tiếp những ngày qua, nhà trường thường xuyên nhắc nhở học sinh phải đội MBH bằng cách nhắn tin qua sổ liên lạc điện tử. Mặt khác, nhà trường còn cử giáo viên đứng ở cổng trường nhắc nhở, cho nên mỗi lần tham gia giao thông, con gái tôi đã tự giác mang theo MBH vì sợ cô giáo phê bình". Tại Trường THCS Ba Đình (Hà Nội), cô giáo Nguyễn Thanh Bình, hiệu trưởng nhà trường bày tỏ sự lo lắng: "Bên cạnh những trường hợp chấp hành nghiêm việc đội MBH, cũng không hiếm trường hợp học sinh "để đầu trần" đến trường. Vì vậy, nhà trường đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến, trong đó có hơn một nghìn phụ huynh học sinh ký cam kết đội MBH cho con khi tham gia giao thông bằng xe mô-tô, xe gắn máy và xe đạp điện. Ngoài ra, nhà trường cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa; thực hiện tiểu phẩm ngắn để nhắc nhở phụ huynh và học sinh chấp hành các quy định về đội MBH".
Cảnh sát giao thông TP Hà Nội nhắc nhở một trường hợp phụ huynh không đội mũ bảo hiểm cho trẻ em.
Trong khi đó, tại TP Hồ Chí Minh, do không chấp hành quy định đội MBH, nhiều phụ huynh học sinh có con học tại Trường tiểu học Bình Trị Đông (phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân) bị lực lượng công an địa phương, dân phòng và bảo vệ của trường nhắc nhở. Anh Mã Thành Ích (ở khu phố 7), nhà gần Trường tiểu học Bình Trị Đông, sau khi bị "chỉnh đốn" giãi bày: "Lâu nay tôi không biết chở trẻ nhỏ mà không đội MBH thì bị phạt. Vả lại, thấy nhà gần, trường nằm trong hẻm cho nên tôi chủ quan. Từ mai tôi sẽ mua MBH riêng cho con".
Trong khi đó, nhiều phụ huynh khác bày tỏ, vì sự an toàn cho trẻ nên đã đội MBH cho con, dù ban đầu các cháu có kêu nóng bức, nhưng dần cũng quen và đi vào nền nếp.
Tại Đà Nẵng, việc thực hiện đội MBH đối với học sinh cũng được thực hiện khá nghiêm túc, nhất là ở các trường nằm trên các tuyến đường chính, trung tâm thành phố. Em Nguyễn Hải Nam, lớp 4/1 Trường tiểu học Trần Bình Trọng, quận Liên Chiểu bày tỏ: "Chúng em đã học về an toàn giao thông khi được các chú CSGT quận về nói chuyện ngoại khóa. Lớp em bạn nào cũng đội MBH và khi đến lớp, mũ của chúng em đều được treo cẩn thận ở hai cây móc đồ đặt cuối lớp". Trong khi đó, ở một số trường tiểu học tại Đà Nẵng, nhất là các trường có học sinh nhà ở gần vẫn có tình trạng các em "để đầu trần" đến lớp. Các lý do được phụ huynh học sinh trình bày là do thói quen, nhà quá gần, và trường nằm trong những con đường nhỏ nên không đội MBH. Để nâng cao nhận thức cho học sinh, ngành giáo dục và đào tạo (GD và ĐT) Đà Nẵng thường xuyên tổ chức các hội thi tìm hiểu về Luật Giao thông đường bộ dành cho học sinh tiểu học, qua đó giáo dục ý thức cho các em khi tham gia giao thông. Trao đổi ý kiến với chúng tôi, Giám đốc Sở GD và ĐT Đà Nẵng Lê Trung Chinh khẳng định: Sở đã xây dựng, ban hành kế hoạch tăng cường thực hiện quy định bắt buộc đội MBH đối với học sinh trên địa bàn thành phố năm 2015 với các khẩu hiệu tuyên truyền: Trẻ em cũng phải đội MBH khi đi xe máy; Đội mũ cho con, trọn tình cha mẹ; Nhớ lời cô dặn: đội MBH khi đi xe máy, xe đạp điện.
Nhiều năm qua, khi việc chấp hành quy định bắt buộc đội MBH cho người đi mô-tô, xe gắn máy được thực hiện tương đối tốt với người lớn, thì ngược lại, tỷ lệ này rất thấp đối với trẻ em. Vụ trưởng công tác Học sinh, Sinh viên (Bộ GD và ĐT) Ngũ Duy Anh lý giải: Học sinh không đội MBH khi tham gia giao thông thời gian vừa qua có rất nhiều nguyên nhân.
Thứ nhất,lâu nay việc xử phạt trẻ em trên sáu tuổi không đội MBH chỉ dừng lại ở việc nhắc nhở, tuyên truyền. Vì vậy, đã hình thành thói quen cho các bậc phụ huynh không đội mũ cho con khi ngồi trên xe mô-tô, xe gắn máy, xe hai bánh chạy bằng điện. Thứ hai, khi Chính phủ ban hành Nghị định số 171/NĐ-CP ngày 13-11-2013 quy định xử phạt tiền từ 100 đến 200 nghìn đồng đối với hành vi người điều khiển, người ngồi trên xe mô-tô, xe gắn máy, xe đạp máy không đội MBH hoặc đội MBH mà không cài quai đúng quy cách, việc phát hiện và xử lý của cơ quan chức năng đối với trường hợp này thời gian qua gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân do không đủ căn cứ pháp lý để xác định được độ tuổi của trẻ, ngoại trừ việc xác nhận bằng mắt thường là qua đồng phục học sinh tại các điểm trường. Thứ ba, nhiều phụ huynh cho rằng, đội MBH cho con khi ngồi trên xe mô-tô, xe gắn máy sẽ ảnh hưởng đốt sống cổ... cho nên dẫn tới việc thực hiện quy định chưa nghiêm.
Để tăng tỷ lệ học sinh đội MBH khi tham gia giao thông, trong năm 2015, Bộ GD và ĐT có một số giải pháp, trong đó chú trọng tuyên truyền, giáo dục những quy định của pháp luật về việc đội MBH trong các cơ sở giáo dục; quy định cụ thể việc xử lý kỷ luật những trường hợp học sinh vi phạm an toàn giao thông để kịp thời nhắc nhở, giáo dục; phát huy vai trò của tổ chức đoàn, đội trong công tác tuyên truyền quy định của pháp luật về đội MBH đối với học sinh. Mặt khác, tuyên truyền và tổ chức cho phụ huynh học sinh ký cam kết với nhà trường trong việc chấp hành nghiêm quy định đội MBH cho học sinh khi tham gia giao thông; đưa việc triển khai quy định của pháp luật về đội MBH đối với học sinh là một trong những tiêu chí đánh giá thi đua các cơ sở giáo dục phổ thông.
TÙNG QUÀNH VÀ ĐÀO ANH
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét