19 thg 9, 2016

Chương trình sữa học đường ở Bắc Ninh

Thứ Ba, 20/09/2016, 03:36:11
 Font Size:     |        Print
 

Giờ hoạt động vui chơi của cô trò Trường mầm non Ánh Dương (TP Bắc Ninh).
 Font Size:     |  
Nhằm nâng cao thể trạng, trí tuệ cho trẻ mầm non mỗi khi đến trường, năm học 2013-2014, tỉnh Bắc Ninh đã ban hành nghị quyết về thực hiện thí điểm chương trình sữa học đường giai đoạn 2013-2017. Đến nay, không chỉ học sinh mầm non thuộc hệ thống các trường công lập được uống sữa mà nhiều học sinh trường ngoài công lập cũng được thụ hưởng từ chương trình này.
Đến Trường mầm non thị trấn Gia Bình (huyện Gia Bình), cô giáo Nguyễn Thị Hạnh, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Chương trình sữa học đường đã triển khai được ba năm, nhận được sự ủng hộ của đông đảo phụ huynh học sinh. Từ khi có chương trình sữa học đường, phụ huynh đã chú ý hơn đến việc đưa con đến trường học tập; tình trạng suy dinh dưỡng của trẻ giảm đáng kể, chiều cao tăng lên rõ rệt. Vì có nhiều học sinh ở độ tuổi khác nhau, cho nên nhà trường thống nhất: Với các cháu nhà trẻ sẽ uống một hộp (180 ml) chia làm hai lần/ngày; các cháu lớp mẫu giáo lớn uống một hộp một lần/ngày. Sau một thời gian triển khai, nhà trường kiến nghị công ty cung cấp sữa nên thiết kế thêm sữa hộp nhỏ cho học sinh các lớp nhà trẻ, đồng thời thay đổi hương vị, mẫu mã để các học sinh cảm thấy hứng thú hơn.
Nhằm tạo sự công bằng, bên cạnh việc triển khai đại trà chương trình sữa học đường ở các trường công lập, tỉnh Bắc Ninh cũng triển khai chương trình này đến các trường ngoài công lập có số trẻ đạt từ 50 cháu trở lên. Cô giáo Nguyễn Thị Giới, Hiệu trưởng Trường mầm non Ánh Dương (thành phố Bắc Ninh) cho biết: Trước khi chương trình sữa học đường của tỉnh được triển khai, nhà trường cũng có chương trình sữa riêng cho các học sinh. Có thêm nguồn sữa học đường, phụ huynh rất phấn khởi vì không phải mua sữa và mang sữa đến trường cho con. Theo quy định, phụ huynh đóng 25% số tiền sữa, nhưng vì đã đóng tiền sữa riêng do trường triển khai cho nên nhà trường không thu khoản tiền nêu trên. Khi triển khai chương trình sữa học đường, các cháu suy dinh dưỡng thường xuyên được cân, đo theo tháng hoặc theo quý. Trên cơ sở cân, đo, nhà trường có kế hoạch bổ sung các chất dinh dưỡng để học sinh phát triển chiều cao, cân nặng, trí tuệ theo yêu cầu. Kết quả cho thấy, đầu năm học 2015-2016, nhà trường có 7% số học sinh thuộc diện suy dinh dưỡng, thấp còi, nhưng đến cuối năm đã giảm chỉ còn 1,5%. Chị Trần Mai Anh, phụ huynh học sinh lớp mẫu giáo lớn, Trường mầm non Ánh Dương chia sẻ: Từ khi có chương trình sữa học đường gia đình cảm thấy rất phấn khởi vì các con được uống sữa thường xuyên hơn, không phải mang sữa đến trường.
Đề cập việc triển khai chương trình sữa học đường, Trưởng phòng Giáo dục mầm non, Sở GD và ĐT Bắc Ninh Lương Thị Biển cho biết: Chương trình sữa học đường bắt đầu triển khai thí điểm từ năm học 2013-2014 ở 24 trường thuộc tám huyện, thị xã, thành phố. Đến năm học 2014-2015, việc thực hiện chương trình sữa học đường được triển khai đại trà ở tất cả trường mầm non trên địa bàn tỉnh với tổng số hơn 75 nghìn cháu được thụ hưởng. Năm học 2015-2016, là năm thứ hai triển khai đại trà chương trình tại 163 trường mầm non công lập và tư thục. Tính đến tháng 9-2016, số trẻ được thụ hưởng từ chương trình sữa học đường là hơn 84 nghìn cháu, tăng hơn 6.000 cháu so với cùng kỳ năm 2015.
Theo Giám đốc Sở GD và ĐT Bắc Ninh Ngô Văn Liên: Chương trình sữa học đường đã được đưa vào Nghị quyết của tỉnh để triển khai. Theo đó, trong mỗi hộp sữa, ngân sách của tỉnh hỗ trợ 50%, công ty sữa hỗ trợ 25%, phụ huynh đóng góp 25%. Các cơ sở giáo dục mầm non đã có kho chứa sữa theo yêu cầu, bảo đảm chất lượng, đủ sữa cho trẻ uống trong một tháng. Do chương trình sữa học đường triển khai hiệu quả, tình trạng sức khỏe của các cháu phát triển tốt, không xảy ra hiện tượng bất thường về ngộ độc, dị ứng; tỷ lệ suy dinh dưỡng giảm nhiều so với đầu năm học… Chương trình sữa học đường không chỉ giảm đáng kể tỷ lệ học sinh thấp còi, suy dinh dưỡng mà còn góp phần trong việc nâng cao chất lượng giáo dục, tạo tiền đề để tỉnh Bắc Ninh phổ cập giáo dục các cấp học theo đúng yêu cầu đặt ra…
Long Thành và Thái Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét