3 thg 9, 2014

Những căn cứ để xây dựng chương trình, sách giáo khoa

Thứ ba, 02/09/2014 - 02:55 AM (GMT+7)
[+] Cỡ chữ: Mặc định    
Phụ huynh chọn mua sách tại cửa hàng của Tổng Công ty Phát hành sách Việt Nam.
Phụ huynh chọn mua sách tại cửa hàng của Tổng Công ty Phát hành sách Việt Nam.

Hội nghị tham vấn chuyên gia về Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông (GDPT) được Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức tại Hà Nội ngày 28-8 vừa qua. Các đại biểu dự hội nghị có nhiều ý kiến khác nhau liên quan hai nội dung: Phân chia chương trình hệ thống GDPT thành hai giai đoạn và Dự thảo Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT sau năm 2015.
Xác định số năm học giáo dục cơ bản
Tại Hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận và đóng góp ý kiến vào sáu nội dung của đề án, trong đó thảo luận sôi nổi nội dung phân chia chương trình giáo dục phổ thông thành hai giai đoạn: Giáo dục cơ bản và giáo dục định hướng nghề nghiệp; Quan điểm và phương án dạy học phân hóa và dạy tích hợp trong chương trình GDPT sau năm 2015; Quan điểm về một chương trình GDPT quốc gia thống nhất quy định chuẩn đầu ra, những nội dung và yêu cầu bắt buộc áp dụng trên phạm vi toàn quốc, những nội dung bổ sung mang tính đặc thù của từng địa phương. Không ít đại biểu tỏ ra băn khoăn và có nhiều ý kiến trái chiều về đề án nói trên do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) soạn thảo. Trước đó, Bộ GD và ĐT đã đề xuất hai phương án về hệ thống giáo dục quốc dân: Phương án một, giáo dục cơ bản mười năm (giáo dục tiểu học năm năm, giáo dục THCS năm năm) và giáo dục định hướng nghề nghiệp (GDPT) hai năm.
Tổng cộng, GDPT là hệ có 12 năm học. Phương án hai: Giáo dục cơ bản chín năm (giáo dục tiểu học năm năm, giáo dục THCS bốn năm), giáo dục định hướng nghề nghiệp (giáo dục THPT ba năm). Hệ thống này gồm 12 năm học - đó là hệ thống có cấu trúc như hệ thống hiện hành.
Nhiều ý kiến phát biểu tại hội nghị cho rằng, trước khi đề ra một phương án phải có nghiên cứu cẩn thận, đánh giá tác động của nó. Thêm một năm học ở cấp này và bớt một năm học ở cấp kia là bao nhiêu chuyện phải giải quyết biên chế thế nào, chức danh giáo viên ra sao, định mức lương, cơ sở vật chất có đủ chỗ học không... Để đổi mới GDPT việc trước tiên phải bàn là đổi mới hệ thống.
Nhưng tới thời điểm này, khi đã chuẩn bị trình Quốc hội Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT, Bộ GD và ĐT mới "mang" việc cấu trúc hệ thống giáo dục quốc dân ra bàn là quá chậm, khi làm cả hai việc cùng một lúc sẽ không bảo đảm chất lượng.
Phát biểu ý kiến tại hội nghị này, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển đã công bố giữ nguyên cơ cấu giáo dục phổ thông như hiện nay theo phương án hai: Giáo dục tiểu học năm năm, giáo dục THCS bốn năm và giáo dục THPT ba năm. Theo Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, qua phiên họp của Ủy ban Quốc gia về đổi mới GD và ĐT, Hội đồng Phát triển Giáo dục và Nhân lực cũng như nhiều chuyên gia có ý kiến khác cho nên Bộ quyết định giữ nguyên hệ thống như hiện nay. Sự thay đổi này của Bộ GD và ĐT khiến nhiều đại biểu không khỏi bất ngờ.
Một chương trình có nhiều bộ sách giáo khoa
Góp ý về Dự thảo Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT, PGS, TS Trần Thị Tâm Đan, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng: Trong vấn đề đổi mới chương trình, sách giáo khoa, Bộ GD và ĐT cần làm ngay việc phân luồng học sinh sau THPT vì thực tế kết quả đạt được còn thấp.
Về biên soạn sách giáo khoa, Bộ GD và ĐT nên chủ động biên soạn, mặt khác khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia cùng viết.
Việc đổi mới chương trình GDPT áp dụng sau năm 2015, một mặt phải tiếp tục giải quyết những vấn đề của chương trình hiện nay trên tinh thần kế thừa và phát triển. Mặt khác, chương trình GDPT mới phải tiếp cận được trình độ giáo dục của khu vực và quốc tế, tạo được sự chuyển biến căn bản về chất lượng giáo dục.
Một số ý kiến khác cho rằng, đổi mới chương trình, sách giáo khoa cần chú ý, lấy ý kiến rộng rãi tới chủ thể, nghĩa là học sinh, giáo viên cũng như các chuyên gia bộ, ngành. Chương trình THPT không nên chỉ có một chương trình vì thực tế chúng ta đang đẩy mạnh công tác phân luồng học sinh. Thực tế cho thấy, nhiều nước trên thế giới mặc dù học sinh cùng cấp học nhưng có nhiều chương trình, sách giáo khoa khác nhau, mục đích hướng tới người học theo đặc thù vùng, miền. Trong khi đó, ở Việt Nam hiện nay, GDPT chỉ có một chương trình, ngoại trừ một số trường chuyên nhưng con số này rất khiêm tốn. Mỗi cấp học nên có nhiều chương trình, nhiều sách giáo khoa, tránh tình trạng học sinh đổ xô thi vào các trường đại học như hiện nay. Đề cập vấn đề biên soạn sách giáo khoa, có ý kiến cho rằng: Việc biên soạn sách giáo khoa như thế nào là vấn đề không đơn giản, phải thảo luận, nghiên cứu kỹ, chắc chắn không nhiều tổ chức, cá nhân tham gia. Nguyên nhân là các tổ chức, cá nhân muốn tham gia biên soạn sách giáo khoa phải có kinh phí, trong khi không phải ai cũng được "phê duyệt".
Về báo cáo đánh giá tác động của chương trình GDPT mới, có ý kiến nêu bản báo cáo này dài 16 trang, đọc kỹ nội dung thì có thể thấy phần lớn các tác động, nhất là tác động tích cực đều là tưởng tượng của người viết báo cáo, không dựa trên cơ sở lý luận, cơ sở thực tiễn hay số liệu điều tra, thử nghiệm, khảo sát nào.
GS Nguyễn Khắc Phi đề nghị xem lại tên gọi của tài liệu Báo cáo đánh giá tác động của chương trình GDPT mới. Theo ông, hiện nhiều vấn đề vẫn còn có ý kiến khác nhau, trong khi cả chương trình và sách giáo khoa mới chưa có, vì vậy không thể có báo cáo về một việc chưa có được.
Phát biểu ý kiến tại hội nghị, GS, VS Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết: Năm 2013, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức giám sát "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm chất lượng và chương trình, sách giáo khoa GDPT" trọng tâm là việc thực hiện Nghị quyết số 40/2000/QH10 ngày 9-12-2000 của Quốc hội. Kết quả giám sát cho thấy, chương trình, sách giáo khoa GDPT về cơ bản đã thể hiện được quan điểm, đường lối đổi mới giáo dục của Đảng và Nhà nước, có nhiều tiến bộ về nội dung và hình thức trình bày.
Tuy vậy, chương trình, sách giáo khoa GDPT vẫn còn thiên về truyền thụ kiến thức, chưa chú trọng đúng mức việc rèn luyện tư duy sáng tạo và năng lực tự học, chưa cân đối dạy kiến thức với giáo dục đạo đức, lối sống, lịch sử, văn hóa dân tộc cũng như định hướng nghề nghiệp. Nội dung của một số môn học còn thiếu tính khả thi. Phân ban THPT không đạt được mục tiêu đề ra, không phù hợp với nhu cầu và nguyện vọng của học sinh. Vì vậy, việc tổ chức Hội nghị tham vấn chuyên gia về đề án nói trên nhằm củng cố, hoàn chỉnh các luận cứ khoa học và cơ sở thực tiễn phục vụ công tác thẩm tra của Ủy ban đối với dự thảo Nghị quyết mới của Quốc hội, thay cho Nghị quyết số 40/2000/QH10.
MAI QUÝ TÙNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét