9 thg 6, 2014

Chuyện học nơi đảo hồ

Được đăng ngày Thứ hai, 09 Tháng 6 2014 08:38
(TCT online) - Những lần đi thực địa các xã vùng cao huyện Lục Ngạn (Bắc Giang), cánh phóng viên luôn bị cuốn hút bởi hồ Cấm Sơn mênh mông thủy bạc với bao câu chuyện cảm động về những khó khăn, thiếu thốn của người dân và nghị lực tới trường của học sinh. Để tìm hiểu chuyện dạy và học nơi đảo hồ thôn Đồng Mậm, đoàn đã liên hệ trước đó cả tuần để lo thuyền, chuẩn bị áo phao và “một tay” lái thuyền dạn dày sông nước... 
Chúng tôi xuất phát từ bến nước trước cổng Trường tiểu học Sơn Hải bằng chiếc thuyền máy cỡ nhỏ chở tối đa được 10 người của nhà trường. Người lái thuyền vui tính tên Kiên, dặn dò chúng tôi mặc áo phao cẩn thận trước khi khởi hành. Mùa nào cũng vậy, hồ Cấm Sơn luôn nổi sóng lớn, thuyền bè đi lại gặp không ít khó khăn và nguy hiểm. Hồ ở đây được ví rộng như biển và sâu hơn 100 mét. Nhiệm vụ chính của Kiên là chuyên chở hàng nhu yếu phẩm, công văn và đưa đón giáo viên từ trường chính tới điểm trường. Một tuần “bốn tua” chở giáo viên đi và về, chưa kể đột xuất đưa cán bộ đi kiểm tra, thăm hỏi... cho nên “người lái đò” còn rất trẻ này thuộc luồng lạch như lòng bàn tay. Chiếc thuyền máy lướt ì ạch trên mặt hồ nổi nhiều đợt sóng lớn, đôi lúc làm câu chuyện giữa chúng tôi bị ngắt quãng. Anh Kiên nói lớn để chúng tôi nghe được rõ: Đây là hồ tích nước làm thủy lợi cho khu vực hạ du thuộc tỉnh Bắc Giang và một phần tỉnh Lạng Sơn, được xây dựng từ những năm 70 của thế kỷ trước. Hồ rộng khoảng 2.500 ha, thuộc địa phận bốn xã: Cấm Sơn, Sơn Hải, Tân Sơn, Hộ Đáp (Lục Ngạn). Mỗi xã có vài chục ha lúa, những năm mưa nhiều thì lúa, hoa màu bị ngập úng dẫn tới mất trắng. Lâu nay, bốn xã được hưởng một số ưu đãi, chính sách đủ để bảo đảm người dân không bị đói mỗi khi giáp hạt chứ không đủ để tạo lực phát triển. Điều đáng nói là thôn Đồng Mậm hiện vẫn chưa có điện thắp sáng, chưa có đường bộ đi lại và cơ sở y tế cho nên đời sống người dân, nhất là việc học của con trẻ gặp không ít khó khăn. Đồng Mậm có hơn 100 hộ dân, trong đó 90 hộ nghèo. Chiếc đài chạy pin là phương tiện thông tin chính, kết nối người dân nơi đây với thế giới chung quanh. Cuộc sống của đại bộ phận người dân thôn Đồng Mậm hiện nay vẫn là “tự cung tự cấp”, cá hồ đánh bắt được người dân đem ra chợ xã đổi lấy gạo, thịt, mắm, muối hoặc phơi khô dự trữ. Khó khăn là vậy nhưng các cháu đến tuổi đi học đều được tới trường. Đứa lớn, nhà gần thì tự chèo thuyền, đứa nhỏ hơn hoặc ở xa thì có bố mẹ đưa đón. Người dân xóm Suối Khoan xếp lịch, thay phiên nhau đưa, đón các cháu tới trường và từ trường về nhà. 
Sau hơn hai tiếng lênh đênh trên mặt hồ, chiếc thuyền máy do anh Kiên chèo lái đã cập bến điểm Trường tiểu học Sơn Hải ở Đồng Mậm an toàn. Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Hải, Lê Văn Đảng - cùng đi với chúng tôi nhảy thoắt lên bờ cắm neo một cách thành thạo. Đón đoàn là ba cô giáo và một thầy giáo. Điểm trường nằm trên gò đất cao giữa lòng hồ. Khi chúng tôi đến đã gần trưa, bốn thầy giáo, cô giáo đang chuẩn bị đi đâu đó. Dường như đoán được băn khoăn của chúng tôi, thầy Lâm Văn Thức giải thích: “Việc trên giao xuống gấp quá, mà để các gia đình tự làm thì không biết đến bao giờ, có khi lại muộn chế độ của các em. Thế là phải dồn tiết, cho các em nghỉ sớm để các thầy giáo, cô giáo vào xóm xác minh danh sách các em học sinh thuộc diện hộ nghèo”. Một chi tiết rất đặc trưng của những nhà giáo ở vùng lòng hồ này, họ không chỉ dạy chữ mà còn kiêm khá nhiều công việc mà nếu ở “dưới xuôi” đó là công việc của phụ huynh học sinh. Từ điểm Trường tiểu học Sơn Hải ở Đồng Mậm, chúng tôi tiếp tục hành trình trên chiếc thuyền máy khác do “tài xế” Trương Văn Mừng ở thôn Suối Khoan - có con học ở điểm trường điều khiển. 
Anh Mừng cho biết: Xóm Suối Khoan có 48 hộ dân, là nơi xa nhất của xã Sơn Hải. Cả xóm có 16 cháu đang theo học mầm non và tiểu học ở điểm trường. Cũng như các hộ dân ở trung tâm thôn, 100% số hộ dân ở đây thuộc diện hộ nghèo, kinh tế gia đình trông cả vào mấy thửa ruộng nước ven hồ và nghề chài lưới. Cách đây vài năm, phần lớn học sinh đến trường đều đi bằng thuyền chèo tay. Người lớn chèo cật lực cũng mất hơn một giờ đồng hồ mới đưa được các cháu tới trường. Sáu năm trước, một tổ chức nhân ái đến thăm, có tặng cả xóm một chiếc thuyền máy dùng để đưa đón các cháu tới trường. Nó được người dân địa phương đặt tên là: “Con tàu tri thức”. Điểm Trường tiểu học Sơn Hải ở Đồng Mậm hiện có ba thầy giáo, cô giáo nhưng phải dạy tới năm lớp ghép với 27 học sinh. Thầy Lâm Văn Thức dạy lớp ghép một và hai. Cô Nguyễn Thị Nga dạy lớp ghép ba và bốn. Riêng lớp năm học bình thường do cô Luân Thị Thêu dạy. Ngoài ra, còn có một cô giáo và 15 cháu mầm non cạnh đó, góp phần làm cho điểm trường giữa lòng hồ bớt hiu quạnh. Nói về việc dạy và học nơi đây, thầy Lâm Văn Thức tâm sự: Gọi là lớp cho oai, bởi mỗi lớp chỉ có khoảng năm đến sáu em. Được cái học trò ở điểm trường rất hiếu học và học khá, bố mẹ các em  rất tích cực động viên các cháu đến trường. ở đây tất cả các em học sinh THCS, phải ở trọ đến cuối tuần rồi “bám” thuyền về thăm nhà và lấy lương thực. Riêng ngày thứ hai và thứ sáu, lịch học buộc phải thay đổi để khớp với thời gian đưa đón thầy cô giáo và học trò ở trường chính và điểm trường. Trưởng thôn Đồng Mậm Trương Văn Quảng cho biết: Hiện người dân trong thôn vẫn sử dụng đèn dầu để cho các cháu học bài. Thấu hiểu được khó khăn, thiếu thốn cũng như vất vả của bố mẹ, các cháu luôn ý thức học tập. Thôn Đồng Mậm đã có ba cháu thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng.
Một con đường và đường điện lưới vào Đồng Mậm là ước mơ từ nhiều năm nay của người dân đảo hồ. Bởi có đường, điện là người dân có điều kiện, cơ hội phát triển kinh tế xã hội và cũng giảm bớt khó khăn, vất vả trong việc dạy và học. Nỗi trăn trở ấy luôn thôi thúc đồng chí Bí thư Đảng ủy xã Sơn Hải Giáp Hồng Đăng. Đích thân bí thư nhiều lần đi “vận động hành lang” ở trên huyện, tỉnh xin dự án, kinh phí, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có kết quả. Tiễn chúng tôi trong tiết trời oi ả, đồng chí bí thư xã quả quyết: “Trong nhiệm kỳ này, tôi phải làm bằng được con đường vào Đồng Mậm. Tôi tính nát nước rồi, sắp tới sẽ xin huyện cho gom hết các chương trình, dự án, tài trợ đối với xã nghèo để làm đường. Phi lộ bất phú mà, các anh cứ tin tôi đi...” .
Bài và ảnh: Long Thành

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét