9 thg 7, 2013

Phát triển mô hình "Một lúa, ba màu"

Thứ hai, 08/07/2013 - 09:33 PM (GMT+7)
[+] Cỡ chữ: Mặc định    
Giống lúa cực ngắn ngày P6ĐB trên đồng ruộng xã Quang Minh, huyện Gia Lộc (Hải Dương).
Giống lúa cực ngắn ngày P6ĐB trên đồng ruộng xã Quang Minh, huyện Gia Lộc (Hải Dương).
Sau tám năm nghiên cứu, chọn tạo, các nhà khoa học Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm đã tạo ra giống lúa P6 đột biến (P6đb) với thời gian sinh trưởng dưới 90 ngày. Giống lúa cực ngắn ngày này đã được gieo trồng trên diện rộng ở các tỉnh khu vực phía bắc, mở thêm cơ hội tăng vụ, nâng cao thu nhập, né tránh thiên tai.

Tăng vụ, nâng cao thu nhập
Chúng tôi đến xã Tam Kỳ, huyện Kim Thành (Hải Dương), nơi có nhiều nông dân gieo trồng được bốn vụ cây trồng/năm. Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Tam Kỳ Vũ Văn Ðức cho biết: Từ năm 2012 đến nay, xã cấy 100% giống lúa P6đb cực ngắn ngày. Những xã kế bên như Ðồng Gia, Cẩm La cũng đã chuyển đổi hoàn toàn giống lúa dài ngày sang giống lúa cực ngắn ngày. Có mặt tại cánh đồng dưa hấu thôn Kỳ Côi (Tam Kỳ), bác Nguyễn Ðức Thanh tâm sự: Người dân nơi đây bây giờ phần lớn làm nông nghiệp theo công thức một lúa, ba màu. Nghĩa là trồng một vụ lúa, vụ dưa, củ đậu và rau các loại. Quy trình thì mỗi gia đình căn cứ tình hình thực tế triển khai. Từ ngày trồng giống lúa P6đb, gia đình tôi luân canh được bốn vụ cây trồng/năm. Bác Thanh nhẩm tính, một năm gia đình thu lợi 200 triệu đồng từ bảy sào ruộng.
Thực tế cho thấy, tại các xã: Ðồng Gia, Tam Kỳ và Cẩm La (Kim Thành), giống P6đb có thời gian sinh trưởng 80 ngày ở vụ mùa, ngắn hơn 10 ngày so với giống đối chứng T1 đã trồng trước đó hơn 30 năm. Không những thế, P6đb còn cho năng suất cao hơn giống lúa T1 hơn 38%. Vì thế, chỉ trong thời gian ngắn, giống P6đb đã được người nông dân tin dùng. Câu chuyện "sáng lúa, chiều dưa", "sáng dưa, chiều củ đậu"... trên các cánh đồng khu C (Kim Thành) là chuyện bình thường ở huyện, bởi nhiều xã đã hình thành các "tập đoàn" lao động liên gia gồm thành viên của năm đến mười hộ gia đình. Mỗi khi chuyển vụ, họ chỉ "ới" một tiếng là những ruộng lúa vàng óng buổi sáng sang đến buổi trưa đã được lên luống thẳng tắp. Và đến chiều tối thì những bầu dưa hấu đã xoải những ngọn xanh non bước vào vụ mới (dưa được làm bầu trước khi đưa ra ruộng để có thời gian tăng vụ). Nhiều người ở các xã khu C nói với chúng tôi: Nông dân ở đây ai luân canh giỏi người đó sẽ mau giàu, ai "cướp" vụ giỏi thì còn giàu hơn. Nghĩa là trúng mùa, được giá. Nhiều hộ áp dụng hình thức kéo dài vụ củ đậu để bán muộn hoặc trồng rau màu trái vụ có thể thu lợi nhuận cao hơn nhiều so với cây trồng chính vụ. Thế nên, những cánh đồng sản xuất đạt giá trị từ 300 đến 350 triệu đồng /ha/năm ở các xã khu C bây giờ không còn là chuyện hiếm.
Né tránh thiên tai do biến đổi khí hậu
Do thường xuyên chịu ảnh hưởng trực tiếp của biến đổi khí hậu như nắng nóng, úng ngập bất thường, năm 2012 - 2013, các tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An và Thanh Hóa chủ động phối hợp các nhà khoa học để mở rộng diện tích trồng giống lúa P6đb. Tại Nghệ An, giống P6đb gieo cấy khoảng 2.500 ha. Riêng hai huyện Thạch Thành và Nông Cống (Thanh Hóa), diện tích trồng lúa P6đb khoảng hai nghìn ha. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Ðỗ Minh Quý, Bí thư Huyện ủy Thạch Thành cho biết: Thực tế, đã có nhiều diện tích trồng lúa dài ngày ở khu vực này nhiều năm mất trắng vì mưa bão. Trước đây, khi được tin bão về người dân nơi đây lo nơm nớp. Họ sợ vì ruộng lúa đang xanh mơn mởn nếu lũ về thì sẽ trắng tay. Sau nhiều lần "mất ăn", người dân buộc lòng phải gặt lúa non, "xanh nhà hơn già đồng". Năm 2011, huyện bắt đầu làm mô hình gieo cấy giống P6đb. Sau hai năm thí điểm hiệu quả, Huyện ủy đã có văn bản chỉ đạo tới cấp ủy, chính quyền các xã thường xuyên bị úng ngập để triển khai giống lúa cực ngắn ngày. Trong văn bản chúng tôi nêu rõ, nếu xã nào không triển khai mà bị ảnh hưởng mưa lũ thì lãnh đạo ở đó phải chịu trách nhiệm trước cấp trên. Từ năm 2013 đến nay, toàn bộ diện tích thường bị úng ngập đã được thay bằng giống P6đb với diện tích 1.500 ha. Nhờ cách làm quyết liệt nói trên, huyện Thạch Thành không còn cảnh người dân gặt lúa non chạy lũ. Khi được hỏi, 100% số người dân tin tưởng và thích giống lúa cực ngắn ngày P6đb - đồng chí Quý cho biết thêm.
Tại Hải Dương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nguyễn Văn Tịnh cho chúng tôi biết: Diện tích cấy lúa một vụ của tỉnh khoảng 63 nghìn ha, giống lúa ngắn ngày và cực ngắn ngày chiếm khoảng 30%. Nhờ có bộ giống lúa cực ngắn ngày cho nên các huyện Kim Thành, Gia Lộc, Kinh Môn có thể trồng được hơn bốn vụ cây trồng/năm đem lại hiệu quả kinh tế cao. Tính riêng bảy xã khu C (Kim Thành), diện tích lúa cực ngắn ngày lên tới một nghìn ha, nhiều xã nông dân thu nhập đạt từ 300 đến 350 triệu đồng/ha/năm. Ðồng chí Tịnh khẳng định, trong thời gian tới, Hải Dương tiếp tục ưu tiên phát triển giống lúa ngắn ngày, nhất là giống cực ngắn ngày nhằm bảo đảm an ninh lương thực, tăng thu nhập cho người dân.
Trao đổi ý kiến về việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để phát triển giống lúa cực ngắn ngày, Trưởng ban Khoa học và Hợp tác quốc tế (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) Nguyễn Văn Viết băn khoăn: Hiện nay, trên địa bàn các tỉnh khu vực phía bắc, diện tích lúa được gieo trồng chủ yếu bằng hai giống Khang Dân và Q5. Sở dĩ hai giống này chiếm tỷ trọng lớn như vậy vì tính thích ứng rộng, năng suất ổn định. Tuy nhiên, Khang Dân và Q5 cũng bộc lộ nhiều nhược điểm như: Chất lượng gạo kém, hàm lượng amyloza cao, thường xuyên nhiễm đạo ôn và rầy nâu nặng; thời gian sinh trưởng dài cho nên không thể đáp ứng cơ cấu 3-4 vụ/năm một cách bền vững.
Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Giống lúa thuần (Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm), Chủ nhiệm đề tài khoa học cấp nhà nước "Chọn tạo giống lúa cực ngắn ngày cho các tỉnh khu vực phía bắc" Hà Văn Nhân chia sẻ: P6đb được chọn theo phương pháp phả hệ từ giống P6, được xử lý đột biến Co 60. Qua thí nghiệm, khảo nghiệm tại một số tỉnh như: Hải Dương, Thái Bình, Vĩnh Phúc, Nghệ An, Hà Tĩnh và Thanh Hóa..., chúng tôi nhận thấy đặc điểm nổi bật của giống P6đb là gạo ngon, thời gian sinh trưởng vụ mùa từ 75 đến 85 ngày (ngắn hơn Khang Dân 18 và Q5 khoảng 20 ngày). Không những thế, dòng P6đb còn chống chịu khá với bệnh bạc lá, nhiễm nhẹ đạo ôn và đặc biệt không bị khô vằn. Bên cạnh đó, P6đb còn có khả năng chống đổ, chịu rét và chịu nóng rất tốt. Khi trỗ vào vụ hè thu ở miền bắc (khoảng từ ngày 20 đến ngày 25-7), nhiệt độ thường trong khoảng từ 35 đến 37oC nhưng tỷ lệ hạt lép rất thấp, từ 8 đến 12%, trong khi giống đối chứng hạt lép từ 15 đến 25%... Thống kê cho thấy, nếu năm 2010, diện tích P6đb ở các địa phương là 400 ha thì đến nay diện tích tăng lên 6.500 ha. Sau tám năm nghiên cứu, chọn tạo, giống P6đb chính thức được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận giống quốc gia; năng suất bình quân đạt 50 đến 55 tạ/ha, có nơi làm tốt đạt 62 tạ/ha. Thuật ngữ giống lúa cực ngắn ngày mới có khi giống lúa P6đb ra đời.
Chủ nhiệm đề tài giống lúa P6đb nhận định, P6đb là giống lúa cực ngắn ngày được triển khai trên diện rộng đầu tiên ở các tỉnh khu vực phía bắc. Giống cực ngắn ngày khác với giống ngắn ngày là thời gian sinh trưởng dưới 90 ngày. Trong thời gian tới diện tích giống lúa cực ngắn ngày tiếp tục được mở rộng và phát triển bền vững để đáp ứng nhu cầu cây vụ đông ở các tỉnh đồng bằng sông Hồng, chạy lũ tại các tỉnh Bắc Trung Bộ...
Trưởng ban Khoa học và Hợp tác quốc tế (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) Nguyễn Văn Viết:
"Trong định hướng nghiên cứu và phát triển lúa gạo ở Việt Nam hiện nay cũng như thời gian tới, chúng ta cần tập trung vào 10 vấn đề, trong đó đặc biệt chú trọng, ưu tiên phát triển giống lúa ngắn ngày và cực ngắn ngày để tăng vụ, né tránh thiên tai... Giống lúa cực ngắn ngày P6đb ra đời và trồng nhiều ở khu vực phía bắc là minh chứng cho sự phát triển về khoa học và công nghệ trong nông nghiệp. Tuy nhiên, để giống lúa cực ngắn ngày phát triển bền vững, "sẵn sàng ứng phó với khí hậu", tăng vụ... rất cần sự vào cuộc của các nhà khoa học, cũng như các địa phương".

QUÝ TÙNG - QUỐC VINH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét