27 thg 7, 2011

Làng TNXP Quỳnh Lưu (kỳ 1): Đói nghèo vẫn bao phủ

Chỉ cách tỉnh lộ 1A khoảng 40 km về phía tây, nhưng các hộ Đội viên của Tổng đội TNXP Quỳnh Lưu (xã Tân Thắng, Quỳnh Lưu - Nghệ An) vẫn đang từng ngày sống trong cảnh không điện, không trường học và đường sá đi lại cực kỳ khó khăn. Họ đã nhiều lần kiến nghị UBND tỉnh đầu tư cơ sở hạ tầng, nhưng đến nay đã 10 năm mà "văn minh" vẫn chưa về tới bản.
Ông Nguyễn An Hùng: Không có trường học, nhà trẻ nhiều trẻ em ở xã Tân Thắng phải chịu thiệt thòi
Khi kế hoạch bị vỡ
Từ một chính sách giãn dân cho các xã nghèo ít đất đai của huyện Quỳnh Lưu, năm 1999, Tổng đội thanh niên xung phong huyện đã vạch ra một phương án đưa một số người dân không có việc làm, có nguyện vọng đi đến xã Tân Thắng xa xôi của huyện để khai hoang lập nghiệp (vùng kinh tế mới). Trước khi đi, Tổng đội huyện Quỳnh Lưu đã hứa với các đội viên là cùng nhau tạo nên một miền đất "hứa", nhưng đến nay đời sống, kinh tế của các đội viên không những xuống dốc thảm hại mà có nhiều đội viên đang ở trong tình trạng "về cũng dở, ở chẳng xong".
Theo lời kể của các đội viên, cách đây 5 năm toàn bộ diện tích đất ở đây đã được khai hoang và phủ lên một màu xanh của dứa. Đi đâu cũng thấy dứa, không nhiều cỏ dại, không có đất trống như hiện nay.
Suốt dọc chiều dài hơn 10km của con đường về các đội sản xuất, diện tích khai hoang lên tới 480 ha um tùm cây dại. Đi đến đâu chúng tôi cũng thắc mắc tại sao người dân lại để cỏ dại mọc nhiều thế! Những vườn ngô, vườn dứa rộng bạt ngàn các đội viên cũng không buồn chăm sóc. Bởi theo họ, có làm cỏ và đợi đến ngày thu hoạch cũng không biết bán cho ai.
Anh Lê Mạnh Trung, đội 9 tâm sự: "Tôi trồng 1ha dứa, đầu tư 15 triệu tiền giống, 15 triệu tiền phân, chưa tính công thuê. Khi bán không lời được lấy một đồng". Hiện tôi phải trồng thêm mía, hương bài...
Sau khi đi tham quan đời sống và phương thức canh tác của các đội viên, chúng tôi đến Tổng đội thanh niên xung phong tìm hiểu thì được biết toàn bộ số diện tích đất trước đây mà thanh niên xung phong lên làm đều nằm trong dự án trồng dứa bán cho nhà máy sản xuất hoa quả huyện Quỳnh Châu. Nhưng từ cuối năm 2007 nhà máy đã ngừng không mua dứa của các đội viên và các đội viên cũng không bán cho nhà máy vì nhiều người đến nay vẫn chưa thu hồi lại được vốn.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn An Hùng - Phó tổng đội trưởng - Tổng đội thanh niên xung phong giải thích: "Trước kia có dự án hợp đồng mua dứa của các đội viên, nhưng nhà máy Quỳnh Châu làm ăn không hiệu quả, bị phá sản nên không mua dứa của. Sau đó khi thấy dứa của các đội viên để chín thối chúng tôi tìm tư thương tiêu thụ sản phẩm giúp, diện tích dứa ở 9 đội hiện cũng không còn nhiều. Đến thời điểm này chúng tôi đồng ý cho các đội viên tự quyết định các cây trồng, vật nuôi để phát triển kinh tế".
Vấn đề đường sá, điện lưới, trường, trạm ở đây hiện vẫn là bài toán khó cho các lãnh đạo. Ông Hùng, cho biết đã nhiều lần lập sơ đồ thiết kế dự án đường, trường, trạm gửi lên tỉnh nhưng vẫn chưa được nhất trí. Gần đây nhất phía Tổng đội đã có một bản thiết kế làm đoạn đường dài 15km trình lên UBND tỉnh, đã được đồng ý nhưng lại chưa có vốn.

Con cái phải xa bố mẹ
Đó là tình cảnh chung mà nhiều hộ gia đình đi làm khu kinh tế ở đây phải cam chịu. Đa phần những đứa trẻ được sinh ra ở khu kinh tế mới này phải theo bố mẹ lên nương. Đến tuổi đi học lớp 1 sẽ được bố mẹ gửi về quê học bởi ở đây không có trường học, không có trạm y tế, đường sá xa xôi, người lớn đi lại còn khó khăn nói gì đến trẻ nhỏ. Qua tìm hiểu thấy, tổng số trẻ em ở 9 đội sản xuất có 229 cháu thì đến nay những cháu đến tuổi đi học đều được bố mẹ gửi về quê nội, ngoại. Nhiều đội viên tâm sự, nếu họ không gửi con về quê học thì tương lai con em họ một chữ bẻ đôi không biết.
Nhà anh Chu Anh Dương có 2 con đều gửi về cho ông bà nội theo học ở (Quỳnh Ngọc - Quỳnh Lưu). Anh Dương bảo, nếu để chúng ở đây thì tội quá, mà xa chúng vợ chồng tôi rất nhớ và không yên tâm. Cùng hoàn cảnh của anh Dương, chị Lê Thị Huế trước ở (Quỳnh Kim, Quỳnh Lưu) cùng chồng lên đội 9 làm từ năm 2004, có 3 con thì đã gửi đứa lớn về nhà bà ngoại ăn học được 2 năm. Điều chị băn khoăn và lo lắng lúc này là còn hai đứa nhỏ 1 tuổi và 4 tuổi không biết sau này nhờ ai chăm sóc để chúng có thể đến trường. Hai vợ chồng chị lên đây lập nghiệp, nhưng từ khi kinh tế gia đình đi xuống, chồng chị đã lên Lai Châu kiếm sống với mong muốn có thể giảm bớt gánh nặng cho vợ và có chút tiền cho con ăn học. Chị Huế chỉ ra sân nói: "Nếu như ở dưới xuôi thì hai đứa kia đã được đi nhà trẻ học, có bạn có bè. Do phải sống biệt lập nên chúng ít nói, chúng tôi thương mà không làm gì được. Hàng ngày mình tôi phải đảm đương 4ha đất, hai đứa con phải ở nhà chơi với nhau". Trong khi chúng tôi nói chuyện, ngoài sân hai đứa nhỏ bốc sắn và chuối xanh ăn ngon lành. Trời lạnh giá mà chúng vẫn phong phanh áo mỏng với chân trần.
Điệp khúc bán đất
Nếu ai đã từng đặt chân đến mảnh đất này sống cùng các đội viên, sẽ cảm nhận được tận cùng cái cơ cực về vật chất lẫn linh thần mà họ đang phải chịu đựng. Nhiều người bộc bạch, ở đây có tiền cũng chẳng biết làm gì, mua gì, sắm gì.
Anh Chu Anh Dương cho biết: "Địa hình ở đây nhiều đồi dốc nên chỉ sau một trận mưa (khoảng một tiếng) là ngập khe (ngập suối). Nếu mưa 3-4 ngày thì phải mất 7-8 ngày nước rút chúng tôi mới đi về xuôi đong gạo, mua cái thắp sáng, mua thức ăn để tiếp tục cuộc sống. Đợt mưa lớn tháng 10 vừa rồi mực nước ở các khe lên tới 5m, các tuyến đường đi bị chia cắt hoàn toàn, bùn ngập qua đầu gối. Gia đình tôi đang trồng xen cây bạch đàn để vài năm nữa sẽ tìm khách bán về xuôi. Từ ngày tôi vào đây lập nghiệp, Tổng đội huyện hứa làm đường đã đo đi đo lại nhiều lần mà đến nay chưa thấy động tĩnh gì".
Ngay tại vườn nhà anh Dương, có hai đội viên mới bán đất là Nguyễn An Lộc, Trần Hữu Hiệp. Chị Đậu Thị Hiền cũng đang ráo riết tìm khách để bán. Trung bình 2ha đất người dân có thể chuyển nhượng khoảng 60 - 80 triệu đồng.
Hiện nhiều người không thể chịu được cảnh khó khăn, nên đã nghĩ tới phương án bán đất. Theo ông Hùng, đến thời điểm này đã có 7 đội viên bán đất, trong đó đội sản xuất 8 bán và chuyển nhượng nhiều nhất. Những đội viên bán đất bắt đầu từ đầu năm 2008. Về phía Tổng đội chúng tôi vẫn nói đây đang là giai đoạn cực kỳ khó khăn, đang kêu gọi tỉnh và Nhà nước giúp đỡ các đội viên để họ có cuộc sống ổn định hơn.
Trước khi chia tay với mảnh đất đầy khó khăn này, chúng tôi lo không biết những đội viên bán đất xong sẽ làm gì và những đội viên ở lại sẽ làm thế nào để bám trụ được với mảnh đất khắc nghiệt này.

Mai Quý Tùng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét