19/05/2011- nhandan.com.vn
Cán bộ Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng tham quan mô hình sản xuất nông nghiệp ở huyện Đức Trọng. |
Nhờ ứng dụng hiệu quả các tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới vào sản xuất, những năm gần đây khu vực Tây Nguyên xuất hiện nhiều tỷ phú là nông dân thông qua các đề tài, dự án khoa học và công nghệ. Tuy nhiên, số đề tài, dự án khoa học được triển khai vẫn còn thiếu và chưa đủ khả năng áp dụng ra phạm vi lớn.
Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Ðác Nông Phạm Ngọc Danh cho biết: Việc triển khai, áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp gặp phải không ít khó khăn. Mỗi năm sở có một số đề tài, dự án khoa học được triển khai, tuy nhiên số lượng thành công quá ít. Nguyên nhân chính là do Ðác Nông nhiều đồi dốc, trình độ dân trí thấp, kinh phí dành cho hoạt động khoa học và công nghệ không nhiều... Trong các đề tài, dự án khoa học, nổi bật phải kể đến đề tài: 'Xây dựng vườn nhân giống cây ăn quả và mô hình sử dụng chất hữu cơ giữ ẩm cho cây trồng trên đất dốc tại xã Ðăk Nia (thị xã Gia Nghĩa)'. Ðơn vị chuyển giao khoa học và công nghệ là Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp duyên hải Nam Trung Bộ. Thời gian thực hiện đề tài này từ tháng 8-2005 đến tháng 8-2008. Mục tiêu của đề tài nhằm xây dựng vườn nhân giống cấp tỉnh đối với các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao và phù hợp điều kiện sinh thái Ðác Nông; bảo đảm cung cấp đủ cây giống chất lượng để phục vụ chương trình phát triển năm nghìn ha cây ăn quả ở địa phương đến năm 2010 và lâu dài ở vùng lân cận.
Chúng tôi tìm về xã Ðăk Nia nơi có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống thuộc thị xã Gia Nghĩa. Những năm qua xã này xuất hiện một số tỷ phú chân đất, điển hình là tỷ phú Nguyễn Văn Chu ở Bon Srếu. Tại vườn cam, quýt bạt ngàn trĩu quả, ông Nguyễn Văn Chu cho biết về quá trình lập nghiệp ở Ðác Nông. Ông nói, cái tên tỷ phú chân đất mà người ta gọi mới xuất hiện cách đây vài năm. Ban đầu trồng cà-phê nhưng không có lãi. Rồi cán bộ Sở Khoa học và Công nghệ Ðác Nông đến tư vấn và lựa chọn mảnh đất nhà mình để làm mô hình trồng cam, quýt trình diễn có sử dụng chất hữu cơ giữ ẩm. Sau những khóa tập huấn kỹ thuật do sở tổ chức và bản thân tự đi tham quan các mô hình hiệu quả nơi khác, cuối cùng cây cam, quýt đã không phụ công mình và trở thành cây làm giàu số một. Nhận thấy điều kiện đất ở đây phù hợp với cây ăn quả, năm 2007 mình trồng một ha cam, quýt. Ðồng Nai, Tiền Giang là nơi mình thường xuyên lui tới để học tập kinh nghiệm. Năm 2009 mình thu hoạch được 15 tấn cam đầu tiên. Ðến năm 2010 thu được 60 tấn. Dự kiến, năm nay sản lượng ít nhất cũng phải thu được khoảng 100 tấn cam.
Khi chúng tôi đến nhà, ông Chu đang bứt bỏ khoảng 60% số quả trên cây vì quá sai. Cây nào cây nấy quả trĩu cành từ ngọn cho đến sát đất, phải dùng cây chống lên. Hiện nay, với giá cam 22 nghìn đồng/kg, ông nhẩm tính, riêng một ha cam, quýt đang cho thu hoạch, trừ chi phí thu hơn một tỷ đồng. Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Phạm Ngọc Danh cho biết thêm, không phải người dân nào cũng làm được mô hình như thế này. Ðể trồng được một ha cam như nhà ông Chu hiện nay, chi phí đầu tư từ khi trồng đến khi thu hoạch khoảng 300 triệu đồng. Từ mô hình này có nhiều người đến học hỏi kinh nghiệm nhưng họ làm không hiệu quả. Hiện nay gia đình ông Chu có ba ha cam, quýt, trong đó một ha đang cho thu hoạch, một ha chuẩn bị cho thu và một ha mới trồng. Ngoài cây cam gia đình ông còn trồng sắn, cà-phê... Theo ông Chu, dù là cam hay cà-phê, việc thực hiện đúng các quy trình kỹ thuật sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao. Cây cam ra quả quanh năm, nhiều nhất là tháng 10 và 11. Nếu chăm sóc ở chế độ cao, sử dụng chất hữu cơ giữ ẩm tôi có thể điều chỉnh được thời vụ ra quả.
Ðến Lâm Ðồng chúng tôi được biết, đây là tỉnh có diện tích, năng suất và sản lượng cà chua lớn nhất nước, khoảng 4.000 - 4.500 ha. Theo số liệu Phòng Nông nghiệp huyện Ðơn Dương, mỗi năm huyện này gieo trồng được từ 3.000 đến 3.500 ha cà chua các loại, năng suất bình quân đạt từ 40 - 50 tấn/ha, cá biệt 80 - 90 tấn/ha. Ðặc biệt từ khi ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật ghép cà chua của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Miền Nam, năng suất bình quân tăng lên từ 60 - 70 tấn/ha. Sở dĩ Lâm Ðồng có diện tích và năng suất như vậy là nhờ có lợi thế về nền nhiệt độ thấp, khai thác được tiềm năng năng suất của các giống ưa mát. Từ nhu cầu thực tế, từ tháng 6-2005 đến tháng 4-2008 nhóm tác giả ở Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Miền Nam đã nghiên cứu và xây dựng thành công mô hình trồng cà chua theo hướng nông nghiệp công nghệ cao tại Lâm Ðồng. Ðặc điểm nổi trội của mô hình so với sản xuất thực tế hiện nay như sau: cà chua được trồng trong nhà màng bằng ni-lông để tránh ảnh hưởng mưa, gió và sâu hại tấn công; trồng trong nhà màng cây giống có khả năng cho năng suất cao và kéo dài thời gian thu hoạch.
Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Ðồng Phạm S cho biết: Những năm gần đây sở triển khai được nhiều đề tài, dự án khoa học, điển hình là dự án 'Sản xuất thử nghiệm cà chua công nghệ cao tại Lâm Ðồng'. Cơ quan chủ trì thực hiện dự án là Phòng nghiên cứu kỹ thuật canh tác, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Miền Nam. Từ năm 2003 đến nay, viện này đã chuyển giao đến người dân ở Lâm Ðồng từ 20 đến 22 nghìn ha cà chua trồng bằng cây ghép. Ngoài ra, chủ nhiệm dự án cũng là tác giả của ba giống cà chua ghép hiện nay đang được ứng dụng rộng rãi tại Lâm Ðồng khoảng 25 nghìn ha. Thông qua dự án, đến nay ở Lâm Ðồng xuất hiện một số tỷ phú là nông dân '100%' ở các trang trại, hợp tác xã như: Trang trại Nguyễn Hồng Phong (Ðức Trọng), Hợp tác xã Nông nghiệp Thạnh Mỹ (Ðơn Dương)...
Từ thành phố Ðà Lạt (Lâm Ðồng) chúng tôi tìm về trang trại Nguyễn Hồng Phong (Ðức Trọng) không quá khó. Trang trại Nguyễn Hồng Phong được biết đến là đơn vị sản xuất nông nghiệp công nghệ cao hiệu quả. Anh Nguyễn Hồng Phong là chủ trang trại dẫn chúng tôi đi tham quan một số mô hình rau. Anh chia sẻ: 'Sống trong gia đình làm nông nghiệp từ nhỏ, tôi rất hiểu những khó khăn mà người dân phải gánh chịu. Làm nông được mùa thì mất giá, có giá thì mất mùa... Không những thế, khi sản phẩm làm ra thường bị tư thương ép giá, cho nên cảnh bán non, mua già khi giáp hạt diễn ra thường xuyên. Chính vì vậy tôi luôn tìm cho mình một hướng đi mới để thoát nghèo. Trải qua bao thăng trầm cuộc sống, hiện nay tôi có 30 ha đất chuyên sản xuất giống, các loại rau công nghệ cao. Năm 2007, nhờ Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Miền Nam giới thiệu, tôi được tham gia vào khóa đào tạo về thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) tại Ô-trây-li-a bằng kinh phí tự túc. Ðến Ô-xtrây-li-a, ngoài việc tham quan, học hỏi kỹ thuật canh tác tiên tiến, tôi đã nhận ra rằng, Việt Nam không phải là nước nghèo do thiếu sản phẩm mà nguyên nhân là do chất lượng sản phẩm chưa cao, dẫn tới giá trị sản xuất thấp, và khó xuất khẩu sang các thị trường 'khó tính'. Vì vậy, tôi chọn việc sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, thực hiện quy trình khép kín từ khâu ươm cây giống đến sản xuất trên đồng ruộng, sơ chế, vận chuyển bằng xe chuyên dùng để đưa sản phẩm của mình đến các hệ thống siêu thị, chợ đầu mối ở Lâm Ðồng và thành phố Hồ Chí Minh.
Theo anh Phong, lợi ích lớn nhất từ việc sản xuất nông nghiệp công nghệ cao không chỉ tăng thu nhập mà chất lượng hàng hóa được bảo đảm, đáp ứng nhu cầu đối với người tiêu dùng. Nhờ đó người tiêu dùng được sử dụng sản phẩm rẻ và an toàn hơn so với bên ngoài vì không qua các khâu trung gian. Anh Phong nhẩm tính, một ha cà chua từ 60 đến hơn 100 tấn/ha với giá khoảng năm nghìn đồng/kg như hiện nay, việc trồng cà chua đã đem lại lợi nhuận không nhỏ, gấp đôi thu nhập so với các hộ dân không áp dụng công nghệ này. Không những thế, trang trại còn giải quyết được việc làm cho hàng trăm lao động địa phương. Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Ðồng Phạm S cho biết thêm: Nhìn chung những đề tài, dự án khoa học ở đây khi triển khai thành công phần lớn thuộc về những trang trại, doanh nghiệp có nguồn vốn lớn. Còn những đề tài, dự án này khi triển khai ra phạm vi rộng do thiếu kinh phí để đầu tư các trang thiết bị, nhân công... cho nên năng suất, chất lượng luôn ở mức khiêm tốn.
(*) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 18-5-2011.
Với phương châm lấy hiệu quả làm tiêu chí, lấy năng lực cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa và chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế làm mục tiêu, Bộ Khoa học và Công nghệ đã hướng dẫn và yêu cầu các địa phương phải bảo đảm khoảng 70% nhiệm vụ có kết quả được đưa vào ứng dụng ở các mức độ khác nhau. Riêng đối với các chương trình trọng điểm cấp nhà nước về công nghệ phải bảo đảm có ít nhất 30% nhiệm vụ được hoàn thiện công nghệ, 20% nhiệm vụ có sản phẩm được thương mại hóa.
(Bộ Khoa học và Công nghệ)
Bài và ảnh: Mai Quý Tùng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét