25/05/2011
Cán bộ Sở Khoa học và Công nghệ hướng dẫn đồng bào dân tộc M'nông chăm sóc cây cà-phê.
|
Bài 1: Kinh nghiệm từ thực tiễn sản xuất cà-phê
Cà-phê là một trong những cây trồng chủ lực của Việt Nam. Việc phát triển cây cà-phê hiện nay không chỉ giải quyết được việc làm, mang lại thu nhập cao đối với người dân ở khu vực Tây Nguyên, mà còn góp phần vào sự nghiệp chung phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Cà-phê là một trong những cây trồng chủ lực của Việt Nam. Việc phát triển cây cà-phê hiện nay không chỉ giải quyết được việc làm, mang lại thu nhập cao đối với người dân ở khu vực Tây Nguyên, mà còn góp phần vào sự nghiệp chung phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Nhờ đó, Việt Nam đã trở thành quốc gia có sản lượng cà-phê xuất khẩu đứng thứ hai trên thế giới. Tuy nhiên, việc phát triển cây cà-phê hiện nay đang phải đối mặt với nhiều thách thức, nhất là việc nâng cao năng suất, chất lượng để phát triển bền vững.
Nguy cơ vườn cà-phê già cỗi
Ðác Lắc được coi là thủ phủ cà-phê của Tây Nguyên. Theo TS Lê Ngọc Báu, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật Nông - Lâm nghiệp Tây Nguyên, Ðác Lắc có diện tích cà-phê lớn nhất nước, khoảng 181 nghìn ha, sản lượng trung bình 400 nghìn tấn/năm, giá trị xuất khẩu chiếm gần 90% kim ngạch xuất khẩu và đóng góp trên 40% GDP của tỉnh. Tuy nhiên, việc áp dụng khoa học - kỹ thuật để phát triển bền vững cây cà-phê như thế nào cho năng suất, chất lượng đang là vấn đề bức xúc mà các nhà quản lý, nhà khoa học đang tìm cách khắc phục.
Trong những năm qua, ngành cà-phê Việt Nam có bước phát triển vượt bậc cả về diện tích và sản lượng. Nếu năm 1980 cả nước có 22,5 nghìn ha cà-phê với sản lượng 8,4 nghìn tấn, đến nay, diện tích đó tăng lên hàng trăm lần (khoảng 540 nghìn ha), sản lượng hơn một triệu tấn/năm; năng suất bình quân đạt từ 1,8 đến 2,0 tấn/ha. Tuy nhiên, điều đáng nói hiện nay là tỷ lệ diện tích cà-phê già cỗi, sâu bệnh đang ở mức báo động, năng suất có xu hướng giảm mạnh, khoảng 100 nghìn ha. Bên cạnh đó, kỹ thuật thâm canh, chăm sóc vườn cây chưa được người dân quan tâm đúng cách như: tình trạng bón phân rởm, tưới nước quá mức, không trồng cây che bóng, hái tuốt cành vẫn diễn ra phổ biến. Tỷ lệ cà-phê có chứng chỉ sản xuất bền vững như UTZ Certified, 4C chỉ chiếm khoảng 10%. Mặc dù thực tế phát triển cây cà-phê trong thời gian qua đặt ra nhiều vấn đề cần phải tiếp tục giải quyết nhằm bảo đảm phát triển bền vững ngành cà-phê nhưng không thể phủ nhận vai trò to lớn của khoa học và công nghệ trong việc nâng cao năng suất, chất lượng. Nhiều tiến bộ kỹ thuật đã được phát huy hiệu quả trong sản xuất, góp phần quan trọng trong những thành tựu của ngành cà-phê Việt Nam.
Kết quả điều tra của Viện Khoa học kỹ thuật Nông - Lâm nghiệp Tây Nguyên cho thấy, khoảng 50% số hộ bón NPK phù hợp với quy trình, số hộ còn lại bón cao hơn so với quy trình khuyến cáo từ 10 đến 23% cho nên rất lãng phí. Lượng nước tưới sử dụng cũng cao hơn mức khuyến cáo từ 600 đến 700 m3/ha/năm. Hậu quả của tình trạng thâm canh quá mức đó đã làm cho vườn cà-phê Tây Nguyên xuống cấp nghiêm trọng. Nhiều nghiên cứu khoa học cho rằng, nếu người trồng cà-phê tiếp tục thâm canh tăng năng suất, bất chấp sự suy thoái của đất đai, khoảng mười năm nữa năng suất, chất lượng cà-phê sẽ giảm và khả năng khôi phục khó khăn. Trước thực trạng này, việc tái canh cà-phê được coi là giải pháp mang tính cấp bách và lâu dài. Thực tế, thời gian qua, khu vực Tây Nguyên đã có một số mô hình tái canh thành công như Công ty Eapok (Ðác Lắc) trồng tái canh 100 ha cà-phê, thực hiện thu gom rễ cùng biện pháp luân canh ba năm đạt hiệu quả. Hiện, ở mô hình đó cà-phê sinh trưởng, phát triển tốt, năng suất đạt từ 2,5 đến 3 tấn/ha. Còn ở Ðác Nông, Nông trường cà-phê Thuận An cũng đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp kỹ thuật, tái canh được hơn 30 ha, thời gian luân canh với ngô, đậu là bốn năm. Hiện, vườn cà-phê sau tái canh đạt năng suất hơn hai tấn/ha... Tuy nhiên, hiện nay những mô hình cà-phê trồng tái canh thành công như thế này còn ít và chưa được nhân rộng. Nhiều công ty, hộ gia đình thực hiện tái canh chưa đúng quy trình kỹ thuật cho nên năng suất nhiều hộ chỉ đạt được gần một tấn/ha.
Nơi năm tạ, nơi năm tấn/ha
Từ Ðác Lắc, vượt quãng đường gần 100 km, chúng tôi tìm về xã Ðác Lao, huyện Ðác Mil (Ðác Nông) để tìm hiểu thực hư về câu chuyện 'ha năm tạ, ha năm tấn'. Ông Nguyễn Bá Lộc là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi của tỉnh, được nhận bằng khen tại Ðại hội Thi đua yêu nước ngành nông nghiệp tổ chức tại Hà Nội cuối năm 2010, dẫn chúng tôi đi tham quan mô hình trồng cà-phê áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới đạt năng suất hơn năm tấn/ha của gia đình. Băng qua những vườn cà-phê già cỗi đậu ít quả ở xã Ðác Lao khoảng 5km, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi thấy vườn cà-phê xanh mướt, trĩu quả nhà ông Lộc. Mảnh đất đỏ ba-dan nắng nóng, khắc nghiệt là thế, nhưng nhờ sự cần cù, ham học hỏi, ông đã làm được những việc mà nhiều người nghĩ là không thể. Trong bảy ha đất sản xuất, cây cà-phê được ông quan tâm nhiều hơn và coi đó là cây chủ lực. Tận dụng những phế thải trong sản xuất nông nghiệp, cách đây mười năm, ông đã tự tìm hiểu thông tin qua sách báo và in-tơ-nét... sản xuất thành công phân hữu cơ từ vỏ cà-phê, sau đó Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tìm hiểu triển khai mô hình này. Nhờ thế mà năng suất cà-phê hằng năm của gia đình ông luôn đứng đầu trong tỉnh và khu vực, bình quân đạt từ 5 đến 7 tấn nhân/ha. Việc sản xuất phân hữu cơ từ vỏ cà-phê được ông thực hiện ngay tại vườn trồng. Sau ba tháng xử lý, đống vỏ cà-phê vứt bỏ ngày nào được ông 'phù phép', trộn đều với một số chế phẩm như men vi sinh, vôi... đã trở thành phân hữu cơ rất tốt. Ông tâm sự: 'Giá mua một tấn phân hữu cơ làm từ vỏ cà-phê như hiện nay hơn hai triệu đồng, nhưng nếu mình tự làm được mỗi tấn phân khi bón cho cà-phê tiết kiệm được một triệu đồng. Với những kết quả đã đạt được, tôi đã tận tình hướng dẫn cho người dân cùng áp dụng'. Ðến nay, ông giúp người dân sản xuất được hơn một nghìn tấn phân bón hữu cơ sinh học, làm lợi cho nông dân hơn một tỷ đồng. Trước những thành tích về sản xuất, kinh doanh giỏi, ông được nhân dân bầu làm Chủ tịch Hội Nông dân xã. Thời điểm này, vợ chồng ông đang tích cực ghép nốt số diện tích cà-phê già cỗi còn lại. Ông bảo, cà-phê già năng suất thấp lắm. Ông nói cũng có lý, bởi đi một số tỉnh khu vực Tây Nguyên tham quan, không đâu tôi thấy cà-phê sai quả và đẹp như nhà ông.
Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Ðác Nông Phạm Ngọc Danh cho chúng tôi biết: Tây Nguyên là vùng có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống. Do chưa nhận thấy hết được tầm quan trọng của việc áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới vào sản xuất, cho nên phần lớn đồng bào dân tộc, trong đó có dân tộc M'nông ở xã Ðác R'moan (thị xã Gia Nghĩa) khi trồng cà-phê năng suất cao nhất đạt khoảng năm tạ nhân/ha. Ông Ðiểu Nhan, dân tộc M'nông, được đồng bào ở đây khen ngợi vì sản xuất giỏi nhất. Tiếng là giỏi nhất so với đồng bào M'nông, nhưng các nhà khoa học, nhà quản lý ở Ðác Nông nhẩm tính, với năm tạ nhân/ha theo giá thị trường như hiện nay thì người trồng cà-phê không bao giờ có lãi. Ông Ðiểu Nhan cho biết, từ năm 1997, khi thấy đồng bào Kinh trồng cà-phê có lãi, tôi và đồng bào cũng trồng. Về vấn đề này, ông Phạm Ngọc Danh cho biết thêm, đất ở đây rất tốt, thích hợp với cây cà-phê và một số cây công nghiệp, nhưng do họ làm không đúng quy trình kỹ thuật cho nên năng suất luôn đạt ở mức độ trung bình hoặc rất thấp. Có thể lý giải được điều này vì tập quán và trình độ canh tác của đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên còn thấp, cho nên việc thay đổi cách thức canh tác để áp dụng hiệu quả các tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới vào sản xuất là điều mà các nhà quản lý, nhà khoa học cần nghiên cứu tìm giải pháp tháo gỡ. Do đó, việc tái tạo vườn cà-phê già cỗi ở Ðác Nông nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung muốn triển khai đạt hiệu quả trước hết cần thay đổi nhận thức 'tiếc rẻ' của người dân. Bởi, theo họ, cà-phê còn sống nghĩa là còn cho thu hoạch. Ðể tái canh cây cà-phê hiệu quả, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên Lê Ngọc Báu cho rằng, ngay từ bây giờ các địa phương cần rà soát, phân loại, xác định diện tích cà-phê hiện có để có giải pháp cụ thể. Ðồng thời, tổng kết kinh nghiệm các mô hình đã thành công, có cơ chế chính sách hỗ trợ trồng tái canh hoặc chuyển đổi cà-phê của địa phương... Về phía Viện Khoa học kỹ thuật Nông - Lâm nghiệp Tây Nguyên đang tích cực hoàn thành những quy trình kỹ thuật trồng tái canh cà-phê để hướng dẫn các địa phương thực hiện trong thời gian tới.
(còn nữa)
Mai Quý Tùng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét