14 thg 10, 2018

Thực trạng và giải pháp giáo dục kỹ năng sống trong trường học

Thứ Sáu, 12/10/2018, 11:19:48
 Font Size:     |        Print
 

Quang cảnh hội thảo.
NDĐT - Ngày 12-10, tại Nghệ An, Bộ GD-ĐT tổ chức hội thảo “Thực trạng và giải pháp giáo dục kỹ năng sống trong trường học”. Tại hội thảo, hơn 100 nhà khoa học, chuyên gia, các nhà quản lý giáo dục, các thầy, cô giáo tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến và đề xuất những giải pháp cụ thể, thiết thực để giáo dục kỹ năng sống trong trường học được toàn diện, đầy đủ và hiệu quả.
Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, đến thời điểm này, 100% các Sở GD-ĐT đã xây dựng kế hoạch, chương trình triển khai công tác giáo dục đạo đức, lối sống và kỹ năng sống (KNS) trong các nhà trường. Giáo dục KNS còn là một nội dung quan trọng trong đổi mới giáo dục phổ thông và là một trong các giải pháp nhằm xây dựng và hoàn thiện dần nhân cách cho học sinh, sinh viên (HS, SV).
Thông qua giáo dục KNS, một số kỹ năng đã triển khai hiệu quả, như: rèn luyện kỹ năng ứng xử hợp lý với các tình huống trong cuộc sống, kỹ năng làm việc sinh hoạt theo nhóm; rèn luyện sức khỏe và ý thức bảo vệ sức khỏe, kỹ năng phòng chống tai nạn giao thông, đuối nước và các tai nạn thương tích; rèn luyện kỹ năng ứng xử văn hóa, chung sống hòa bình, phòng ngừa bạo lực và các tai nạn xã hội...
Tuy nhiên, việc giáo dục KNS trong các nhà trường còn một số hạn chế, như: đa phần là lồng ghép, tích hợp các môn học, chưa được xây dựng thành môn học riêng trong chương trình phổ thông nên việc thực hiện chưa thực sự mang lại hiệu quả.
Cơ sở vật chất, thiết bị trong trường học mới chỉ đáp ứng nhu cầu giảng dạy kiến thức cho học sinh, chưa đáp ứng được hoạt động giáo dục KNS. Công tác đào tạo, bồi dưỡng tập huấn cho đội ngũ cán bộ, giảng viên dạy KNS gặp khó khăn; hình thức tổ chức KNS chưa phong phú linh hoạt, phương pháp hạn chế, chưa triển khai đồng đều ở các trường học, cấp học, kinh phí hạn chế....
Từ thực tế này, tại hội thảo, đại diện các Sở GD-ĐT, các trường đại học đã có nhiều bài tham luận chia sẻ việc thực hiện, kinh nghiệm và những khó khăn bất cập trong quá trình thực hiện giáo dục KNS hiện nay. Hội thảo cũng đề xuất những giải pháp nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác giáo dục KNS, góp phần giáo dục toàn diện thế hệ trẻ trong các nhà trường, đáp ứng nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
Theo Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục chính trị và Công tác HS, SV (Bộ GD-ĐT) Bùi Văn Linh, nội dung giáo dục KNS được tích hợp trong các môn học chính khóa của chương trình phổ thông (môn Đạo đức, Giáo dục công dân, Ngữ văn, Sinh học, Địa lý...), thông qua các hoạt động ngoài giờ lên lớp, của Đoàn - Đội, sinh hoạt dưới cờ hằng tuần...
Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo thường xuyên và yêu cầu đổi mới nội dung, hình thức các hoạt động ngoại khóa, các cuộc thi về giáo dục KNS cho HS, SV một cách thiết thực, hiệu quả. Hiện nay, hầu hết HS, SV đã có nền tảng kiến thức rộng hơn, được trang bị và hiểu biết, thực hành tốt hơn các KNS thiết yếu trong học tập, cuộc sống, sự tự tin và khả năng hội nhập quốc tế tốt hơn nhiều... Năng lực, ý thức và kỹ năng mềm, KNS xã hội, kỹ năng nghề nghiệp, thực hành, khả năng vận dụng sáng tạo kiến thức được học vào giải quyết các bài toán thực tiễn cuộc sống của HS, SV được nâng cao rõ rệt...
QUÝ TÙNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét