Thứ Ba, 11/09/2018, 09:56:29
Những ngày này, chị Thu cùng nhiều phụ huynh ở tỉnh miền núi khó khăn như ngồi trên đống lửa vì nỗi lo tiền trường đầu năm học. Các con chị mới vào đầu năm học nhà trường yêu cầu nộp nhiều khoản với số tiền hơn 2,6 triệu đồng/học sinh. Năm nay, con lớn vào lớp 5, đứa nhỏ vào lớp 1, số tiền phải đóng ban đầu hơn năm triệu đồng.
- Mấy hôm rồi tôi chạy đôn đáo vay tiền nhưng không đủ, cho nên phải bán cả đàn gà, vịt mới được hơn bốn triệu đồng để đóng cho hai cháu - Chị Thu chia sẻ.
- Chắc các khoản thu theo quy định trường thu gộp thôi chị - tôi nói.
- Không chú ạ! Nhà trường thu gộp nhiều khoản, trong đó, khoản thu xã hội hóa, quỹ lớp, quỹ phụ huynh chưa có sự thống nhất của cha, mẹ học sinh, không mang tính chất tự nguyện, thu cào bằng chứ có phải các khoản theo quy định đâu - chị Thu trả lời.
Năm nào cũng vậy, cứ đến đầu năm học mới, cha mẹ học sinh đều có mối lo chung là vấn đề lạm thu. Tình trạng này không chỉ xảy ra ở khu vực thành thị mà cả khu vực nông thôn, miền núi khó khăn, gây bức xúc trong dư luận. Nguyên nhân chủ yếu là một số cơ sở giáo dục thực hiện sai quy định của Nhà nước, mượn danh nghĩa thu "tự nguyện". Vì vậy, Bộ Giáo dục và Ðào tạo cần sớm quy định về điều lệ ban đại diện cha, mẹ học sinh và xã hội hóa đầu tư cho giáo dục. Cần bảo đảm tuyệt đối không lợi dụng danh nghĩa xã hội hóa, ban đại diện cha, mẹ học sinh để thu các khoản đóng góp mang tính cào bằng, áp đặt... Ðối với các cơ quan quản lý giáo dục, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm người đứng đầu các cơ sở giáo dục vi phạm.
LONG THÀNH
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét