13 thg 5, 2018

188 thí sinh tranh tài Olympic Vật lý châu Á tại Hà Nội

Chủ Nhật, 06/05/2018, 13:44:34
 
NDĐT – Sáng 6-5, lễ khai mạc Olympic Vật lý châu Á lần thứ 19 (APhO 2018) đã diễn ra tại Trường đại học Bách khoa Hà Nội. APhO 2018 diễn ra từ ngày 6 đến 13-5 với sự tham dự của 188 thí sinh đến từ 25 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trường ĐH Bách khoa Hà Nội được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) giao nhiệm vụ chủ trì tổ chức kỳ thi này.
Kỳ thi dành cho học sinh THPT dưới 20 tuổi của tất cả các nước trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, được tổ chức thường niên từ năm 2000. Việt Nam chính thức tham dự APhO từ những năm đầu của cuộc thi và được đánh giá cao so với các quốc gia, cũng như vùng lãnh thổ tham dự.
Chia sẻ với các thí sinh tham dự kỳ thi, ông Leong Chuan Kwek – Chủ tịch APhO cho biết: “Mỗi người trong số các em đã được quốc gia mình lựa chọn và bồi dưỡng đặc biệt để tham dự kỳ thi này. Vì vậy, tôi xin chúc mừng tất cả các em. Hơn nữa, các em cũng chính là những đại sứ của quê hương mình. Trong những ngày sắp tới, khi tham gia kỳ thi, các em phải nhớ rằng, bên cạnh kỳ thi chính, các em cũng nên giao lưu và kết bạn với càng nhiều thí sinh càng tốt để học hỏi không chỉ về Vật lý, mà còn về văn hóa, ước mơ và nguyện vọng của bạn bè quốc tế”.
Phát biểu ý kiến tại buổi lễ khai mạc, Bộ trưởng GD – ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết: “Những năm gần đây, Việt Nam đã đăng cai và tổ chức thành công nhiều kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế như: Vật lý châu Á (năm 2004), Toán học quốc tế (năm 2007), Vật lý quốc tế (năm 2008), Hóa học quốc tế (năm 2014) và Sinh học quốc tế (năm 2016). Và năm nay, sau 14 năm, Việt Nam tiếp tục vinh dự trở thành nước chủ nhà của kỳ thi Olympic Vật lý châu Á lần thứ 19. Đây là minh chứng sinh động cho sự ghi nhận và tin tưởng của cộng đồng quốc tế đối với sự phát triển của giáo dục Việt Nam”.
APhO 2018 là sự kiện giáo dục nhằm khuyến khích và thúc đẩy học sinh THPT học hỏi và trau dồi kiến thức STEM (Khoa học - Công nghệ - Kỹ thuật và Toán) cũng như các chuyên ngành quan trọng cho sự phát triển của Cách mạng công nghiệp 4.0 ở châu Á nói chung và tại mỗi quốc gia nói riêng. Trong chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ được triển khai tại Việt Nam tới đây, phương pháp giáo dục STEM có vị trí quan trọng và đây là cơ hội tốt để tiếp tục phát triển việc giảng dạy, nghiên cứu Vật lý ngay từ bậc phổ thông.
Trước đó, tại kỳ thi APhO 2017, Việt Nam là một trong bảy quốc gia, vùng lãnh thổ đoạt Huy chương Vàng, trong đó có 7/8 giải thưởng (1 Huy chương Vàng, 3 Huy chương Bạc và 3 Bằng khen (giải Khuyến Khích).
QUÝ TÙNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét