8 thg 4, 2018

Nhân rộng thư viện thân thiện trong trường phổ thông

Chủ Nhật, 08/04/2018, 02:37:30
 

Học sinh Trường tiểu học Tiên Sơn số 1 (Việt Yên, Bắc Giang) tranh thủ đọc sách trong giờ ra chơi.
Nhằm nâng cao văn hóa đọc, kỹ năng giao tiếp cho học sinh, từ năm học 2015-2016, ngành giáo dục tỉnh Bắc Giang xây dựng thư viện thân thiện tại các trường tiểu học. Thông qua mô hình này, học sinh đã hình thành thói quen đọc sách, mượn sách và bảo quản sách một cách khoa học, góp phần nâng cao ý thức, kỹ năng trong học tập và đời sống hằng ngày.

Năm học 2015-2016, Trường tiểu học Tiên Sơn số 1, huyện Việt Yên (Bắc Giang) được chọn là một trong 40 trường tiểu học của tỉnh triển khai dự án mô hình thư viện thân thiện. Khi chúng tôi đến Trường tiểu học Tiên Sơn số 1 đúng giờ ra chơi, hình ảnh gây ấn tượng là học sinh cũng tranh thủ vào thư viện tìm sách, báo hoặc truyện để đọc. Những kệ sách, truyện được bài trí ngăn nắp, mã hóa theo mầu, cho nên học sinh không mất nhiều thời gian để tìm sách và để lại sách vào chỗ cũ. Theo cô giáo Hoàng Thị Vân, cán bộ phụ trách thư viện, trường có hơn hai nghìn đầu sách, truyện. Từ khi có thư viện thân thiện, nhiều học sinh ra chơi cũng tranh thủ đọc sách. Vào những ngày cuối tuần, hoặc hết giờ học, nhiều học sinh cũ của trường và phụ huynh cũng tìm đến thư viện đọc sách, mượn sách. Theo thống kê, tất cả học sinh đều có thói quen đọc sách, mượn sách, trong đó, học sinh khối 4, 5 đọc sách, mượn sách thường xuyên hơn.
Hiệu trưởng Trường tiểu học Tiên Sơn số 1 Nguyễn Văn Bắc cho biết, dự án xây dựng cho nhà trường hai thư viện: thư viện ngoài trời và thư viện trong nhà. Bên cạnh việc học sinh tự tìm sách yêu thích để đọc, hằng tuần, mỗi lớp sẽ có tiết đọc tại thư viện dưới sự hướng dẫn, giảng dạy của nhân viên thư viện và giáo viên. Trong gần ba năm qua, năng lực đọc sách của học sinh được cải thiện đáng kể. Các ngày hội đọc sách được nhà trường lồng ghép, tổ chức hằng năm, thu hút đông đảo học sinh. Ngoài ra, để thu hút người đọc, thư viện thường xuyên nâng cấp, bổ sung nhiều đầu sách, truyện, bảo đảm nhu cầu, trình độ đọc của học sinh và phụ huynh.
Tại Trường tiểu học Quảng Minh số 2 (huyện Việt Yên), cô giáo Hiệu trưởng Nguyễn Thị Hiệp cho biết, ngoài các đầu sách dự án cung cấp, nhà trường có sách "đối ứng" của phụ huynh học sinh; trong đó, tính riêng năm học 2017-2018, học sinh đóng góp khoảng một nghìn quyển. Trong kế hoạch giáo dục, trường xác định, tiết đọc thư viện là nhiệm vụ chuyên môn. Tại thư viện thân thiện, học sinh không nhất thiết phải ngồi đọc như thư viện truyền thống, các em có thể đứng, hoặc ngồi đọc với tư thế thoải mái ở mọi lúc, mọi nơi. Theo Phó Trưởng phòng Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT) huyện Việt Yên Trần Văn Huân, từ năm học 2015-2016 có 13 trường (trong tổng số 27 trường của huyện) thực hiện dự án thư viện thân thiện. Sau một thời gian, thấy hiệu quả, các trường còn lại mặc dù không nằm trong dự án nhưng đã tự nguyện đăng ký xây dựng thư viện thân thiện với sự giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm của các trường đã triển khai. Ðiều đó cho thấy, thư viện thân thiện đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ của các phụ huynh, học sinh cũng như các trường. Trên cơ sở kết quả đạt được, Phòng GD và ÐT huyện Việt Yên tiếp tục nghiên cứu và đề xuất triển khai thư viện thân thiện ở cấp THCS trong thời gian tới.
Theo đánh giá của ông Vũ Trí Ngư, Phó Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD và ÐT tỉnh Bắc Giang, thư viện thân thiện đã bổ sung và cập nhật những kiến thức mới, những phương pháp giảng dạy tiên tiến, làm cho việc học tập và giảng dạy thêm sinh động và hấp dẫn; tạo điều kiện cho người sử dụng tiếp cận tri thức nhanh chóng. Thông qua tiết đọc thư viện, học sinh đã hình thành thói quen đọc sách, từng bước giúp các em hoàn thiện nhân cách. Từ 40 thư viện ban đầu, đến nay, tất cả các trường tiểu học tại một số huyện như: Việt Yên, Yên Dũng và Hiệp Hòa đã mở rộng mô hình. Trong thời gian tới, ngành giáo dục tỉnh Bắc Giang tiếp tục đẩy mạnh mô hình này, định hướng là thư viện mở, mang tính cộng đồng.

Long Thành và Ðặng Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét