Theo
Bộ GD và ĐT, chương trình môn học là văn bản xác định vị trí, vai trò
môn học trong thực hiện mục tiêu giáo dục phổ thông, mục tiêu và yêu cầu
cần đạt, nội dung giáo dục cốt lõi của môn học mỗi lớp hoặc cấp học đối
với tất cả học sinh trên toàn quốc, định hướng kế hoạch dạy học ở mỗi
lớp và mỗi cấp học, phương pháp và hình thức tổ chức giáo dục, đánh giá
kết quả giáo dục của môn học.
PGS, TS Đỗ Ngọc Thống, chủ biên chương trình môn Ngữ văn cho biết:
Môn học này kéo dài từ lớp 1 đến lớp 12. Điểm khác biệt nhất của chương
trình môn Ngữ văn so với trước đây là được xây dựng xuất phát từ các
phẩm chất và năng lực cần có của người học để lựa chọn nội dung dạy.
Phương pháp giáo dục và đánh giá học sinh ở môn Ngữ văn cũng được thay
đổi. Thay vì chú trọng đọc - chép như trước đây, giáo viên tổ chức lớp
học, các hoạt động giáo dục theo hướng khuyến khích học sinh trao đổi và
tranh luận, đặt câu hỏi cho mình và cho người khác khi đọc, viết, nói
và nghe.
Đối với môn Toán, chương trình được xây dựng tinh giản, thiết thực,
hiện đại và khơi nguồn sáng tạo. Lần đầu tiên, chương trình môn Toán
dành thời gian thích đáng để tổ chức các hoạt động trải nghiệm toán học
cho học sinh ở từng lớp, giúp các em vận dụng kiến thức, kỹ năng, thái
độ đã được tích lũy từ giáo dục toán học và kinh nghiệm của bản thân vào
giải quyết một số vấn đề thực tiễn.
Theo chủ biên chương trình môn Khoa học tự nhiên, PGS, TS Mai Sỹ
Tuấn, trong chương trình giáo dục phổ thông mới, Khoa học tự nhiên là
môn học mới, được phát triển từ môn Khoa học ở các lớp 4, 5. Khoa học tự
nhiên là môn học bắt buộc ở các lớp 6, 7, 8 và 9. Ở THPT, Khoa học tự
nhiên được tách ra thành ba môn học riêng rẽ là Vật lý, Hóa học và Sinh
học.
Ngay sau khi dự thảo nêu trên được công bố, thầy giáo Ngô Quốc Đường,
Hiệu trưởng Trường THPT Thái Thuận (TP Bắc Giang) cho biết: Dự thảo đã
tiếp cận được xu hướng phát triển của thế giới, giúp học sinh có được
những kỹ năng và cách nhìn đúng đắn, toàn diện. Tuy nhiên, để chương
trình mới thành công cần chuẩn bị tốt cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy
học, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên. Các trường sư phạm cần đổi
mới mạnh mẽ nội dung, phương pháp tập huấn và phương pháp đào tạo giáo
viên, làm sao để người đứng lớp hiểu được tường tận mục tiêu của bài
học. Không để lặp lại tình trạng mỗi trường cử một đến hai giáo viên đi
tập huấn một vài ngày sau đó về trường truyền đạt lại cho đồng nghiệp
không đến nơi đến chốn, không bảo đảm yêu cầu. Không nên coi hoạt động
trải nghiệm là môn học độc lập, riêng biệt và cũng không nên hiểu là
hoạt động tách rời khỏi các môn học khác mà phải là phương pháp, cách
thức tổ chức các hoạt động học tập tích cực cho học sinh. Tùy từng hoạt
động mà có nội dung đơn môn hoặc liên môn.
Trong khi đó, Phó Giám đốc Sở GD và ĐT tỉnh Lai Châu Hoàng Đức Minh
cho rằng: Quá trình thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ gặp
những khó khăn nhất định do đặc thù của từng địa phương. Các giáo viên
dạy tích hợp khoa học tự nhiên, khoa học xã hội còn gặp lúng túng trong
hoạt động dạy, học. Giáo viên các môn học còn lại cũng rất cần tập huấn,
bồi dưỡng để bảo đảm thực hiện tốt chương trình.
Tại buổi họp báo, Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới,
GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết, chương trình giáo dục phổ thông mới có
20 môn và các hoạt động giáo dục. Trong đó, có những môn học bắt buộc
xuyên suốt từ lớp 1 đến lớp 12 như: Tiếng Việt, Ngữ văn, Toán, Giáo dục
công dân, Giáo dục thể chất, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp. Một số
môn học tích hợp mới như: Lịch sử và Địa lý (cấp THCS), Khoa học (cấp
tiểu học), Khoa học tự nhiên (THCS), Giáo dục kinh tế và Pháp luật.
Ngoài ra, một số môn học, hoạt động giáo dục lần đầu được đưa vào chương
trình dưới hình thức bắt buộc là hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp,
tin học; hay môn học tự chọn ở cấp THPT như môn nghệ thuật…
Chương trình mới chú trọng giảm tải nội dung, nhất là giảm bớt kiến
thức khó, nhàm chán ở các môn Toán, Lịch sử, Giáo dục công dân... Vì
thế, ban soạn thảo chú trọng thay đổi phương pháp dạy học. Vấn đề chuẩn
bị đội ngũ giáo viên, tăng cường cơ sở vật chất, nhất là điều tra đội
ngũ giáo viên từng cấp học, môn học đáp ứng yêu cầu của chương trình mới
sẽ được Bộ GD và ĐT quan tâm. Bộ GD và ĐT dự kiến vào tháng 4 tới đây
có thể ban hành chính thức chương trình các môn học để làm căn cứ cho
các tác giả viết sách giáo khoa.
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét