18 thg 9, 2017

Khẩn trương khôi phục cơ sở vật chất, đón học sinh trở lại trường

Thứ Ba, 19/09/2017, 03:41:26
 Font Size:     |        Print
 

Học sinh Trường tiểu học và THCS xã Kỳ Nam, thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) sắp xếp lại phòng học. Ảnh: NGÔ TUẤN
Cơn bão số 10 đã để lại hậu quả nặng nề về tài sản đối với những vùng bão đi qua, trong đó có hệ thống các trường học ở các tỉnh miền trung, nhất là ở hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình. Bên cạnh việc khắc phục hậu quả mưa bão, ngành giáo dục và đào tạo (GD và ĐT) hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình chú trọng vệ sinh môi trường, huy động học sinh ra lớp, bảo đảm chương trình, kế hoạch thời gian năm học 2017-2018.
Khác với cảnh ngổn ngang, hoang tàn mấy ngày trước do bão gây ra, đến nay, khuôn viên Trường tiểu học và THCS Kỳ Nam (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) đã được dọn dẹp sạch sẽ, ngăn nắp. Thầy giáo Trần Xuân Ðạt, Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Bão số 10 đã làm tốc mái, làm vỡ khoảng hơn bảy nghìn viên ngói, cuốn phăng 120 m2 mái che của hai dãy nhà cao tầng, văn phòng, nhà nội trú của cán bộ, giáo viên… Ðược sự hỗ trợ kịp thời của các lực lượng, nhà trường đã sửa sang, dọn dẹp khuôn viên trường học để đón các em đến lớp học tập vào sáng 18-9. Cơn bão vừa qua cũng làm nhiều nhà cửa của thầy giáo, cô giáo hư hỏng, đến nay chưa được sửa chữa. Song, với quyết tâm không để việc học tập của học sinh bị gián đoạn, các thầy giáo, cô giáo đã ưu tiên việc dọn dẹp, sửa chữa trường, lớp học.
Trưởng phòng GD và ÐT thị xã Kỳ Anh Nguyễn Hữu Sum cho biết: Sau khi cơn bão đi qua, các đoàn công tác của ngành GD và ÐT đã về từng gia đình bị thiệt hại nặng chia sẻ, động viên phụ huynh, đồng thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của học sinh, kịp thời hỗ trợ các điều kiện cần thiết để các em đến lớp, đến trường. Nhờ đó, đến ngày 18-9, tất cả học sinh bậc THCS, THPT đã đến lớp. Ðối với bậc học mầm non, do việc khắc phục hậu quả mưa bão đòi hỏi phải có thời gian, hệ thống điện, nước vẫn bị gián đoạn, cho nên các trường chưa thể đón trẻ ra lớp.
Theo số liệu thống kê của ngành GD và ÐT Hà Tĩnh, tính đến ngày 18-9, toàn tỉnh có 56 trường vẫn chưa thể tiếp tục việc dạy học, trong đó, thị xã Kỳ Anh có 12 trường, huyện Kỳ Anh 21 trường và huyện Cẩm Xuyên 23 trường. Theo Giám đốc Sở GD và ÐT Hà Tĩnh Trần Trung Dũng, những trường học chưa khắc phục xong hậu quả, nếu bảo đảm điều kiện an toàn có thể bố trí dạy học buổi thứ hai. Cùng với việc khẩn trương khắc phục thiệt hại do mưa bão gây ra, ngành GD và ÐT Hà Tĩnh sẽ tập trung đồng bộ các giải pháp để bảo đảm chất lượng, tiến độ dạy học. Trước mắt, các trường sẽ tự cân đối thời lượng dạy bù thích hợp để bảo đảm chương trình, khung thời gian năm học 2017-2018.
* Tại Quảng Bình, cơn bão số 10 đã làm hư hỏng nhiều lớp học, nhà công vụ; trang thiết bị và đồ dùng dạy học chìm sâu trong nước. Tính đến ngày 18-9, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình còn 26 trường học thuộc hai huyện Quảng Trạch và Tuyên Hóa chưa thể đón học sinh tới trường. Chúng tôi đến Trường mầm non xã Quảng Ðông (huyện Quảng Trạch), cô giáo Phạm Thị Thanh Huệ, Hiệu trưởng nhà trường nói trong nước mắt: "Thành quả mấy năm gây dựng chỉ qua trận bão đã tan thành mây khói, bởi ba tháng nữa là trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia, rứa mà chừ như ri".
Trường mầm non xã Quảng Ðông có 16 phòng học thì không còn phòng nào lành lặn, mái tôn và ngói bị cuốn bay, trần nhà miếng thì rụng, miếng còn treo lơ lửng, bàn, ghế, tủ, giường và đồ chơi của các cháu vỡ nát... Theo báo cáo của Sở GD và ÐT Quảng Bình, bão số 10 đã gây thiệt hại nặng cho các cơ sở giáo dục trong toàn tỉnh, trong đó nặng nhất là các trường học ở vùng tâm bão gồm: thị xã Ba Ðồn và các huyện: Quảng Trạch, Tuyên Hóa, Minh Hóa. Toàn ngành có hơn 40 nghìn m2 mái nhà lớp học bị tốc mái, hơn 5.700 m hàng rào bị sập, hơn 4.700 m2 cửa kính bị vỡ, 2.600 cây xanh bị gãy, đổ, gần 600 bộ máy vi tính và 78 máy chiếu bị hỏng, gần 600 phòng học bị hư hỏng nặng và 11 phòng học bị sập hoàn toàn, hơn 10.500 bộ sách, vở, gần 1.200 bộ bàn ghế học sinh bị hư hại do mưa bão… Tổng thiệt hại ước tính hơn 205 tỷ đồng.
Giám đốc Sở GD và ÐT Quảng Bình Ðinh Quý Nhân lưu ý, các cơ sở giáo dục cần khẩn trương khắc phục hậu quả do bão gây ra, nhưng không phải bằng mọi giá để đưa học sinh sớm trở lại trường học. Ðể bảo đảm an toàn tuyệt đối cho học sinh, khi các trường đã sửa chữa, dọn dẹp xong mới gọi học sinh đi học trở lại hoặc khi trường đã thật sự an toàn cho học sinh sẽ tổ chức học bù vào các ngày thứ bảy, chủ nhật. Sở sẽ cố gắng huy động các nguồn lực để hỗ trợ các trường bị thiệt hại nặng. Trong thời điểm hiện tại, lãnh đạo các trường học cần chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức, đoàn thể trên địa bàn chung tay góp sức khắc phục, sửa chữa trường, lớp để trong thời gian sớm nhất đón các em đi học trở lại.
* Tại tỉnh Nghệ An, đến nay hơn 700 nghìn học sinh các cấp trên địa bàn đã đến trường đi học trở lại sau bão số 10. Ðể bảo đảm kế hoạch dạy và học ổn định sau bão, Giám đốc Sở GD và ÐT Nghệ An yêu cầu các phòng GD và ÐT, đơn vị trực thuộc chỉ đạo các cơ sở giáo dục huy động cán bộ, giáo viên, học sinh, vận động phụ huynh tổ chức thu dọn, vệ sinh sân trường, lớp học… Tùy tình hình thực tế của địa phương, các nhà trường chủ động tổ chức dạy bù kiến thức cho học sinh.
Chiều 18-9, trao đổi ý kiến với chúng tôi, Thứ trưởng Bộ GD và ÐT Nguyễn Thị Nghĩa cho biết, trước khi xảy ra cơn bão số 10, Bộ trưởng GD và ÐT Phùng Xuân Nhạ có Công điện gửi các sở GD và ÐT, các trường đại học, cao đẳng có phương án phòng, chống bão. Theo đó, các đơn vị nói trên cần theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão; thông tin kịp thời, đầy đủ đến lãnh đạo các trường, giáo viên, học sinh; nhất là vùng ven sông, suối, hạ lưu các hồ chứa, vùng thấp trũng để chủ động các biện pháp phòng, tránh. Ðồng thời, thực hiện các phương án bảo đảm an toàn tài sản, cơ sở vật chất các công trình trường, lớp học; cho học sinh nghỉ học để bảo đảm an toàn nếu cần thiết. Ngoài ra, có kế hoạch phòng, chống các dịch bệnh, kịp thời vệ sinh trường lớp, khắc phục hậu quả, chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất trường, lớp phục vụ công tác dạy và học sau bão, bảo đảm chương trình, kế hoạch thời gian năm học 2017-2018.
Trong thời gian các địa phương chịu ảnh hưởng cơn bão số 10, Bộ thường xuyên theo dõi, gọi điện chia sẻ khó khăn với lãnh đạo các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế để nắm bắt tình hình, có phương án hỗ trợ kịp thời. Hiện nay, Bộ GD và ÐT đang chờ các địa phương bị ảnh hưởng gửi báo cáo để nắm bắt thiệt hại. Trên cơ sở đó, Bộ GD và ÐT sẽ thành lập các đoàn vào thăm, tặng quà các trường học bị thiệt hại. Dự kiến, Công đoàn ngành Giáo dục và Bộ GD và ÐT sẽ tặng một tỷ đồng hỗ trợ hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình.
TÙNG TUẤN GIANG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét