Thứ Ba, 24/01/2017, 02:35:39
Công tác xã hội học đường (CTXHHĐ) có phạm vi hoạt động khá rộng (bao gồm tư vấn tâm lý học đường, tham vấn học đường…), không chỉ trợ giúp trực tiếp cho học sinh mà còn hướng đến trợ giúp cho giáo viên, nhà quản lý giáo dục, gia đình, cộng đồng. Tuy nhiên, để hoạt động CTXHHĐ thật sự hiệu quả, vẫn cần giải pháp thiết thực từ nhiều phía.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT), hiện nay, tại các trường học, trên cơ sở mô hình về tư vấn tâm lý học đường, tham vấn học đường đã bước đầu xây dựng mô hình thí điểm dịch vụ CTXHHĐ. Mô hình thí điểm có phạm vi hoạt động rộng, không chỉ trợ giúp trực tiếp cho học sinh mà còn hướng đến trợ giúp cho giáo viên, nhà quản lý giáo dục, gia đình, cộng đồng, cũng như huy động các nguồn lực, dịch vụ giúp quá trình học tập của học sinh ngày càng hiệu quả hơn (từ góc độ can thiệp, phòng ngừa và phát triển).
Thạc sĩ Bùi Thanh Minh, thành viên nhóm nghiên cứu Xây dựng mô hình thí điểm dịch vụ CTXHHĐ (Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng: Vấn đề thường gặp, đáng quan tâm nhất hiện nay của học sinh là "nghiện" games, mạng xã hội, bạo lực học đường và ứng xử không phù hợp. Nhiều nghiên cứu về trường học, các quan hệ xã hội của học sinh trong nhà trường chỉ ra rằng, bạo lực học đường là một trong những vấn đề nóng nhất ở trường phổ thông. Theo số liệu thống kê những năm gần đây, một năm có khoảng 1.600 vụ học sinh đánh nhau; cứ 11 nghìn học sinh thì có một em bị buộc thôi học vì đánh nhau. Trong đó, bạo lực tinh thần như (mắng chửi, đe dọa, bắt phạt, sỉ nhục…) thường xuyên xảy ra và chiếm tỷ lệ khá cao. Vì vậy, trường học không còn là nơi an toàn với một bộ phận học sinh. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến học sinh bỏ học cả trong và ngoài nhà trường. Trong đó, ở trường học, có bạo lực học đường, áp lực học tập, mối quan hệ thầy cô, bạn bè; ngoài trường học, có thể là nghèo đói, bạo lực gia đình, ảnh hưởng của tệ nạn xã hội như ma túy, HIV/AIDS. Như vậy, bạo lực học đường đã gây ra những tổn thương thể xác và tinh thần nghiêm trọng. Từ đó, nhiều học sinh lựa chọn việc bỏ học như một cách để tránh bạo lực học đường. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, học sinh là người dân tộc thiểu số, nhóm trẻ em lao động sớm, trẻ em nghèo là đối tượng bỏ học cao. Ngoài ra, học sinh khuyết tật cũng gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận giáo dục. Một vấn đề đáng lưu ý hiện nay là sự thiếu phù hợp của chương trình học, đã tạo áp lực học tập căng thẳng cho học sinh. Nếu năm học 2014-2015, cả nước có hơn 45 nghìn học sinh THCS và gần 24 nghìn học sinh THPT lưu ban thì đến năm học 2015-2016, số học sinh lưu ban lần lượt là 42.698 và 19.281 em.
Từ phân tích nêu trên, nhóm nghiên cứu đến từ Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đề xuất ba mô hình về CTXHHĐ. Trong đó, mô hình thứ nhất là bộ phận công tác xã hội sẽ được đặt trong trường học; chịu sự quản lý hành chính của nhà trường, quản lý chuyên môn của trung tâm công tác xã hội cấp tỉnh, huyện; nhân sự hưởng lương theo quản lý hành chính trường học. Mô hình thứ hai, văn phòng CTXHHĐ thuộc quản lý của nhà trường nhưng độc lập về chuyên môn; nhân sự do trường chi trả lương, thuộc hệ thống lương giáo dục. Mô hình thứ ba, bộ phận CTXHHĐ chỉ trực thuộc trung tâm công tác xã hội (ngành lao động, thương binh và xã hội); trường học chỉ phối hợp trung tâm trong việc hỗ trợ cơ sở vật chất, hỗ trợ nhân viên công tác xã hội làm việc; phù hợp trong bối cảnh có điều kiện phát triển giáo dục thấp, điều kiện kinh tế thấp; các địa phương có điều kiện phát triển về công tác xã hội. Bộ GD và ĐT dự định sẽ thí điểm và tiến tới nhân rộng mô hình dịch vụ CTXHHĐ, nhằm giải quyết nhiều vấn đề đặt ra đối với học sinh chứ không đơn thuần là làm công tác tư vấn tâm lý như một số trường vẫn đang làm.
Theo các chuyên gia giáo dục, nhìn chung các hoạt động tư vấn tâm lý học đường tại các trường học hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, do thiếu hành lang pháp lý, mang tính tự phát, giáo viên kiêm nhiệm, chưa đủ nguồn lực tài chính... Trong bối cảnh đó, việc phải lựa chọn một mô hình trợ giúp học sinh thì hoạt động CTXHHĐ là lựa chọn khả thi, phù hợp.
Phó Vụ trưởng Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD và ĐT) Dương Văn Bá cho biết: Việc xây dựng mô hình thí điểm dịch vụ CTXHHĐ hiện nay không làm mất đi các mô hình đang có, mà hướng đến hệ thống hóa các hoạt động trợ giúp. Vì vậy, cần nâng cao nhận thức đối với cán bộ quản lý, giáo viên trong các nhà trường; đồng thời cam kết thúc đẩy việc hình thành và phát triển dịch vụ CTXHHĐ. Bên cạnh đó, cần xây dựng các chương trình đào tạo đại học, thạc sĩ, tiến sĩ chuyên ngành về CTXHHĐ; đưa nội dung CTXHHĐ vào các quy định của luật, nhằm đưa hoạt động CTXHHĐ đi vào hoạt động có tính chuyên nghiệp, hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.
Quý Tùng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét