Chủ Nhật, 18/12/2016, 02:26:06
Font Size: | Print
|
Font Size: |
|
Cách đây năm đến bảy năm, tỷ lệ học sinh các dân tộc rất ít người ở những bản vùng cao của tỉnh Lai Châu đến trường chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhưng mọi chuyện đã hoàn toàn thay đổi kể từ khi Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt Đề án phát triển giáo dục đối với các dân tộc rất ít người giai đoạn 2010-2015 (Đề án 2123).
|
Chúng tôi đến Trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) THCS Nậm Pì (xã Nậm Pì, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu) khi đã nhá nhem tối. Tuy vậy, thầy giáo Đinh Bá Tuyến, Phó Hiệu trưởng trường cùng một số thầy giáo vẫn nhiệt tình dẫn chúng tôi đi thăm một số phòng học, phòng công vụ giáo viên, phòng ở của học sinh, bếp ăn bán trú mới được đầu tư xây dựng khang trang. Chung quanh trường có những luống rau cải mèo xanh thẫm do chính các em học sinh chăm sóc. Cạnh đó là một số chuồng nuôi gà, lợn của các thầy giáo để cải thiện bữa ăn.
Thầy giáo Đinh Bá Tuyến tâm sự, chuyện giáo dục ở đây dài lắm, giáo viên không chỉ nhớ tên từng học sinh mà còn nhớ cả nhà, cả tên người thân các em. Hiện nay, nhà trường có tổng số 228 học sinh, trong đó, số học sinh người dân tộc Mảng là 128 em. Học sinh ở bản xa nhất là Nậm Sập, cách trường 80 km, các bản khác bình quân khoảng 20 km. Giao thông đi lại khó khăn, nhiều đồi, nhiều suối. Phần lớn học sinh ăn, học bán trú tại trường. Một số em nhà có điều kiện cuối tháng được bố, mẹ hoặc anh, chị đón về bằng xe máy. Những học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố, mẹ mất sớm, Tết mới được về nhà. “So với một số dân tộc, người Mảng có tuổi thọ thấp nhất. Cách đây vài năm, tại một số bản như: Nậm Sập, Pá Bon, Pá Sập, Nậm Vòi… có những trưởng bản chỉ mới 45 tuổi nhưng được xem là người cao tuổi nhất. Nhiều người có thói quen uống rượu và hút thuốc lào vặt không kể ngày đêm. Thực tế cho thấy, học sinh thường nghỉ học khi gia đình có biến cố lớn hoặc gặp khó khăn về kinh tế. Gặp những trường hợp như vậy, nhà trường thường phân công giáo viên ở lại động viên, giúp đỡ. Với sự nỗ lực từ nhiều phía, đến nay, tỷ lệ học sinh đi học chuyên cần tăng từ 70% lên gần 100%.
Buổi sáng ở vùng cao mùa này lạnh ngắt, sương mù dày đặc. Mặc dù vậy, 5 giờ sáng, tất cả học sinh bán trú đã thức dậy để vệ sinh cá nhân, tập thể dục, tưới rau. Tranh thủ trước giờ lên lớp, chúng tôi gặp em Pàn Thị Chính (dân tộc Mảng). Chính năm nay 14 tuổi, học lớp 7A. Nhà em ở bản Pá Bon, cách trường 25 km, nếu đi bộ mất một ngày đường. Chính kể, nhà có năm anh em; anh cả học hết tiểu học rồi bỏ học, còn lại bốn chị em đang học THCS và THPT. Nói đến đây, bất chợt đôi mắt em đỏ hoe, ngấn nước. Thầy giáo Lê Minh Họa, chủ nhiệm lớp em Chính, ngồi bên cạnh thấy thế nói giúp: Hoàn cảnh Chính rất đặc biệt. Mẹ mất khi em hơn 1 tuổi, lên lớp 2 thì bố mất. Bố, mẹ em mất sớm vì mắc bệnh gan. Từ đó, tất cả mọi việc đều do người anh cả của Chính (sinh năm 1994) gánh vác. Tôi hỏi: “Ở trường em có vui không?”. Chính đáp: “Có ạ! Vui hơn ở nhà. Ở trường em được các thầy giáo, cô giáo quan tâm như con đẻ của mình. Em và các bạn được ăn ba bữa một ngày, sách, vở đầy đủ… Mỗi tháng em còn được Nhà nước phát cho gần 700 nghìn đồng để mua quần, áo, đồ dùng cá nhân. Trước khi bố mất, em đã hứa dù khó khăn thế nào cũng không bỏ học, phải học lên cao giống như các chị của mình. Ước mơ của em sau này làm cô giáo về dạy chữ cho học sinh ở bản”. Thầy giáo Họa kể tiếp, xã Nậm Pì có chín bản thì tất cả các bản thầy đã đặt chân đến. Trước khi có Đề án 2123, bên cạnh nhiệm vụ giảng dạy, tất cả giáo viên còn có thêm một “nhiệm vụ” là đến từng bản, vào từng nhà vận động học sinh đến lớp. Khi đó, vận động mãi mà kết quả gần như không được bao nhiêu. Có cháu đến trường hôm trước hôm sau lại băng rừng trốn về bản. Có gia đình cả hai vợ chồng say rượu, đuổi thầy giáo ra khỏi nhà, không cho con tới lớp. Đã bao phen như vậy, nhưng các thầy vẫn không nản lòng. Trong những lần đi vận động, các thầy còn tuyên truyền người dân hạn chế uống rượu, hướng dẫn làm kinh tế... Sau này, người dân đã nhận thức được việc đưa con đến trường là cần thiết, hạn chế uống rượu, dành thời gian nhiều hơn để làm kinh tế, ổn định cuộc sống.
Trường PTDTBT tiểu học Nậm Pì có 163 học sinh là người dân tộc Mảng; tỷ lệ học sinh đến lớp đạt hơn 96%. Thầy giáo Nguyễn Quý Dương, Phó Hiệu trưởng cho biết: Người Mảng được hưởng chính sách của Đề án 2123 bởi là dân tộc rất ít người, thuộc hộ nghèo, sản xuất nông nghiệp lạc hậu. Nếu diện tích như nhau, người Mông một năm thu vài chục bao thóc là bình thường, trong khi đó, người Mảng chỉ thu được vài bao. Tuy nhiên, trong quá trình học tập, người Mảng bộc lộ khả năng tiếp thu nhanh, rất thông minh cho nên kết quả học tập luôn dẫn đầu. Chúng tôi tìm gặp Bí thư Đoàn Thanh niên xã Nậm Pì Lò Văn Yên. Anh là người dân tộc Mảng ở bản Nậm Vòi, có học vấn cao nhất thời điểm hiện tại (tốt nghiệp trung cấp nông nghiệp). Ngoài công tác phụ trách đoàn, Lò Văn Yên còn được phân công thêm “nhiệm vụ” nếu có học sinh bỏ học thì đi vận động. Theo lời của Lò Văn Yên, bây giờ học sinh các cấp đến trường đầy đủ, chỉ những ngày lễ, Tết có một số ít học sinh nghỉ học khoảng mấy hôm. Cũng may là bố của anh là Lò Văn Tao, Bí thư Chi bộ bản Nậm Vòi giúp đỡ rất nhiều. Ông được mệnh danh là “cánh chim đầu đàn” của bản. Cách đây vài năm, chủ trương của xã Nậm Pì di dân bản Nậm Vòi về khu vực trung tâm. Bằng uy tín của mình, ông Lò Văn Tao đã vận động được tất cả người dân xuống nơi ở mới. Khi xuống nơi ở mới, vì không có ruộng canh tác, người dân lại lũ lượt kéo về bản cũ, chỉ còn con cái của họ ở lại trường học tập.
Rời xã Nậm Pì trong làn sương mù dày đặc, chúng tôi được thầy giáo Cao Hồng Thanh, Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Nậm Pì chở bằng xe máy đến xã Nậm Ban, cách đó 80 km. Vượt qua nhiều khúc cua tay áo, chúng tôi cảm nhận được, bên cạnh chính sách hỗ trợ của Nhà nước, để đến được trường và duy trì tỷ lệ chuyên cần là sự cố gắng lớn của học sinh. Tại bản Nậm Ô, chúng tôi ghé thăm gia đình anh Lò A Siêng, người dân tộc Mảng. Anh Siêng nói tiếng Việt không sõi. Thầy giáo Lường Văn Văn, Hiệu trưởng Trường PTDTBT tiểu học Nậm Ban phiên dịch: “Mình là hộ nghèo liên tục. Nhà có đất trên đồi không trồng gì được. Trong số tám người con, bảy đứa đang theo học (từ tiểu học đến THPT), một đứa bị khuyết tật ở nhà. Được Nhà nước hỗ trợ mình rất vui. Số tiền đó bố, mẹ không động đến mà để các con mua quần, áo mặc”.
Rời bản Nậm Ô, chúng tôi đến Trường PTDTBT THCS Nậm Ban đã quá trưa, nhưng thầy giáo Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng nhà trường vẫn miệt mài kiểm tra lại các sổ sách, giấy tờ để chuẩn bị phát tiền theo chế độ của Đề án 2123 cho học sinh. Theo thầy giáo Nguyễn Văn Minh, cái được nhất từ Đề án 2123 là học sinh đến trường đầy đủ, yên tâm học tập, giáo viên yên tâm giảng dạy. Hôm đó là cuối tuần, có nhiều phụ huynh từ bản xuống xin đón con về. Tất cả đều hứa với thầy giáo Nguyễn Văn Minh sẽ đưa con quay lại trường chiều chủ nhật. “Mình cẩn thận cứ nhắc vậy thôi, mình tin lời hứa của người Mảng! Từ ngày có chính sách của Đề án 2123, phụ huynh người Mảng đã hứa không cho con ở nhà. Lời hứa đó đến nay đã được khẳng định. Cái được thứ hai (năm học 2015-2016), lần đầu tiên trong lịch sử của trường có bốn học sinh giỏi cấp huyện, trong đó ba em người Mảng. Trong năm học này, nhà trường phấn đấu có một học sinh đạt giỏi cấp tỉnh”, thầy giáo Minh quả quyết.
Theo Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nậm Nhùn Nguyễn Mạnh Hùng, từ năm 2010 đến 2015, huyện đã đầu tư xây mới 17 phòng học và 10 phòng công vụ, hai nhà vệ sinh, sửa chữa năm phòng học cho các điểm trường tiểu học ở các xã: Hua Bum, Nậm Hàng, Nậm Ban, Trung Chải. Việc chi trả chế độ đã bảo đảm đúng đối tượng, qua đó góp phần duy trì tỷ lệ chuyên cần học sinh đến lớp, chất lượng giáo dục ngày càng nâng lên. Trong khi đó, theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lai Châu Hoàng Đức Minh, toàn tỉnh có 69 trường với hơn 2.200 học sinh thuộc ba dân tộc rất ít người (Cống, Mảng, Si La) theo học. Điều đáng mừng, kết thúc giai đoạn của Đề án 2123 (cuối năm 2015), Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện đề án; mở rộng đối tượng là học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số, thuộc hộ nghèo, có số dân dưới 10 nghìn người được thụ hưởng chính sách.
Đánh giá việc thực hiện Đề án 2123, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa cho biết: Qua 5 năm triển khai đề án, đã xây dựng được nhiều phòng học, phòng công vụ giáo viên cũng như hỗ trợ kịp thời chế độ chính sách cho học sinh. Khi xây dựng được những điểm trường khang trang, tỷ lệ huy động học sinh đến lớp, chất lượng giáo dục đã tăng lên đáng kể. Học sinh mầm non được học hai buổi/ngày ở các thôn, bản; học sinh tiểu học, THCS, THPT học trong trường PTDTBT, nội trú. Trong số sáu tỉnh tham gia đề án, tỉnh Lai Châu được đánh giá hoàn thành tốt kế hoạch xây dựng phòng học, phòng công vụ; tỷ lệ học sinh đến lớp đạt cao.
|
QUÝ TÙNG và TRẦN TUẤN |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét