17 thg 11, 2016

Sớm chấn chỉnh tình trạng trường đạt chuẩn quốc gia "trên giấy"

Thứ Năm, 17/11/2016, 03:40:27
 Font Size:     |        Print
 

Dù đạt chuẩn quốc gia nhưng Trường tiểu học Phú Châu (Ba Vì, Hà Nội) vẫn phải bố trí cho học sinh học tập trong dãy nhà cấp bốn.
 Font Size:     |  
Thời gian qua, để nâng cao chất lượng giáo dục, nhiều địa phương đã quan tâm, đầu tư các trường mầm non và phổ thông theo hướng đạt chuẩn quốc gia. Tuy nhiên, việc đầu tư tại nhiều nơi còn manh mún, chắp vá, nhiều trường mặc dù được công nhận đạt chuẩn quốc gia nhưng thực tế chưa bảo đảm theo quy định.
Không chuẩn cũng được công nhận
So với nhiều địa phương trên cả nước, việc đầu tư cơ sở vật chất cho trường chuẩn quốc gia (CQG) tại Lai Châu còn gặp nhiều khó khăn, bất cập. Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) Hoàng Đức Minh, trên địa bàn tỉnh Lai Châu hiện còn nhiều trường mặc dù được công nhận đạt CQG, nhưng cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học lại chưa bảo đảm. Điển hình, tại Trường phổ thông dân tộc bán trú Bản Hon, xã Bản Hon (huyện Tam Đường), mặc dù đạt CQG mức độ 1 (năm 2010), nhưng đến nay vẫn chưa có nhà đa năng, các phòng chức năng riêng; chưa có nước sạch sử dụng. Theo thầy giáo Trần Văn Tân, Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú Bản Hon, các phòng chức năng ở đây phải ghép chung với các phòng khác vì chưa đủ điều kiện để tách riêng; thư viện mới chỉ bảo đảm việc để sách, chưa có phòng đọc… “Điểm trường trung tâm mới được như thế. Còn tại các điểm trường lẻ, phần lớn phòng học vẫn là bán kiên cố và thiếu nhiều trang thiết bị dạy học”, thầy Tân cho biết.
Không chỉ ở địa phương vùng cao, tại Hà Nội, việc đầu tư cơ sở vật chất cũng như kiểm tra công nhận lại trường CQG cũng bộc lộ những bất cập. Mặc dù nhiều trường được công nhận đạt CQG nhưng phòng học thiếu, xuống cấp, sĩ số học sinh trong một lớp quá đông… Tại khu vực nội thành có khá nhiều trường đạt CQG nhưng có những lớp sĩ số học sinh tăng vượt mức so với quy định. Theo quy định, cấp tiểu học không quá 35 học sinh/lớp; THCS và THPT không quá 45 học sinh/lớp nhưng thực tế, tại các Trường THCS Ngô Gia Tự (quận Hai Bà Trưng), THCS Mai Động và Tiểu học Đại Kim (quận Hoàng Mai),… nhiều lớp có tới hơn 50 học sinh/lớp. Số học sinh tăng cao, các bàn học phải kê sát nhau khiến các em ngồi học rất vất vả. Hay tại quận Nam Từ Liêm có một số trường THCS xây dựng từ năm 2010 trở về trước (Trung Văn, Phương Canh, Mễ Trì…) đã đạt CQG nhưng đến tháng 9-2016, một số hạng mục xuống cấp, phòng học bị dột, hỏng, phòng chức năng không sử dụng được.
Điều đáng nói, lãnh đạo các quận, huyện của Hà Nội đều rất ngại việc đề nghị cấp trên về kiểm tra công nhận lại vì sợ… mất chuẩn. Tại huyện Ba Vì (Hà Nội), mang danh là CQG từ nhiều năm nay nhưng nhiều học sinh Trường tiểu học Phú Châu vẫn phải học tập trong dãy nhà cấp bốn. Cô giáo Bùi Thị Hoàn, Hiệu trưởng trường chia sẻ: Nếu cấp trên về kiểm tra, chắc chắn trường sẽ mất chuẩn vì còn thiếu các phòng: tin học, ngoại ngữ, nghệ thuật, đa năng, thư viện. Chưa kể, bàn, ghế mặc dù cơ bản đủ số lượng nhưng có 100 bộ khập khiễng; nhiều phòng học đang bị rạn nứt, ngấm nước; các phòng làm việc của hiệu trưởng, hiệu phó, phòng hội đồng phải mượn phòng học của học sinh. Trưởng phòng GD và ĐT huyện Ba Vì Lê Ngọc Tôn cho biết, nhiều trường trên địa bàn chưa có kinh phí để "xóa" nhà cấp bốn, xây dựng thêm các phòng chức năng, phòng hiệu bộ… Hiện nay, toàn huyện có 32 trong tổng số 110 trường được công nhận đạt CQG (mầm non đạt 10%, tiểu học 51,4% và THCS 28,6%). Tuy nhiên, trong số đó có 15 trường được công nhận trước năm 2008, nếu kiểm tra công nhận lại sẽ không còn đạt CQG.
Điều chỉnh tiêu chuẩn, tăng cường giám sát
Một trong những nguyên nhân khiến trường CQG còn “trên giấy” chính là do việc công nhận chuẩn còn dễ dãi, lấy số lượng để tính thành tích, mặc dù trường được công nhận chưa đạt chuẩn. Phó Giám đốc Sở GD và ĐT tỉnh Lai Châu Hoàng Đức Minh thừa nhận, năm nào ngành cũng có kế hoạch cụ thể và chỉ đạo toàn ngành tập trung giữ chuẩn nhưng do một số khó khăn, cho nên đã “linh động” và đề nghị tỉnh công nhận đạt CQG cho các trường còn khó khăn về tiêu chí cơ sở vật chất. Trong khi đó, tại Hà Nội, Phó Trưởng phòng Kế hoạch tài chính (Sở GD và ĐT Hà Nội) Trần Hữu Thành cho biết, gần đây có 65 trường CQG ở các quận, huyện như: Ba Đình, Ba Vì, Thạch Thất, Mỹ Đức... được công nhận đã quá 5 năm theo quy định, phải tổ chức kiểm tra công nhận lại, nhưng các trường đều đã “xin” chưa xét trong năm 2016. Việc các địa phương “linh động” và “xin” chưa xem xét công nhận lại dẫn đến thực tế có khá nhiều trường mang danh nhưng không đạt CQG.
Theo các chuyên gia giáo dục, việc ban hành tiêu chí công nhận trường đạt CQG nhằm thúc đẩy các địa phương chú trọng đầu tư, nâng cao chất lượng giáo dục. Vì vậy, khi chưa đủ điều kiện thì các địa phương cần thực hiện nghiêm túc quy định, không công nhận kiểu “xé rào”. Nếu cứ dễ dãi công nhận để lấy số lượng báo cáo thành tích mà không đi vào thực chất sẽ khó có thể nâng cao chất lượng giáo dục. Mặt khác, ngành GD và ĐT cần xem xét các tiêu chí trong xây dựng trường CQG. Bởi ở vùng núi hoặc thành phố mà cùng một tiêu chí thì sẽ khó thực hiện và có thể gây lãng phí trong đầu tư. Phó Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất và Thiết bị trường học, đồ chơi trẻ em (Bộ GD và ĐT) Phạm Hùng Anh cho biết, Bộ đang nghiên cứu, bổ sung, ban hành tiêu chuẩn, quy phạm xây dựng và thiết kế mẫu từng loại trường học, lớp học; hướng dẫn thiết kế xây dựng cũng như các tiêu chí trường CQG phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của từng vùng, bảo đảm tính đồng bộ trong các hoạt động giáo dục.
Nhằm tạo điều kiện và giúp các địa phương đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở vật chất các trường học, Bộ GD và ĐT đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan tham mưu để Đảng và Nhà nước ban hành nhiều chính sách hỗ trợ cho các trường học, triển khai thực hiện và chỉ đạo các địa phương thực hiện các chương trình, đề án, dự án. Việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học được thực hiện theo từng đề án, dự án; mỗi đề án, dự án thực hiện một số mục tiêu nhất định để giải quyết nhu cầu cấp thiết và hướng đầu tư cơ sở vật chất các trường học đủ điều kiện xây dựng trường đạt CQG. Trong giai đoạn 2016 - 2020, Bộ GD và ĐT đã xây dựng Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông trình Thủ tướng Chính phủ, với mục tiêu: Bảo đảm điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị trường học để thực hiện chương trình giáo dục mầm non và chương trình giáo dục phổ thông theo lộ trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa.
Kết thúc năm học 2015-2016, tại các địa phương trên cả nước, số lượng trường đạt chuẩn quốc gia ở tất cả các cấp học đều tăng so với năm học 2014-2015. Cụ thể, bậc học mầm non tăng 598 trường, tiểu học 336 trường, THCS 433 trường và THPT là 50 trường.
(Nguồn: Bộ GD và ĐT)
Bài, ảnh: QUÝ TÙNG và TRẦN TUẤN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét