28 thg 9, 2016

Xây dựng và phát triển các trường THPT chuyên theo hướng chất lượng giáo dục cao

Thứ Tư, 28/09/2016, 16:47:42
 Font Size:     |        Print
 

Học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định) trong giờ tập thể dục.
 Font Size:     |  
NDĐT- Ngày 24-6-2010, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 959/QĐ-TTg phê duyệt đề án phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2010-2020 (đề án). Sau hơn 5 năm thực hiện đề án, với sự quan tâm của Chính phủ, hướng dẫn, chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) cũng như các địa phương, hệ thống trường THPT chuyên đã có sự phát triển mạnh, chất lượng giáo dục mũi nhọn từng bước được nâng lên.
62,6% trường chuyên đạt chuẩn quốc gia
Theo Bộ GD và ĐT, đề án nói trên tập trung thực hiện sáu mục tiêu, nhất là mục tiêu về xây dựng, đầu tư cơ sở vật chất; đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và học sinh giỏi. Tại thời điểm xây dựng đề án (năm học 2009 – 2010), cả nước có 68 trường chuyên, 7 khối chuyên; tỉnh Đác Nông chưa có trường chuyên. Đến năm học 2015-2016, tất cả 63 tỉnh, thành phố đều có trường chuyên, khối chuyên. Các tỉnh, thành phố có 2 trường chuyên trở lên, gồm: Hà Nội (5 trường chuyên, 2 khối chuyên); TP Hồ Chí Minh (3 trường chuyên, 7 khối chuyên); Thái Nguyên (1 trường chuyên, 1 khối chuyên); Nghệ An (2 trường chuyên); Thừa Thiên - Huế (1 trường chuyên, 1 khối chuyên); Lâm Đồng, Quảng Nam, Bình Phước, Đồng Tháp, An Giang (mỗi tỉnh có 2 trường chuyên).
Nếu như năm học 2010 -2011 cả nước có 56.654 học sinh chuyên thì đến năm học 2015-2016, có 69.554 học sinh, tăng 12.900 học sinh (chiếm khoảng 2,1% số học sinh THPT, vượt mục tiêu đề án đề ra là 0,1%). Thực tế cho thấy, năm học 2009-2010, cả nước có 21 trong tổng số 68 trường chuyên đạt chuẩn quốc gia (chiếm tỷ lệ 30,8%). Phần lớn các trường chuyên khi đó có khuôn viên chật hẹp, không đủ phòng thí nghiệm, phòng học bộ môn, thiếu thiết bị dạy học hiện đại, nhà tập đa năng, ký túc xá cho học sinh. Hầu hết các trường đều thiếu kinh phí để cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất, mua sắm trang bị dạy học.
Thời gian qua, việc xây dựng trường THPT chuyên đạt chuẩn quốc gia luôn được Bộ GD và ĐT cũng như các địa phương đặc biệt quan tâm, đầu tư. Đến năm học 2015 - 2016, cả nước có 47 trong tổng số 75 trường chuyên đạt chuẩn quốc gia (chiếm tỷ lệ 62,6%). Trong giai đoạn 2010 – 2015, có 14 trường THPT chuyên được xây mới đã đưa vào sử dụng như: chuyên Nguyễn Huệ - Hà Nội; chuyên Chu Văn An - Lạng Sơn; chuyên Biên Hòa - Hà Nam; chuyên Nguyễn Chí Thanh - Đác Nông; chuyên Bắc Ninh – Bắc Ninh; chuyên Trần Phú- Hải Phòng… Các trường chuyên còn lại hầu hết đều được đầu tư cơ sở vật chất, kinh phí để mở rộng diện tích mặt bằng, xây dựng bổ sung hệ thống phòng bộ môn.
Bên cạnh kết quả đạt được, Bộ GD và ĐT cũng đặt ra mục tiêu trong giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2020 là xây dựng và phát triển các trường chuyên thành một hệ thống cơ sở giáo dục có chất lượng giáo dục cao, đạt chuẩn quốc gia, có trang thiết bị dạy học đồng bộ, hiện đại. Trong đó, phải bảo đảm thực hiện nhiệm vụ phát hiện những học sinh có tư chất thông minh, đạt kết quả xuất sắc trong học tập để bồi dưỡng thành những người có lòng yêu đất nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc; có ý thức tự lực; có nền tảng kiến thức vững vàng; có phương pháp tự học, tự nghiên cứu và sáng tạo…
Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi
Đến Trường THPT chuyên Trần Phú (Hải Phòng) vừa được xây mới, cô giáo Đỗ Thị Hòa, hiệu trưởng nhà trường cho biết: Hiện nay, trường có 1.630 học sinh với 46 lớp. So với trường cũ đã tăng 3 lớp (105 học sinh); tăng thêm một khối chuyên Nhật. Hằng năm, trường có khoảng 100 học sinh tham dự kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia đoạt giải được tuyển thẳng vào các trường đại học, cao đẳng. Trong số hơn 100 học sinh đi thi thì cũng có một số học sinh không đoạt giải. Đáng nói, những học sinh nói trên sau đó phải “lao” vào ôn thi THPT quốc gia rất vất vả. Vì vậy, Bộ GD và ĐT cần xây dựng cơ chế động viên rõ ràng để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia, quốc tế. Ngoài ra, cần có cơ chế như cấp giấy chứng nhận, cộng điểm (từ 2 đến 3 điểm) đối với môn các em đã thi nhưng không đoạt giải. Có như vậy học sinh mới yên tâm ôn luyện, nếu không đoạt giải các em cũng có cơ hội vào các trường đại học, cao đẳng.
“Thực tế, làm công tác bồi dưỡng học sinh giỏi rất vất vả, nhìn bên ngoài rất lung linh nhưng bên trong còn bộn bề, khó khăn. Nguyên nhân là vì nhiều năm qua, phần lớn học sinh giỏi khi ra trường không chọn ngành sư phạm theo học. Ba năm qua, nhà trường luôn tìm kiếm các sinh viên giỏi ngành sư phạm (môn Toán) để bổ sung vào đội ngũ nhưng vẫn chưa tìm được. Nếu có cơ chế tự chủ, hiệu trưởng được quyền hứa với học sinh giỏi đi học ngành sư phạm sau đó quay trở về trường làm việc thì chắc chắn sẽ khắc phục được tình trạng thiếu giáo viên giỏi”, cô Hòa trăn trở.
Là trường có bề dày lịch sử, thường xuyên có học sinh đoạt các giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, Olympic quốc tế, thầy giáo Vũ Đức Thọ, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định), cho rằng: Nhà trường luôn được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành. Mặc dù kinh tế của Nam Định còn gặp nhiều khó khăn nhưng nhà trường được ưu tiên đầu tư về con người, cơ sở vật chất, tài chính. Vì vậy, các điều kiện để hoạt động giáo dục của trường không ngừng được cải thiện, nâng cao. Hiện nay, bốn lãnh đạo nhà trường đều là “cựu” học sinh các lớp chuyên của trường, có nhiều năm phụ trách ôn luyện các đội tuyển học sinh giỏi.
Tuy nhiên, đội ngũ giáo viên ở một số bộ môn hiện nay còn thiếu so với yêu cầu như môn Toán, Tiếng Anh. 5 năm trở lại đây, trung bình mỗi năm có từ 1 - 2 giáo viên nghỉ hưu hoặc chuyển công tác. Trong khi việc tuyển giáo viên không ổn định đã gây khó khăn cho quá trình đào tạo giáo viên cũng như phân công công việc. Số giáo viên đạt chuẩn mới ra trường năng lực giảng dạy còn hạn chế; trình độ ngoại ngữ của giáo viên chưa đáp ứng được yêu cầu dạy học các môn chuyên bằng Tiếng Anh.
Để khắc phục tình trạng nêu trên, nhà trường thường xuyên tăng cường đào tạo, bồi dưỡng giáo viên bằng nhiều hình thức khác nhau. Cụ thể, nhà trường đã có kế hoạch đào tạo giáo viên thông qua việc xây dựng nội dung chương trình, viết bài giảng, xây dựng ngân hàng đề thi và tổ chức nghiên cứu khoa học trong giáo viên. Hằng năm, lãnh đạo nhà trường cử từ 2 đến 3 giáo viên cốt cán của mỗi tổ chuyên môn rà soát, điều chỉnh sửa chương trình khung cho phù hợp với nội dung dạy học và thi cử. Trong chương trình khung đặc biệt chú ý những nội dung kiến thức trọng tâm, phần rèn luyện kỹ năng cơ bản, các ứng dụng, liên hệ thực tiễn và phần mở rộng nâng cao đối với học sinh chuyên. Dựa trên chương trình khung đã xây dựng, các giáo viên sẽ xây dựng hệ thống bài giảng của mình và được chỉnh sửa hằng năm cho phù hợp với đối tượng học sinh từng lớp giảng dạy...
Có thể khẳng định, đề án phát triển hệ thống trường THPT chuyên đã có tác động lớn đến việc thay đổi nhận thức của các cấp chính quyền, phụ huynh, học sinh và xã hội về mục tiêu trường chuyên. Trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia (từ năm học 2011 – 2012), Bộ GD và ĐT đã đưa việc thi các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết vào thi môn Ngoại ngữ. Từ năm học 2012 – 2013, bộ tiếp tục đưa nội dung thi thực hành, thí nghiệm vào thi các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học. Đối với việc thi chọn và tập huấn đội tuyển quốc gia dự thi Olympic khu vực, quốc tế đã có sự điều chỉnh như: Tổ chức thêm vòng thi tuyển chọn; tăng thời gian tập huấn đội tuyển quốc gia... Với những điều chỉnh này, thành tích của các đội tuyển quốc gia dự thi Olympic khu vực và quốc tế có sự tiến bộ vượt bậc so với các năm trước. Số lượng và chất lượng giải của đội tuyển quốc gia các môn khoa học thực nghiệm được nâng lên rõ rệt.
QUÝ TÙNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét