28 thg 7, 2016

Điều chỉnh cơ chế, chính sách đối với trường chất lượng cao

Thứ Năm, 28/07/2016, 12:00:49
 Font Size:     |        Print
 

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại hội thảo.
 Font Size:     |  
NDĐT - Giữ nguyên mức trần thu học phí; điều chỉnh cơ chế, chính sách; đề xuất kéo dài thời gian hỗ trợ ngân sách đối với các trường đã được công nhận chất lượng cao… là thông tin chính được các đại biểu thảo luận tại Hội thảo đánh giá kết quả thực hiện những chính sách phát triển giáo dục và đào tạo sau ba năm thi hành Luật Thủ đô do Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức sáng 28-7.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, đến nay, thành phố đã hoàn thành phổ cập giáo dục THCS mức độ 1, phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2 và phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi.
Toàn thành phố có 1.135 trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó các trường công lập, đạt 52,7%. Tính đến năm học 2016-2017, toàn ngành có 11 trường được thành phố ra quyết định công nhận chất lượng cao gồm: hai trường mầm non, năm trường tiểu học, 1 trường THCS và ba trường THPT; 14 trường đang thí điểm xây dựng theo các tiêu chí chất lượng cao.
Tại hội thảo, Hiệu trưởng Trường mầm non Đô thị Việt Hưng Trần Thị Hoàng Lâm (quận Long Biên) cho rằng, Luật Thủ đô ra đời đã trở thành căn cứ pháp lý trong việc triển khai mô hình trường chất lượng cao tại một số cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố. Việc xây dựng trường chất lượng cao là nhu cầu học tập thiết yếu trong xã hội hiện đại.
Trường mầm non Đô thị Việt Hưng được xây dựng kiên cố, hiện đại, đầu tư thiết bị, đồ dùng dạy học đầy đủ, đồng bộ. 100% lớp học, phòng chức năng có máy tính, máy chiếu, âm thanh trợ giảng, bảng tương tác, wifi, camera… Khung cảnh sư phạm xanh, sạch, đẹp, an toàn, thân thiện với hệ thống cây xanh, vườn hoa, khu vui chơi thiên nhiên, vườn cổ tích, sân chơi vận động. Tại đây, trẻ được học chương trình giáo dục mầm non theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và chương trình bổ sung, nâng cao; đi sâu vào lĩnh vực phát triển kỹ năng xã hội cho trẻ; bảo đảm một tuần có một tiết kỹ năng sống.
Bên cạnh những thuận lợi, hiệu trưởng Trường mầm non Đô thị Việt Hưng kiến nghị thành phố Hà Nội cần có cơ chế tiếp tục hỗ trợ ngân sách hằng năm cho trường sau khi được công nhận chất lượng cao bảo đảm đủ chi trả 100% lương cho giáo viên.
Mặt khác, trong công tác tuyển dụng viên chức hằng năm, hiệu trưởng và hội đồng trường được sơ tuyển nhân sự trước khi thí sinh đăng ký thi tuyển vào trường; được đề xuất các tiêu chuẩn tuyển dụng; được miễn nhiệm, buộc thôi việc với cá nhân không hoàn thành nhiệm vụ; được quyết định chế độ, chính sách thu hút nhân tài.
Trong khi đó, Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Ban Mai (quận Hà Đông) Phạm Thị Thu Phương kiến nghị và đề xuất UBND thành phố điều chỉnh tiêu chuẩn d, tiêu chí 5, điều 4, quyết định số 20/2013/QĐ-UBND về cam kết chất lượng giáo dục và các điều kiện bảo đảm chất lượng “80% trở lên học sinh xếp loại giáo dục đạt giỏi, không quá 5% học sinh xếp loại trung bình”. Tuy nhiên, vì hiện nay học sinh tiểu học được đánh giá theo Thông tư 30, trong đó không có học sinh xếp loại giáo dục đạt giỏi, khá, trung bình cho nên cần điều chỉnh.
Đáng chú ý, mặc dù đã được công nhận chất lượng cao nhưng khi đi vào hoạt động, Trường THCS Nam Từ Liêm cũng gặp phải một số khó khăn cần tháo gỡ về cơ chế tự chủ tài chính, tuyển sinh đầu cấp và phát triển quy mô trường. Thực tế, nhà trường chỉ được phép thu từ 1.600.000 đồng/tháng/học sinh (lớp 6, 7) và 1.900.000 đồng/tháng/học sinh lớp 8, 9 là còn thấp (theo quy định thu tối đa 3.400.000 đồng/tháng/học sinh).
Vì mức thu hạn chế, nội dung chi nhiều, dẫn đến việc thu nhập của giáo viên chưa bảo đảm; khó kích thích và tạo động lực cho giáo viên làm việc. Trên cơ sở tính toán, nhà trường chỉ thu ở mức nêu trên trong năm, dự kiến sẽ tăng mức thu từ 200.000 đến 300.000 đồng trong năm học tiếp theo.
Là trường công lập tự chủ tài chính, nhà trường mong muốn được tăng lớp, tăng học sinh; cho phép được tuyển sinh lớp 6 sớm hơn các trường công lập khác nhằm bảo đảm số lượng, chất lượng đầu vào, tạo tâm lý yên tâm cho phụ huynh.
Theo quy định mỗi lớp có 1,9 giáo viên nhưng hiện nay nhà trường mới đáp ứng 1,6 giáo viên/lớp (thiếu chín giáo viên). Vì vậy, các giáo viên đều dạy vượt giờ trong khi còn làm nhiều công việc khác là nguyên nhân chính dẫn tới giáo viên không có nhiều thời gian đầu tư nâng cao chất lượng bài soạn. Nhà trường thường xuyên phải hợp đồng giáo viên bên ngoài cho nên không ổn định trong việc bố trí giáo viên giảng dạy và các hoạt động nâng cao chất lượng giáo dục.
Đánh giá về những thuận lợi, khó khăn, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến cho biết, từ khi Luật Thủ đô có hiệu lực và được quán triệt đến các cấp học đã có tác động tích cực đến nhận thức của đội ngũ cán bộ, giáo viên. Đến nay, đội ngũ cán bộ, giáo viên đã có trình độ chuẩn và trên chuẩn; cơ sở vật chất được tăng cường; một số nơi đã có trường học ngang tầm khu vực. Chất lượng giáo dục ở những trường chất lượng cao đang có sự giám sát của xã hội, là hướng đi đúng trong thời kỳ hội nhập và phát triển.
Đáng chú ý, cơ chế tài chính khi triển khai thực tế tại các trường công lập hiện đang theo mô hình tự chủ một phần. Nếu công nhận trường chất lượng cao thì ngân sách chỉ hỗ trợ năm đầu, từ năm thứ hai đơn vị phải tự chủ về thu, chi tài chính, tự bảo đảm các hoạt động của nhà trường. Điều đó đã gây băn khoăn khi trường tuyển sinh ít, không đủ chi trả lương và các hoạt động khác.
Đối với các trường thực hiện thí điểm chất lượng cao, đề nghị HĐND thành phố được kéo dài thời gian thí điểm từ 1 đến 2 năm để hoàn thiện cơ sở vật chất; những trường đã được công nhận chất lượng cao đề nghị xin kéo dài thời gian hỗ trợ ngân sách thêm một năm. Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đề nghị UBND thành phố chỉ đạo các ngành, các cấp (đặc biệt UBND quận, huyện, thị xã) trên địa bàn quan tâm dành quỹ đất và nguồn vốn để xây dựng các trường chất lượng cao mới.
Đồng thời, quan tâm ưu tiên đầu tư có trọng điểm bước đầu cho các trường hiện đang hoạt động chuyển thành chất lượng cao về cơ sở vật chất, trang thiết bị và bồi dưỡng đội ngũ (kể cả các trường ngoài công lập); chỉ đạo các quận, huyện, thị xã tiếp tục đầu tư, xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2015-2020; giữ nguyên mức trần thu học phí đối với các trường thí điểm và trường đã được công nhận chất lượng cao.
Trong khi đó, theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạoHà Nội Nguyễn Hữu Độ, triển khai các quy định về GD và ĐT tại Điều 12 Luật Thủ đô, Hà Nội phải thực hiện phổ cập giáo dục, phát triển giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông đạt chuẩn quốc gia. Đặc biệt, phải xây dựng một số cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông đạt chất lượng cao.
Theo đó, công tác tổ chức, quản lý việc xây dựng và phát triển trường chất lượng cao luôn được sự quan tâm của lãnh đạo các cấp, các ngành và UBND các quận, huyện, thị xã. Các trường chất lượng cao đã đáp ứng được các tiêu chí theo quy định yêu cầu về dịch vụ và nguyện vọng của cha mẹ học sinh.
Tuy nhiên, đây là mô hình mới cho nên công tác chỉ đạo, quản lý trong thực tiễn cũng gặp một số khó khăn. Đó là cơ chế, tài chính chưa thật sự phù hợp; một số tiêu chí trường chất lượng cao khó đạt; công tác tuyên truyền, vận động chưa sâu rộng…
Với những thuận lợi cơ bản và những khó khăn, thách thức, người đứng đầu ngành giáo dục và đào tạo Thủ đô khẳng định, cần tiếp tục thực hiện việc phát triển và duy trì hoạt động của các trường chất lượng cao theo quy định tại Điều 12 Luật Thủ đô. Muốn vậy, các địa phương, các trường cần nắm được thực tiễn trong ba năm qua đã đạt được kết quả như thế nào; phải đối mặt với những khó khăn, bất cập và thách thức gì.
Trên cơ sở đó, các trường đã có những biện pháp gì để khắc phục và đáp ứng tốt nhất các tiêu chí trường chất lượng cao. Từ đó có những kiến nghị, đề xuất về tài chính, tuyển dụng và sử dụng nhân sự, về áp dựng các chương trình giáo dục mới, tiên tiến cũng như phương pháp giảng dạy.
QUÝ TÙNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét