28 thg 3, 2016

Nhiều dự án nghiên cứu của học sinh đã tiếp cận với tiêu chí quốc tế

Thứ Hai, 28/03/2016, 22:21:51
 Font Size:     |        Print
 

Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo trao các giải nhất cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia cho học sinh khu vực phía bắc.
 Font Size:     |  
Cuộc thi khoa học, kỹ thuật (KH, KT) cấp quốc gia dành cho học sinh trung học được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) tổ chức hằng năm đã khuyến khích học sinh vận dụng kiến thức trong học tập vào giải quyết những vấn đề thực tiễn cuộc sống. Được tổ chức từ năm học 2012-2013, đến nay, hoạt động nghiên cứu KH của học sinh THCS, THPT đã phát triển cả về số lượng và chất lượng. Đáng chú ý, tiêu chí xét giải thưởng năm 2015-2016 đã tiếp cận hơn với tiêu chí quốc tế.
Cuộc thi năm nay được tổ chức tại hai khu vực: phía bắc (Hải Phòng) và phía nam (Đồng Nai). Tại khu vực phía bắc, qua bốn ngày tranh tài với 20 lĩnh vực dự thi, ban tổ chức đã lựa chọn và công bố giải cao nhất (vòng thi toàn cuộc), gồm: Hai giải nhất, tám giải nhì và tám giải ba. Ngoài ra, ban tổ chức cũng trao nhiều giải lĩnh vực: cũng như giấy chứng nhận, bằng khen cho học sinh.
Vui mừng sau khi dự án “Nghiên cứu tổng hợp một số phức chất có khả năng ức chế tế bào ung thư từ tinh dầu hương nhu và bạch kim” đoạt giải nhất vòng thi toàn cuộc, em Nguyễn Hà My, Trường THPT chuyên (Trường đại học Sư phạm Hà Nội) chia sẻ: Sinh ra trong gia đình có ông nội không may bị mắc ung thư phổi, từ nhỏ em đã có mong ước cần phải làm một điều gì đó có ý nghĩa. Em đã lên kế hoạch thực nghiệm một dự án nghiên cứu về căn bệnh ung thư. Biết đến cuộc thi, chúng em đã đăng ký tham gia với mong muốn học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm”.
Đây là đề tài khá khó đối với học sinh phổ thông và nhóm nghiên cứu đã mất khá nhiều thời gian để tìm hiểu về các bệnh ung thư cũng như cách thức tạo ra phức chất có thể ức chế tế bào đó. Thực tế cho thấy, các dòng thuốc điều trị ung thư hiện nay còn có hạn chế gây tác dụng phụ cho nên nhóm thực hiện tập trung nghiên cứu các phức chất mới có khả năng điều trị nhưng không gây tác dụng phụ từ tinh dầu hương nhu và bạch kim có sẵn ở Việt Nam. Điều đặc biệt, nhóm nghiên cứu đã kết hợp tinh dầu hương nhu và bạch kim tạo thành một phức chất nhưng không phải tách chiết như những phương pháp đã làm trước đó.
Cùng thực hiện dự án, em Nguyễn Quang Long cho biết thêm: Ở các lần thí nghiệm khác nhau nhưng kết quả đều có giá trị giống nhau, điều đó cho thấy có thể ứng dụng trong y học. “Chúng em tin rằng, hướng nghiên cứu sẽ mở ra nhiều điều mới mẻ”, em Long chia sẻ.
Là người luôn theo sát, hướng dẫn dự án trên, PGS, TS Nguyễn Thị Thanh Chi (Trường đại học Sư phạm Hà Nội) cho biết: Chúng tôi chỉ mong muốn học sinh có hiểu biết tổng thể về việc nghiên cứu như thế nào, cách giải quyết từng vấn đề ra sao, chứ không đặt quá nặng về đoạt giải. Có được kết quả nghiên cứu tốt là sự tổng hợp của nhiều yếu tố như: Ý tưởng và cách giải quyết ý tưởng. Vì vậy, dự án của nhóm nghiên cứu đã được đánh giá khá triển vọng, bảo đảm tính khoa học cũng như tính ứng dụng thực tiễn cao. Cuộc thi cũng cho thấy, học sinh muốn giải quyết một ý tưởng không đơn thuần chỉ có kiến thức “cộng, trừ, nhân, chia” mà cần sử dụng nhiều kiến thức khác nhau, phù hợp yêu cầu đổi mới của Bộ GD và ĐT là phát triển hài hòa năng lực, sáng tạo, phẩm chất của người học.
Đáng chú ý, trong tổng số 234 dự án dự thi khu vực phía bắc, dự án “Nghiên cứu tận dụng Phytolith trong rơm rạ để cố định một số kim loại nặng và giảm phát thải CO2 từ đất” cũng xuất sắc đoạt giải nhất vòng thi toàn cuộc. Học sinh Phạm Vũ Tuấn Phong, Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, Trường đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) đại diện nhóm nghiên cứu chia sẻ: Có được thành công này là nhờ việc lựa chọn lĩnh vực nghiên cứu phù hợp năng lực bản thân, cùng với đó là sự cố gắng, phối hợp ăn ý của cả nhóm. Trong khi đó, một thành viên của nhóm em Nguyễn Bảo Ngọc cho rằng, việc lựa chọn dự án là một trong những yếu tố để thành công, nhưng cần có thêm niềm đam mê của bản thân. Em cảm thấy vinh dự và tự hào khi đã góp phần nhỏ bé trong nghiên cứu KH, KT. Thông qua cuộc thi này, chúng em đã học được nhiều điều từ thực hiện dự án, tìm tòi tài liệu đến kỹ năng giải quyết vấn đề. Mặt khác, đây là cuộc thi cấp quốc gia cho nên chúng em đã có cơ hội tiếp cận, học tập từ nhiều dự án đa dạng với cách trình bày sinh động, hấp dẫn.
Theo Bộ GD và ĐT, cuộc thi KH, KT cấp quốc gia dành cho học sinh trung học đã góp phần đổi mới phương pháp cũng như hình thức giáo dục theo hướng tích cực, đổi mới kiểm tra, đánh giá trong các trường phổ thông. Thông qua cuộc thi, không chỉ học sinh có dự án đi thi mà còn là nhân tố tác động để nhiều học sinh khác cũng có thêm động lực trong quá trình học tập, nghiên cứu khoa học. Đặc biệt, cuộc thi đã tạo môi trường tốt cho học sinh vận dụng các kiến thức đã học vào thực tiễn và thúc đẩy thực hành tiếng Anh; tăng cường mối liên hệ giữa các cơ sở giáo dục đại học với giáo dục phổ thông; khuyến khích các nhà khoa học tham gia vào đổi mới giáo dục phổ thông…
Thứ trưởng Bộ GD và ĐT Nguyễn Vinh Hiển đánh giá: Cuộc thi năm 2015-2016 đã được tổ chức tốt và có nhiều cải tiến so với những năm trước. Ban tổ chức và các đơn vị tham gia dự thi đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tổ chức cũng như điều hành quá trình chấm thi, xét giải. Cuộc thi đã được cải tiến hơn trong khâu chấm thi, xét giải, bảo đảm tính nghiêm túc, khách quan. Đáng chú ý, tiêu chí chấm thi, xét giải đã tiếp cận hơn với tiêu chí của quốc tế.
“Năm học 2012-2013 toàn quốc chỉ có 33 sở GD và ĐT tham gia với tổng số 140 dự án dự thi, thì năm học 2015-2016 có 63 sở GD và ĐT tham gia với 440 dự án dự thi KH, KT cấp quốc gia. Những học sinh đoạt giải nhất vòng thi ở cả hai khu vực phía bắc và phía nam không chỉ có cơ hội tuyển thẳng vào các trường đại học mà còn được tham dự hội thi KH, KT quốc tế được tổ chức tại Mỹ trong thời gian tới”.
Nguồn: Bộ GD và ĐT
QUÝ TÙNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét