17 thg 3, 2016

Học và thi môn sử, yêu... nhưng khó tìm việc

hứ Năm, 10/03/2016, 21:58:28
 Font Size:     |        Print
Các địa phương đã và đang tiến hành thăm dò đăng ký môn thi, cụm thi của thí sinh dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2016. Vấn đề dư luận xã hội quan tâm là, số lượng thí sinh đăng ký dự thi môn Lịch sử với mục đích xét công nhận tốt nghiệp THPT hoặc xét tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) không cao như mong đợi. Thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho thấy, trong tổng số hơn 66 nghìn thí sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia năm 2016, chỉ có 2.542 thí sinh đăng ký dự thi môn Lịch sử để xét công nhận tốt nghiệp THPT và 4.414 thí sinh đăng ký thi để xét tuyển sinh ĐH, CĐ.
Đây là con số quá thấp trong khi các môn: Toán, Văn, Ngoại ngữ có hơn 50 nghìn thí sinh lựa chọn. Còn nhớ, trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2015, có Hội đồng thi chỉ có một thí sinh thi môn Lịch sử; rồi tiếp đó là việc phản đối việc tích hợp môn Lịch sử cấp THPT cho thấy, môn học này có vẻ đang bị coi nhẹ. Nhiều chuyên gia giáo dục, nhà sử học không ít lần bày tỏ sự lo lắng và chỉ ra hàng loạt nguyên nhân, hạn chế cũng như giải pháp khắc phục tình trạng học sinh yêu sử nhưng không lựa chọn thi môn Lịch sử.
Vài năm gần đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tích cực đổi mới phương pháp dạy và học môn Lịch sử trong các trường phổ thông, gắn việc học Lịch sử với các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, như thông qua bảo tàng, âm nhạc, phim, ảnh… Có dịp dự một tiết học Lịch sử tại Trường THPT Việt Đức (Hà Nội), chúng tôi thấy giờ học diễn ra khá sôi nổi, giáo viên lồng ghép nhiều kiến thức thực tiễn để biến những sự kiện, trận đánh trong lịch sử thành các câu chuyện sinh động, ấn tượng, dễ nhớ. Nhiều học sinh cho biết, rất yêu lịch sử, giờ học môn Lịch sử được chờ đợi hơn giờ học môn khác. Nhưng cả lớp không có học sinh lựa chọn môn học này để thi, cả trường chỉ có vài em đăng ký. Do định hướng nghề nghiệp cũng như cơ hội việc làm, cho nên học sinh chủ yếu đăng ký dự thi hai môn Địa lý và Vật lý. Ngẫm kỹ, những chia sẻ của học sinh không phải không có lý. Bởi nếu cơ hội việc làm của lĩnh vực này rộng mở thì có lẽ những học sinh Trường THPT Việt Đức nói riêng, cả nước nói chung không “bỏ rơi” môn Lịch sử.
Thực tế cho thấy, tại kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia lớp 12 THPT năm 2016 vừa qua, trong khi các môn học, như Toán, Lý, Hóa, Ngoại ngữ tiếp tục có nhiều học sinh lựa chọn dự thi thì môn Lịch sử chỉ có rất ít học sinh đăng ký dự thi và cũng có một số em đoạt giải. Tuy không nhiều (sáu giải nhất) nhưng nếu có phương pháp dạy và học phù hợp, thì thi môn Lịch sử không phải khó đoạt giải cao. Kỳ thi THPT quốc gia là sự phản ánh khách quan, trung thực trong việc kiểm tra, đánh giá chất lượng học sinh. Vì vậy, trong lựa chọn môn thi, học sinh không phải chọn theo “phong trào” mà dựa trên năng lực bản thân, sự định hướng của gia đình, nhà trường. Cùng là môn học (thuộc lĩnh vực khoa học xã hội) nhưng Lịch sử mãi chịu cảnh bị “lép vế” với các môn học khác là do có rất ít trường đại học đào tạo ngành sử trong khi cơ hội việc làm, thu nhập của người học ngành này thường thấp và bấp bênh.
Thời gian vừa qua, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và dư luận xã hội đã không đồng tình với chủ trương tích hợp môn Lịch sử. Nhiều người cho rằng, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã "chiến thắng", cứ đà này chẳng mấy chốc môn Lịch sử sẽ “lên ngôi”, nhưng “chiến thắng” đó liệu có trọn vẹn khi gốc rễ vấn đề chưa được giải quyết triệt để. Vì vậy, thời gian tới, các trường đại học cần đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ phương thức đào tạo, có định hướng nghề nghiệp rõ ràng, có sự liên hệ chặt chẽ với các trường phổ thông. Có như vậy, học sinh mới yên tâm, tin tưởng và lựa chọn học và thi môn Lịch sử. Nhưng để làm được việc đó, rất cần sự vào cuộc của các nhà hoạch định chính sách cũng như ngành giáo dục và đào tạo để ban hành cơ chế, chính sách hợp lý trong đào tạo, giải quyết việc làm và cải thiện thu nhập cho những người hoạt động trong lĩnh vực này. Đây là vấn đề lớn, không thể làm ngày một ngày hai, nhưng cũng không thể chậm trễ.
Quý Tùng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét