Cùng suy ngẫm
Chủ Nhật, 24/01/2016, 21:56:19
Font Size: |
Những ngày này, nhiệt độ ở các tỉnh phía bắc xuống rất thấp, riêng các tỉnh miền núi, vùng cao như Lào Cai, Lạng Sơn, Cao Bằng… nhiệt độ giảm xuống 00C, thậm chí có nơi xuống -60C, làm đảo lộn đời sống, sinh hoạt của người dân; ảnh hưởng sức khỏe của người già, trẻ nhỏ, những người có bệnh mãn tính về hô hấp, xương khớp…
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng - Thủy văn T.Ư, tình trạng rét đậm, rét hại còn tiếp tục kéo dài trong những ngày tới, do vậy việc chống rét cho những người dễ bị tác động là rất quan trọng. Những đối tượng này cần được giữ ấm cơ thể khi thời tiết chuyển lạnh; hạn chế đi ra ngoài trời và ban đêm, sáng sớm; khi ra ngoài trời phải mặc đủ ấm, lưu ý giữ ấm bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu. Ăn uống cần đủ chất dinh dưỡng để giúp cơ thể tăng sức đề kháng.
Các cơ quan y tế cần tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân về các biện pháp phòng, chống rét. Đáng chú ý, cần cảnh báo về các tai nạn như ngộ độc khí CO do sưởi ấm bằng than tổ ong trong nhà kín; bỏng lửa do sưởi hoặc tử vong do đi ngoài trời rét; trẻ em ngạt thở do mặc quá nhiều quần áo ấm. Các cơ sở khám, chữa bệnh cần có phương án phòng, chống rét cho người bệnh, nhất là người già trong quá trình khám, điều trị; chuẩn bị đủ thuốc, giường bệnh, sẵn sàng các phương tiện để xử lý kịp thời các trường hợp cấp cứu thường gặp do thời tiết giá rét gây ra, như các bệnh tim mạch, tăng huyết áp, đột quỵ, viêm đường hô hấp cấp...
Đối với học sinh, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có quy định khi thời tiết khắc nghiệt, thiên tai, các trường chủ động cho học sinh nghỉ học và bố trí học bù vào các ngày khác nhằm bảo đảm sức khỏe cho trẻ em. Theo quy định, học sinh mầm non, tiểu học được nghỉ học khi thời tiết dưới 100C; học sinh THCS nghỉ học khi nhiệt độ dưới 70C. Quy định là thế nhưng có nhiều hôm thời tiết giảm dưới 70C, học sinh, nhất là học sinh vùng cao vẫn tới trường. Nguyên nhân là do nhiều gia đình thiếu phương tiện để tiếp nhận thông tin, giáo viên thì không thể đến từng gia đình thông báo. Tại các tỉnh miền núi phía bắc, phần lớn trường tiểu học, THCS là trường dân tộc nội trú, bán trú. Học sinh ở nội trú, thường một tuần về thăm nhà một lần, mọi sinh hoạt, học tập của các em đều diễn ra tại trường. Nhưng do một số trường chưa có điều kiện tổ chức nấu ăn cho học sinh, cho nên các em vẫn tự nấu ăn và giữ ấm trong mùa đông. Vì xa gia đình, người thân, tuổi còn nhỏ cho nên nhiều học sinh chưa biết cách nấu ăn cũng như chống rét cho bản thân…
Để chống rét cho học sinh, các trường cần chủ động theo dõi diễn biến thời tiết, kịp thời thông báo đến phụ huynh, học sinh để các em ăn đủ no, mặc đủ ấm. Đối với học sinh mầm non, tiểu học, học sinh ở nội trú, cán bộ và giáo viên nhà trường cần tăng cường kiểm tra phòng học, phòng ngủ của các em để có phương án chống rét kịp thời, hiệu quả.
Đối với học sinh bán trú ở vùng cao, nhà trường cần có phương án hỗ trợ những học sinh vẫn đến trường trong giá rét mặc đủ ấm, chở các em về nhà, hướng dẫn bố, mẹ các em một số biện pháp chống rét.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét