8 thg 12, 2015

Chấn chỉnh việc tự ý cắt xén chương trình, môn học

Thứ ba, 08/12/2015 - 09:53 PM (GMT+7)
[+] Cỡ chữ: Mặc định
Sau khi có thông tin một số trường THPT ngoài công lập trên địa bàn TP Hồ Chí Minh tự ý bỏ một số môn học và tùy tiện ghi điểm để học sinh đủ điều kiện tham dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2015, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) có công văn gửi Sở GD và ĐT thành phố Hồ Chí Minh về việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông. Theo đó, Bộ yêu cầu Sở tổ chức thanh tra để chấn chỉnh và xử lý nghiêm các vi phạm nói trên (nếu có), đồng thời thông tin trên các phương tiện truyền thông để rút kinh nghiệm. Bộ GD và ĐT khẳng định, để thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ giáo dục toàn diện học sinh theo mục tiêu chương trình giáo dục phổ thông, các trường tuyệt đối không được cắt xén chương trình, môn học đã quy định.
Những năm gần đây, trước các đợt thi tốt nghiệp THPT, Bộ GD và ĐT đều có công văn yêu cầu sở GD và ĐT các tỉnh, thành phố kiểm tra, giám sát việc thực hiện chương trình, môn học, nhất là những trường THPT ngoài công lập; tuyệt đối không cắn xén chương trình, môn học đã quy định. Ngoài ra, Bộ GD và ĐT cũng ban hành quyết định về khung thời gian năm học 2015-2016 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên. Đối với cấp THCS, THPT, có ít nhất 37 tuần thực học, bảo đảm đúng chương trình, môn học. Quy định của Bộ GD và ĐT nêu rõ thời lượng, thời gian cụ thể của năm học, nhưng năm học nào cũng xảy ra tình trạng một số trường THPT ngoài công lập vi phạm, bị nhắc nhở, chấn chỉnh. Thực tế cho thấy, ngay sau khi Bộ GD và ĐT công bố dự kiến lịch thi THPT quốc gia và thời gian xét tuyển nguyện vọng của các trường đại học, cao đẳng, có trường THPT đã tự ý bỏ một số môn học, chỉ tập trung dạy các môn học sinh thi, xét tuyển vào đại học. Đáng chú ý, để hợp thức hóa, khi kết thúc năm học, một số trường còn tùy tiện ghi điểm để học sinh đủ điều kiện tham dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 cũng như để xét tốt nghiệp và tuyển sinh vào đại học, cao đẳng.
Việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông tại một số trường THPT, nhất là trường ngoài công lập đã bộc lộ tính chất đối phó, không nghiêm túc, tạo tiền đề xấu, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục cũng như sự phát triển toàn diện của người học. Việc làm nói trên nếu không được phát hiện, chấn chỉnh kịp thời sẽ dẫn đến tình trạng tăng nguy cơ học sinh “học tủ, học lệch”. Khi ra trường, các em sẽ thiếu đi những kiến thức, kỹ năng, phẩm chất cần thiết từ các môn học khác nhau để giải quyết những công việc cụ thể.
Theo các chuyên gia giáo dục, nguyên nhân dẫn tới tình trạng nêu trên là do tính chất của kỳ thi THPT và công tác xét tuyển đại học, cao đẳng những năm gần đây có nhiều thay đổi. Bên cạnh việc các trường đại học, cao đẳng xét tuyển bằng kết quả kỳ thi THPT quốc gia, còn có nhiều trường được Bộ GD và ĐT cho phép xét tuyển bằng học bạ theo ba môn xét tuyển. Vì vậy, dư luận xã hội có quyền đặt câu hỏi, phải chăng các trường phổ thông xa rời mục tiêu giáo dục toàn diện, chỉ chăm lo để học sinh có điểm cao ở một số môn. Việc cắt xén chương trình, môn học và tùy tiện ghi điểm cho học sinh là không thể chấp nhận, khiến nhiều trường đại học xét tuyển bằng học bạ lo ngại về chuẩn “đầu vào”. Sự việc trên chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”. Vấn đề đặt ra là công tác thanh tra, kiểm tra tại các trường THPT nói chung, THPT ngoài công lập nói riêng được tiến hành như thế nào đối với công tác dạy và học của học sinh cuối cấp THPT? Sự việc cũng đặt ra đòi hỏi ngành GD và ĐT cần đổi mới thi cử hiệu quả. Đó là thi theo những gì học sinh học chứ không phải học theo những gì chỉ để thi.

QUÝ TÙNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét