22 thg 10, 2015

Đổi mới tuyển sinh, băn khoăn tự chủ

Thứ năm, 22/10/2015 - 09:18 PM (GMT+7)
[+] Cỡ chữ: Mặc định
Thí sinh nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào Trường ĐH Ngoại thương (Hà Nội).
Thí sinh nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào Trường ĐH Ngoại thương (Hà Nội).
Ngày 22-10, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) tổ chức hội nghị tổng kết năm học 2014 - 2015 và nhiệm vụ năm học 2015 - 2016 khối đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) trực tuyến tại sáu điểm cầu: Hà Nội, Thái Nguyên, Vinh, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ. Tại hội nghị, nhiều vấn đề thu hút sự chú ý quan tâm của dư luận xã hội trong đào tạo ĐH, CĐ đã được đưa ra bàn thảo, nhất là vấn đề tuyển sinh và tự chủ trong các trường ĐH, CĐ.
Trường ĐH, CĐ chủ động kế hoạch tuyển sinh
Theo Thứ trưởng Bộ GD và ĐT Bùi Văn Ga, năm học 2014 - 2015, giáo dục ĐH, CĐ trên cả nước thực hiện nhiều đổi mới đạt kết quả khả quan như: Điều chỉnh cơ cấu ngành nghề, nâng cao chất lượng đào tạo; thực hiện tự chủ, đổi mới quản trị ĐH; thực hiện kỳ thi THPT quốc gia gắn với đổi mới tuyển sinh… Trong đó, kỳ thi THPT quốc gia đã giảm áp lực, tốn kém cho thí sinh, gia đình và xã hội; góp phần thực hiện phân luồng, hướng nghiệp; hạn chế tình trạng dạy thêm, học thêm; tạo cơ hội bình đẳng cho các vùng miền trong tuyển sinh, đào tạo… Tuy nhiên, công tác tuyển sinh cũng bộc lộ bất cập khi quá trình thay đổi đăng ký xét tuyển của thí sinh gây tốn kém và bức xúc trong dư luận xã hội; thời gian đăng ký xét tuyển và số lượng nguyện vọng chưa hợp lý. Trong khi đó, cơ sở dữ liệu và phần mềm xét tuyển chung gây nên những bất cập cho các trường và thí sinh… Trước những bất cập của kỳ thi THPT quốc gia, năm 2016, Bộ GD và ĐT dự kiến có một số điều chỉnh. Trong đó, sau khi có kết quả kỳ thi THPT, các trường ĐH, CĐ tự tổ chức tuyển sinh, tự quy định hình thức, điều kiện, thời gian đăng ký xét tuyển của thí sinh. Bộ GD và ĐT chỉ quy định thời gian bắt đầu và thời gian báo cáo kết quả tuyển sinh; quy định ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào (điểm sàn); đưa ra một số quy định nhằm giảm rủi ro cho thí sinh và giảm thí sinh ảo cho các trường…
Trước những dự kiến thay đổi trong tuyển sinh của Bộ GD và ĐT, nhiều ý kiến của các cơ sở đào tạo cho rằng, từ năm 2016, Bộ GD và ĐT cần bớt “ôm đồm” việc hơn. Đưa ra nhận xét Việt Nam nằm trong một số ít quốc gia có kỳ thi luôn là một sự kiện nóng bỏng, nặng nề, gây nhiều bàn cãi, Hiệu trưởng Trường ĐH FPT Lê Quang Minh cho rằng: Công tác thi, tuyển sinh cần thay đổi không nên tập trung quá nhiều vào một thời điểm. “Ở nhiều nước, sau giai đoạn phổ thông, học sinh có quãng thời gian ngưng nghỉ, tham gia hoạt động xã hội hoặc tìm hiểu thế giới bên ngoài. Trong khi đó, học sinh Việt Nam cứ hì hục thi, tuyển sinh vào ĐH” - ông Minh chia sẻ. Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Hàng hải Việt Nam Lê Quốc Tiến cho rằng, nên giao cho các trường tự xây dựng phương án xét tuyển rồi báo cáo Bộ GD và ĐT nhằm tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Đáng chú ý, để tạo điều kiện cho thí sinh nắm bắt và hiểu rõ các thông tin, quy định, Bộ GD và ĐT cần duy trì ban hành cuốn "Những điều cần biết về tuyển sinh" với các thông tin sâu và chi tiết hơn những năm trước đây. Hiệu trưởng Trường CĐ Du lịch Hà Nội Trịnh Cao Khải nhìn nhận, trong bối cảnh thí sinh không mấy hào hứng với hệ đào tạo CĐ, Bộ GD và ĐT cần thay đổi cách tính điểm sàn sao cho khoảng cách điểm sàn ĐH và CĐ lớn hơn hoặc để các trường CĐ tự xác định phương án điểm sàn mới có thể tuyển sinh tốt được. Ngay tại Trường CĐ Du lịch Hà Nội, mặc dù số hồ hơ đăng ký xét tuyển khá cao (khoảng hai nghìn) nhưng đến khi tuyển sinh thì có tới 30% là hồ sơ ảo, gây khó khăn cho trường.
Cần gỡ khó khi tự chủ toàn diện
Theo đánh giá của Bộ GD và ĐT, nhiều hoạt động tăng tự chủ cho các trường ĐH, CĐ đã được triển khai trong năm học vừa qua. Các cơ sở đào tạo đã tích cực chủ động phát triển chương trình đào tạo và xây dựng chuẩn đầu ra. Hiện nay, các trường đang triển khai đào tạo 6.569 lượt ngành đào tạo ĐH, CĐ; 1.185 lượt ngành, chuyên ngành thạc sĩ và 894 lượt ngành, chuyên ngành tiến sĩ; nhiều cơ sở đào tạo triển khai theo hướng chuẩn quốc tế… Việc xây dựng và công bố chuẩn đầu ra của các trường ĐH, CĐ bước đầu nâng cao được nhận thức về trách nhiệm xã hội và cam kết đối với người học. Đáng chú ý, sau khi Chính phủ ban hành nghị quyết về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với cơ sở giáo dục ĐH công lập giai đoạn 2014 - 2017, nhiều trường đã có đề án và được giao quyền tự chủ mức cao hơn về hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, thu học phí cao hơn so với quy định chung. Đến nay, đã có 12 trường ĐH được Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện thí điểm tự chủ.
Tuy nhiên, việc triển khai tự chủ cũng gây nhiều băn khoăn cho các trường. Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội Nguyễn Đức Hinh phân tích: Tự chủ là cần thiết, nhưng đối với ngành y còn nhiều điều đặt ra. Vì ngành y có sự nhạy cảm nhất định khi sinh viên phải học tới sáu năm và vẫn phải kéo dài thời gian hơn nữa mới “thành nghề”. Nếu trường được tự chủ, học phí sẽ tăng cao. Tuy nhiên, sức chịu đựng của xã hội, việc làm của sinh viên sau khi ra trường với thời gian học kéo dài và số tiền học phí lớn là vấn đề đặt ra. Vì vậy, cần đẩy mạnh hệ thống hỗ trợ tài chính cho sinh viên một cách hiệu quả, thiết thực. Hiệu trưởng Trường ĐH Lâm nghiệp Trần Văn Chứ cho rằng, để các cơ sở đào tạo tự chủ hiệu quả cần điều chỉnh, ban hành lại hệ thống văn bản quy phạm pháp luật cho thống nhất. Từ đó, việc tự chủ phải được thực hiện đồng bộ từ nguồn lực đến tuyển sinh và học thuật… Hiệu trưởng Trường CĐ Du lịch Hà Nội Trịnh Cao Khải nhìn nhận dưới góc độ tâm lý xã hội chủ yếu quan tâm đến ĐH chứ ít quan tâm đến hệ đào tạo CĐ; trong khi đào tạo CĐ nội dung thực hành nhiều mà học phí lại thấp, cho nên nếu thực hiện tự chủ ngay sẽ gây nhiều khó khăn cho các trường. “Nếu Trường CĐ Du lịch Hà Nội tự chủ thì không biết 300 cán bộ, giảng viên sẽ như thế nào” - ông Khải chia sẻ.
Theo Bộ trưởng GD và ĐT Phạm Vũ Luận, trên tinh thần đóng góp ý kiến của các trường, Bộ sẽ bàn bạc cụ thể từng vấn đề. Những hạn chế yếu kém sẽ được xử lý, nghiêm túc rút kinh nghiệm, không xuê xoa để từng bước khắc phục nhằm nâng cao chất lượng giáo dục ĐH, CĐ.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam:
Kỳ thi năm tới sẽ kế thừa những thành công của năm nay, đồng thời khắc phục hạn chế, bảo đảm công bằng, nhẹ nhàng. Tuyển sinh phải trên tinh thần tự chủ. Các trường cần khẩn trương xây dựng đề án và có thể thực hiện từng phần. Việc tự chủ cần làm mạnh vì đó là quyền lợi của các trường. Nếu tự chủ, các trường không chỉ thu được học phí, có tiền liên kết doanh nghiệp trong đào tạo, mà còn có được sự chủ động, không phải cái gì cũng đi xin như trước đây.
Mục đích cuối cùng là làm sao kỹ sư ra kỹ sư, thạc sĩ ra thạc sĩ, tiến sĩ ra tiến sĩ; và nếu chúng ta làm được như vậy thì kinh tế - xã hội sẽ phát triển, việc làm sẽ nhiều hơn.
BÀI, ẢNH: MẠNH XUÂN, QUÝ TÙNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét