3 thg 6, 2015

Gỡ vướng để phát triển giáo dục ở vùng cao

Thứ tư, 03/06/2015 - 12:14 PM (GMT+7)
[+] Cỡ chữ: Mặc định    
Nhiều học sinh là người dân tộc chăm chú lắng nghe về việc đổi mới giáo dục và kỳ thi THPT quốc gia năm 2015.
Nhiều học sinh là người dân tộc chăm chú lắng nghe về việc đổi mới giáo dục và kỳ thi THPT quốc gia năm 2015.

NDĐT- Còn gần một tháng nữa sẽ diễn ra kỳ thi THPT quốc gia năm 2015. Với đặc thù tỉnh vùng cao, dân cư phân tán, giao thông đi lại cũng như điều kiện dạy và học còn nhiều khó khăn, nhưng bằng sự nỗ lực, cố gắng, Hà Giang đã cơ bản hoàn tất công tác chuẩn bị thi, tập trung ôn tập cho học sinh. Tuy nhiên, các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh Hà Giang vẫn còn nhiều băn khoăn về những đổi mới trong kỳ thi sắp tới cũng như một số vấn đề liên quan đến việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa (CT, SGK) mới, bắt đầu triển khai áp dụng từ năm học 2018-2019.
Điều chỉnh đề thi phù hợp
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) tỉnh Hà Giang Vũ Văn Sử cho biết: Hà Giang có tổng số 6.504 thí sinh dự kỳ thi THPT quốc gia. Do mặt bằng kiến thức còn hạn chế, cho nên phần lớn học sinh đăng ký cụm thi do Sở GD và ĐT chủ trì (4.014 em). Số thí sinh còn lại dự thi để lấy kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) sẽ thi tại cụm thi do Trường ĐH Tân Trào (Tuyên Quang) chủ trì. Để tạo thuận lợi cho thí sinh đi lại, ăn, ở thuận tiện, Hà Giang đã có kế hoạch bố trí xe ô-tô, cử giáo viên đưa, đón các em đi thi.
Mặc dù địa phương đã có sự chuẩn bị chu đáo nhưng do là kỳ thi có nhiều điểm mới cho nên một số giáo viên, học sinh vẫn còn băn khoăn. Từ TP Hà Giang, sau hơn ba giờ vượt quãng đường khoảng 100 km, với nhiều khúc cua tay áo, chúng tôi đã đến được trung tâm huyện Yên Minh. Trao đổi ý kiến với chúng tôi, em Thào Mi Dính, lớp 12 (Trung tâm GDTX huyện Yên Minh) lo lắng: “Điểm khác biệt của kỳ thi năm nay là thí sinh dự thi có nguyện vọng chỉ xét công nhận tốt nghiệp THPT nhưng phải thi chung đề với thí sinh dự thi để xét tuyển sinh ĐH, CĐ. Vì vậy, đề thi sẽ khó so với trình độ của những học sinh như Dính”. Nhiều học sinh khác khi được hỏi đều bày tỏ băn khoăn vì không biết phải ôn tập như thế nào để có thể đáp ứng yêu cầu đề thi năm nay? Sự lo lắng của học sinh cũng là lo lắng chung của không ít cán bộ, giáo viên. Nhiều thầy giáo, cô giáo cho biết, đề thi minh họa của Bộ GD và ĐT đưa ra để các trường tham khảo, làm thử khá khó, có câu học sinh không làm được. Vì vậy, trong đề thi chính thức tới đây, Bộ GD và ĐT cần điều chỉnh phù hợp hơn để những học sinh dự thi với mục đích chỉ xét công nhận tốt nghiệp THPT cũng có thể làm được.
Trước băn khoăn của học sinh, giáo viên về đề thi và cách thức ôn tập, Bộ trưởng GD và ĐT Phạm Vũ Luận chia sẻ: Thực tế, ở các trung tâm GDTX còn nhiều khó khăn hơn so với các trường THPT, cho nên trong công tác đề thi, Bộ GD và ĐT đã chỉ đạo bộ phận ra đề tính toán để phù hợp với học sinh học tại trung tâm GDTX. Khác với những năm trước, kết quả thi năm nay phục vụ cho hai mục đích: Xét công nhận tốt nghiệp THPT; làm căn cứ để xét tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ. Kỳ thi được xây dựng nhẹ nhàng hơn với đề thi có sự phân hóa; nội dung đề thi cơ bản nằm trong chương trình lớp 12, có phần khó, phần dễ; giảm sự căng thẳng, tốn kém cho thí sinh và xã hội. Để thí sinh dự thi hiệu quả, trong quá trình ôn tập, giáo viên và học sinh có thể tham khảo qua hai nguồn tài liệu là đề thi minh họa đã được Bộ GD và ĐT ban hành và đề thi của năm trước. Đề thi năm nay cũng dựa trên mẫu hình đề thi năm trước, liều lượng kiến thức có thể tăng, giảm ở từng phần, tuy nhiên sự khác biệt không nhiều.
Thay đổi cách dạy học đáp ứng CT, SGK mới
Bên cạnh sự chuẩn bị, lo lắng về kỳ thi THPT quốc gia, giáo viên, học sinh tỉnh Hà Giang còn quan tâm đến việc đổi mới CT, SGK. Cô giáo Trịnh Xuân Hòa, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Yên Minh cho biết, từ năm học 2018-2019 bắt đầu triển khai áp dụng CT, SGK mới nhưng nhà trường chưa rõ những nhiệm vụ chính thực hiện; giáo viên, học sinh cần phải chuẩn bị những gì để đáp ứng được yêu cầu nói trên. Trong khi đó, cô giáo Nguyễn Thị Nhung, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú cấp hai, ba Yên Minh thì cho rằng, hiện nay mặt bằng chung của học sinh là còn thiếu nhiều kỹ năng, nhất là kỹ năng tư duy tổng hợp. Vì vậy, trong thời gian chờ CT, SGK mới, giáo viên, học sinh cần biết mình phải chuẩn bị những gì và triển khai như thế nào?
Giải đáp những băn khoăn nói trên, Bộ trưởng GD và ĐT Phạm Vũ Luận khẳng định: Đổi mới giáo dục lần này không chỉ đổi mới CT, SGK vì đó chỉ là một nội dung trong quá trình đổi mới. Nghị quyết số 29 của T.Ư Đảng đã nêu rõ: Việc đổi mới GD và ĐT phải chuyển từ truyền thụ kiến thức một chiều sang nền giáo dục chú trọng phát triển năng lực, kỹ năng, phẩm chất của người học. Trong lúc chờ CT, SGK mới, Bộ GD và ĐT tiến hành đồng thời việc đổi mới thi theo cách vận dụng kiến thức vào giải quyết vấn đề thực tiễn. Thực tế cho thấy, trước đây các thầy giáo, cô giáo khi lên lớp chủ yếu là giải thích lại những điều được viết trong SGK và yêu cầu học sinh ghi nhớ. Theo đó, nếu học sinh trả lời càng đủ các ý, giống SGK thì được giáo viên đánh giá cao, chấm điểm cao. Tuy nhiên, trước yêu cầu đổi mới, cách dạy trên không khuyến khích được sự sáng tạo của học sinh, cần phải thay đổi cho phù hợp. Vì vậy, người dạy không chỉ có nhiệm vụ dạy chữ mà còn là cố vấn, hướng dẫn học sinh tự học, học theo nhóm.
Thực tế, Bộ GD và ĐT đã thực hiện việc giảm tải nội dung từ nhiều năm nay, đồng thời triển khai mô hình trường học mới; áp dụng phương pháp dạy học tích hợp ngày càng có hiệu quả. Trên nền tảng đó, Bộ GD và ĐT đã thay đổi cách ra đề thi tốt nghiệp THPT và thi tuyển sinh ĐH, CĐ. Đề thi không yêu cầu học sinh phải học thuộc lòng, tránh tình trạng các em mang “phao” vào phòng thi. Cách ra đề thi nói trên đã tác động tích cực, thay đổi hẳn cách dạy, cách học truyền thống; qua đó, các trung tâm luyện thi ĐH cũng giảm đáng kể. Hiện nay, Bộ GD và ĐT đang phối hợp Tập đoànViễn thông Quân đội, Đài Truyền hình Việt Nam phát sóng những chương trình, bài giảng mẫu tiếp cận CT, SGK mới theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất người học. Vì vậy, các trường cần chủ động, sáng tạo cập nhật cách dạy nói trên để giảng dạy cho học sinh đạt hiệu quả. Ngành GD và ĐT Hà Giang cần chuẩn bị các điều kiện tốt nhất cho kỳ thi sắp tới; đổi mới phương pháp dạy và học; tăng cường ôn tập cho học sinh; tư vấn, phân luồng học sinh đi học đại học, học nghề hiệu quả...
QUÝ TÙNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét