17 thg 3, 2015

Ðể việc thi theo cụm không còn là nỗi lo

Thứ sáu, 13/03/2015 - 10:04 PM (GMT+7)
[+] Cỡ chữ: Mặc định    

Khác với các năm trước, tại kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 sẽ có hai loại cụm thi. Cụm thi thứ nhất, dành cho các thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh đại học, cao đẳng (ÐH, CÐ) (tổ chức thi cho thí sinh của ít nhất hai tỉnh, thành phố) do trường đại học (ÐH) chủ trì. Cụm thi còn lại, dành cho các thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT (tổ chức thi tại trường hoặc liên trường phổ thông của tỉnh) do Sở Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT) chủ trì. Hai loại cụm thi đã rõ, nhưng điều băn khoăn, lo lắng của không ít học sinh, giáo viên là việc lựa chọn cụm thi và bố trí cụm thi cũng như chất lượng tại hai cụm thi nói trên như thế nào?
Về bản chất, thí sinh tham dự cụm thi do Sở GD và ÐT chủ trì vẫn có cơ hội được xét tuyển vào các trường ÐH, CÐ có đề án tuyển sinh riêng. Tuy nhiên, cơ hội của các thí sinh ở cụm thi này sẽ hạn chế hơn cụm thi do trường ÐH, CÐ chủ trì phải phụ thuộc vào quy định của các trường ÐH, CÐ đó. Vì vậy, trước khi đăng ký tham dự kỳ thi, thí sinh cần cân nhắc kỹ để phù hợp với nguyện vọng, năng lực cá nhân cũng như điều kiện của gia đình.
Thực tế cho thấy, mô hình tổ chức các cụm thi trong kỳ thi ÐH, CÐ không phải là việc làm mới. Từ năm 2003, cùng với việc nhiều trường ÐH, CÐ tổ chức thi tuyển sinh vào trường mình, Bộ GD và ÐT đã tổ chức thi theo các cụm thi liên tỉnh ở Cần Thơ, TP Quy Nhơn (Bình Ðịnh), TP Vinh (Nghệ An). Trên cơ sở những thành công của việc tổ chức các cụm thi, để tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh, năm 2012 Bộ GD và ÐT tổ chức thêm cụm thi tại Hải Phòng. Việc tổ chức thi tuyển sinh theo các cụm thi đã được các trường ÐH, CÐ trong cả nước tin tưởng và dư luận xã hội ghi nhận, đánh giá cao.
Việc mở rộng các cụm thi trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 là kế thừa những ưu điểm của mô hình tổ chức cụm thi trong kỳ thi tuyển sinh ÐH, CÐ trước đây. Vì vậy, việc tổ chức thi tại các cụm nói trên đều theo quy trình giống nhau được quy định trong quy chế thi, bảo đảm sự nghiêm túc, tạo sự thuận lợi cho việc dự thi của thí sinh. Ðáng chú ý, những thí sinh có nguyện vọng xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh ÐH, CÐ thì bắt buộc phải đăng ký thi tại cụm thi do trường ÐH chủ trì. Tuy nhiên, những thí sinh chỉ có nguyện vọng xét tốt nghiệp THPT, ngoài cụm thi do Sở GD và ÐT chủ trì, vẫn có thể thi tại cụm thi ÐH nhằm giảm áp lực, tốn kém cho thí sinh cũng như các địa phương. Ðối với những tỉnh liền kề, tỉnh nào hội tụ các điều kiện về năng lực, cơ sở vật chất sẽ được Bộ GD và ÐT lựa chọn đặt cụm thi. Riêng Hà Nội, TP Hồ Chí Minh có thể hình thành nhiều cụm thi nhằm đáp ứng nhu cầu tuyển sinh vào các trường ÐH, CÐ của thí sinh. Ðây là thông tin mới nhất vừa được Bộ GD và ÐT công bố nhằm "xoa dịu" nỗi lo tâm lý cho học sinh trong việc lựa chọn môn thi, cụm thi. Với động thái này, rõ ràng, việc thành lập cụm thi do Sở GD và ÐT chủ trì chỉ là giải pháp tình thế, "bất đắc dĩ" để phục vụ nhu cầu khoảng 20% thí sinh không thi ÐH hằng năm.
Theo các chuyên gia, điều lo ngại nhất hiện nay là, tại các cụm thi do Sở GD và ÐT chủ trì, cách thức tổ chức, công tác bảo đảm an ninh trật tự được tăng cường, bố trí ra sao? Việc phối hợp giữa Sở GD và ÐT với các trường ÐH về công tác coi thi, chấm thi có bảo đảm tính nghiêm túc, khách quan? Những lo ngại nói trên hoàn toàn có cơ sở bởi thực tế, tại kỳ thi tốt nghiệp THPT trước đây, hiện tượng giám thị, thí sinh vi phạm quy chế thi còn diễn ra phổ biến do việc coi thi còn lơ là, thiếu nghiêm túc. Mặt khác, nhiều chuyên gia giáo dục cũng lo ngại, nếu sự phối hợp ở cụm thi do Sở GD và ÐT chủ trì thiếu chặt chẽ, không nghiêm túc sẽ có thể xảy ra hiện tượng tiêu cực, chất lượng thi không bảo đảm, đồng đều! Dư luận xã hội sẽ phản ứng ra sao nếu chất lượng thi ở cụm thi do Sở GD và ÐT chủ trì cao hơn chất lượng thi do trường ÐH chủ trì? Bộ GD và ÐT chấp thuận cho thí sinh chỉ có nhu cầu xét công nhận tốt nghiệp được dự thi tại cụm thi do trường ÐH chủ trì. Tuy nhiên, đối với những thí sinh có nguyện vọng xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh ÐH, CÐ thì bắt buộc phải dự thi tại cụm thi do trường ÐH chủ trì. Như vậy, với số lượng rất ít thí sinh có nguyện vọng chỉ đăng ký thi tại cụm thi do Sở GD và ÐT chủ trì (nhiều khả năng sẽ có cụm thi có ít thí sinh, thậm chí chỉ một vài thí sinh) thì cách xử lý tình huống này ra sao cũng đang là vấn đề còn nhiều băn khoăn. Vì vậy, Bộ GD và ÐT cần đưa ra các yêu cầu cao hơn để các trường ÐH uy tín lựa chọn cán bộ coi thi đủ năng lực làm công tác coi thi, chấm thi tại các cụm thi nói trên; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để bảo đảm tính khách quan, sự kỷ cương, nghiêm túc cũng như chất lượng kỳ thi. Mặt khác, Bộ GD và ÐT cần sớm công bố cụm thi, bố trí cụm thi; tổ chức sớm cho thí sinh nộp hồ sơ đăng ký dự thi nhằm nắm được số lượng thí sinh dự thi tại cụm thi do trường ÐH cũng như Sở GD và ÐT chủ trì để có thời gian điều chỉnh, bố trí cho phù hợp, kịp thời.
Tin rằng, với sự vào cuộc quyết liệt của Bộ GD và ÐT, sự chuẩn bị chu đáo của các tỉnh, thành phố, học sinh, phụ huynh và người dân cả nước sẽ yên tâm về kỳ thi năm nay.
QUÝ TÙNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét