4 thg 3, 2014

Rèn chữ cho học sinh tiểu học

Thứ ba, 04/03/2014 - 02:27 AM (GMT+7)
[+] Cỡ chữ: Mặc định    
Giờ tập viết chữ của học sinh lớp 1 Trường tiểu học Tràng An (Hà Nội).
Giờ tập viết chữ của học sinh lớp 1 Trường tiểu học Tràng An (Hà Nội).

Hiện nay, có nhiều ý kiến trái chiều chung quanh việc rèn chữ đẹp đối với học sinh tiểu học. Có ý kiến cho rằng, ép học sinh viết chữ đẹp bây giờ là "lạc hậu", có thể làm chậm tư duy của các em vì đã có máy vi tính thay thế... Tuy nhiên, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) khẳng định, việc rèn chữ cho học sinh tiểu học là cần thiết nhưng các cơ sở giáo dục không quá sa đà "vì" chữ đẹp.
Không sa đà "vì" chữ đẹp
Nguyên Bộ trưởng Giáo dục, GS, VS, NGND Phạm Minh Hạc chia sẻ: Việc rèn chữ cho các em học sinh tiểu học dù ở thời điểm nào cũng rất cần thiết. Có lẽ thế hệ trẻ bây giờ không biết đến thuật ngữ "viết ngoáy, viết thoắng".
Trước đây, chúng tôi thường dùng những từ này khi học lên lớp cao hơn, lượng kiến thức rộng hơn thì bắt buộc phải viết nhanh, tất nhiên chữ sẽ xấu hơn. Tuy nhiên, dù tôi và những người cùng học khi đó "viết ngoáy hay viết thoắng" thì chữ viết vẫn bảo đảm sạch sẽ, ai cũng có thể đọc được. Theo tôi, tâm lý chung của giáo viên khi chấm bài thi, bài kiểm tra đều thích chữ đẹp hoặc là dễ đọc. Nếu hai bài văn hay như nhau, bài có chữ đẹp hoặc trình bày sạch sẽ, giáo viên sẽ chấm điểm cao hơn. Đó là chuyện bình thường. "Nét chữ -Nết người" là nói cho nó có vần chứ không phản ánh đúng được bản chất của một đứa trẻ và kể cả là người lớn.
Tuy nhiên, thông qua việc rèn chữ cũng giúp học sinh có tính cẩn thận, ý thức trong học tập và các hoạt động khác.
Chẳng hạn, bạn làm việc trong một khu công nghiệp, nếu bạn không có tính cẩn thận, chỉ cần sai một công đoạn là cả dây chuyền phải dừng lại. Trở lại việc rèn chữ, tôi nghĩ các cơ sở giáo dục không nên quá sa đà vào việc ép học sinh viết chữ đẹp, mà cần phân bổ lịch dạy hợp lý theo chương trình.
Học sinh viết chữ đẹp mà vẫn hiểu được điều cô nói thì đấy là điều đáng mừng. Tuy nhiên, không phải vì thế mà nhà trường không rèn chữ cho những học sinh có chữ viết cẩu thả, khó đọc.
Hiệu trưởng Trường tiểu học Tràng An (Hà Nội) Lê Minh Sơn cho biết: Luyện chữ đẹp là rèn cho học sinh sự cần mẫn, tính kiên trì và sự chỉn chu. Tuy nhiên, các thầy giáo, cô giáo phải giúp trẻ thấy yêu con chữ, từ đó các em học sinh sẽ thích thú với việc luyện chữ đẹp. Trẻ phải được khuyến khích viết chữ đẹp, đúng quy chuẩn để tạo thành nếp ngay từ thuở bé.
"Rèn chữ đẹp đã có từ lâu, nó là một phần văn hóa của người Việt Nam. Việc rèn chữ đẹp cũng giống như rèn luyện tính cách con người vậy. Nếu đã là văn hóa của người Việt Nam, thì tại sao lại mang ra bàn luận chuyện bỏ hay giữ?" - Cô giáo Nguyễn Thị Dương, giáo viên Trường tiểu học Lê Văn Tám (Hà Nội), đã về hưu, chia sẻ. Tuy nhiên, chị Nguyễn Thị Hương, phụ huynh học sinh lớp 1, Trường tiểu học Tràng An tỏ ra lo lắng: "Khi mà các con nắn nót để viết chữ đẹp, vô hình trung làm chậm tư duy của trẻ, bởi các em phải tập trung vào nét chữ, mà không tập trung vào nội dung bài học để tư duy.
Thực tế, tư duy là yếu tố quan trọng hàng đầu trong giáo dục bởi nó làm cho học sinh trở nên thông minh".
Rèn chữ không làm chậm tư duy của trẻ
Trao đổi ý kiến với chúng tôi, Phó Vụ trưởng Giáo dục tiểu học, Bộ GD và ĐT Trần Thị Thắm cho biết: Yêu cầu viết chữ đối với học sinh hiện nay là cần thiết, trong đó có viết chữ đẹp. Nói việc rèn chữ đẹp, luyện chữ đẹp sẽ gây áp lực, chậm tư duy của trẻ là không có cơ sở. Thực tế, ở cấp tiểu học không có môn học nào là môn "luyện chữ đẹp", mà chỉ có môn Tiếng Việt, trong đó có hoạt động tập viết.
Luyện chữ đẹp là cụm từ thường dùng ở các trung tâm ngoài cơ sở giáo dục. Một số ý kiến cho rằng, "nếu viết xấu thì sẽ bị giáo viên trừ điểm" là hoàn toàn không đúng. Bởi thực tế, môn Tiếng Việt ở cấp tiểu học có mục tiêu là hình thành cho học sinh các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết.
Trong các kỹ năng đó, học sinh được rèn luyện kỹ năng viết thông qua hoạt động tập viết ở các lớp 1, 2 và 3; viết chính tả ở các lớp 4, 5.
Theo đó, học sinh được học cách viết từ nét cơ bản, viết chữ cái, viết âm vần, viết chữ thường, đúng nét, đúng "luật" chính tả; thể hiện được kết quả của việc thu nhận thông tin và ý định truyền đạt thông tin qua văn bản viết của các em. Học sinh từ lớp 1 đến lớp 3 có vở tập viết, phải viết theo mẫu và có tính điểm chữ đẹp. Học sinh lớp 4, lớp 5 viết chính tả và chỉ tính điểm viết chính tả. Do đó, khi đánh giá năng lực học sinh tiểu học, giáo viên phải căn cứ từ điểm tập viết, điểm chính tả của các em. Các môn học khác không tính điểm chữ đẹp cho nên không có chuyện trừ điểm. Nếu đạt được những yêu cầu đó mà các em viết được chữ đẹp thì càng tốt.
Bà Trần Thị Thắm khẳng định: Các cơ sở giáo dục tiểu học nếu thực hiện nghiêm túc việc dạy tập viết và viết chính tả cho học sinh theo chương trình của Bộ GD và ĐT thì học sinh sẽ viết đúng, nhiều em viết chữ đẹp. Bộ GD và ĐT không khuyến khích học sinh đi "luyện" chữ ở các cơ sở bên ngoài nhà trường. Việc dạy học sinh tập viết ở trường tiểu học được thực hiện theo quy trình khoa học, phù hợp với sự phát triển tâm, sinh lý của trẻ và cũng có tác dụng rèn tính cẩn thận, chính xác, góp phần phát triển khiếu thẩm mỹ của học sinh.
Chúng ta thường nói: "Nét chữ - Nết người" là vì như vậy.
Nhưng cũng chính vì năng khiếu không giống nhau cho nên không thể có chuyện các em học sinh đều viết được chữ đẹp như nhau. Bộ GD và ĐT yêu cầu: Các cơ sở giáo dục phải thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo về dạy môn Tiếng Việt, không được sa đà "vì" chữ đẹp mà cắt giảm các tiết học khác.
Thực tế cho thấy, thời lượng dạy và học môn Tiếng Việt đã được Bộ GD và ĐT tính toán khoa học, bảo đảm cho tất cả học sinh hình thành được kỹ năng cần thiết theo từng cấp, lớp học.
QUÝ TÙNG VÀ THANH MAI

1 nhận xét:

  1. Tôi thấy viết dạy viết chữ đẹp cho học sinh tiểu học rất tốt, vừa rèn cho trẻ tính kiên nhẫn và giúp xây dựng tính cách sau này

    Trả lờiXóa