Chủ nhật, 15/09/2013 - 01:44 AM (GMT+7)
Những năm vừa qua, người dân ở một số huyện ngoại thành Hà Nội tập trung phát triển mạnh giống nhãn chín muộn (NCM). Ðể cây NCM phát triển bền vững, có thương hiệu, ổn định "đầu ra", TP Hà Nội đã đưa giống này vào đề án phát triển một số loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao giai đoạn 2012 - 2016.
Những ngày giữa tháng 8 vừa qua, chúng tôi có dịp về thăm một số vùng NCM ở huyện Quốc Oai và Hoài Ðức (Hà Nội). Tại xã Ðại Thành, huyện Quốc Oai, nhiều người ngỡ ngàng vì thời điểm trung tuần tháng 8 các địa phương cơ bản thu hoạch nhãn xong, còn NCM ở đây mới bắt đầu "vào nước". Băng qua nhiều vườn NCM vàng óng, trĩu quả, nhiều chủ vườn ước tính với chúng tôi sản lượng bình quân năm 2013 mỗi cây đạt khoảng năm tạ trở lên, cá biệt có cây đạt gần hai tấn quả. Ðến thăm vườn NCM của gia đình anh Nguyễn Văn Diễn, thôn Ðại Tảo, xã Ðại Thành ai cũng hết lòng khen ngợi vườn nhãn sai trĩu quả, nhất là cây nhãn dòng quả méo khoảng 30 năm tuổi, bình quân mỗi năm cho sản lượng đạt gần hai tấn. Anh chia sẻ: Nếu không áp các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất thì NCM không đẹp và sai quả như thế này. Theo anh Diễn, sau khi thu hoạch nhãn một thời gian, đến cuối tháng 11 mình phải "đuổi" được ba lứa lộc, sau đó nhìn kỹ mầu lá để lên phương án nên xả nước hay phanh nước cho phù hợp. Những cây cao thì áp dụng kỹ thuật tỉa cành, hạ thấp cành... Nhờ đó, hằng năm vườn NCM nhà anh Diễn luôn ra nhiều hoa, sai quả. Anh Diễn cho biết thêm, gần 20 năm trồng NCM,
"đầu ra" của gia đình và người dân ở đây luôn ổn định, nhiều thương lái sợ không lấy được hàng cho nên thường đặt cọc tiền trước. Ước tính năm nay, trừ chi phí, 16/25 cây NCM có quả, gia đình thu về khoảng 200 triệu đồng.
Chủ tịch UBND xã Ðại Thành Nguyễn Huy Anh cho chúng tôi biết: Diện tích NCM ở Ðại Thành khoảng 115 ha, 34 ha mới được quy hoạch thêm từ năm 2012, chiếm hơn một phần hai diện tích đất tự nhiên. Trước năm 1985, người dân trồng nhiều dòng nhãn khác nhau. Sau này khi người dân và các nhà chuyên môn phát hiện xã có cây nhãn tổ thơm ngon, chín muộn, sai quả cho nên nhân dân đã cải tạo nhân rộng mạnh từ đó đến nay. Năm 2012, giống NCM ở đây cho sản lượng 800 tấn với doanh thu 20 tỷ đồng, chiếm một phần ba tổng doanh thu của xã. Ước tính năm 2013, sản lượng NCM của xã sẽ tăng, đạt khoảng một nghìn tấn quả, doanh thu khoảng 30 tỷ đồng. Bác Nguyễn Văn Ðoàn (thôn Ðại Tảo) có cây nhãn tổ 120 năm tuổi cho biết: Cây nhãn tổ này được Viện Nghiên cứu Rau quả và TP Hà Nội công nhận là giống NCM lâu đời nhất. Ðể bảo tồn nguồn gốc dòng nhãn đặc biệt này, Trung tâm Phát triển Cây trồng Hà Nội đã giúp xã thực hiện vườn nhãn đầu dòng. Trao đổi ý kiến với chúng tôi, anh Nguyễn Văn Thành, thôn Ðại Tảo tâm sự: Gia đình có hơn 100 cây nhãn, trong đó phần lớn là NCM có tuổi đời khoảng 16 năm. Vườn nhãn của gia đình được nhân rộng từ cây nhãn tổ 120 năm tuổi. NCM có giá trị kinh tế cao hơn từ 1,5 đến 2 lần so với nhãn thông thường. Thời điểm này, nhãn thông thường có giá từ 25 đến 30 nghìn đồng/kg, NCM khi thu hoạch cuối tháng chín, đầu tháng 10 thường có giá 45 đến 60 nghìn đồng/kg. Anh Thành cho biết, trừ chi phí mỗi năm gia đình thu nhập hơn 300 triệu đồng. Cùng đi với đoàn, anh Chu Công Tuyền, cán bộ Trung tâm Phát triển Cây trồng Hà Nội khẳng định, ở xã Ðại Thành, duy nhất chỉ có vườn NCM nhà anh Thành mới được phép cấp mắt ghép nhân rộng bởi gia đình có gần 20 cây nhãn đầu dòng.
Rời Ðại Thành, chúng tôi đến thăm vùng NCM tại thôn Lại Dụ, xã An Thượng, huyện Hoài Ðức. Tiếp chúng tôi, ông Triệu Tiến Ích, Chủ tịch Hội Sản xuất và Kinh doanh NCM Hoài Ðức, chủ trang trại NCM Lại Dụ cho biết: Diện tích NCM của hội khoảng 50 ha, sản lượng năm 2013 ước đạt 500 tấn. Ở đây tư thương đến tận vườn thu mua thông qua sàn giao dịch thành phố. Bên cạnh việc nâng cao năng suất, chất lượng, hội thường xuyên tập huấn kỹ thuật cho người nông dân như chăm sóc, chiết, ghép mắt, cành. Bình quân mỗi năm hội đã cung ứng hơn 100 nghìn cây giống cho các tỉnh phía bắc; ở phía nam cũng có một số người dân đưa cây NCM vào trồng thử nghiệm. Có mặt tại trang trại NCM Lại Dụ, ông Nguyễn Trọng Thuận, Trưởng hội người làm kinh tế giỏi thôn Ðường La, xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên cho biết: Thông qua buổi tập huấn kỹ thuật về trồng bưởi mới đây, tôi được biết ở Lại Dụ người dân phát triển giống NCM hiệu quả nên tìm về học tập kinh nghiệm và mua giúp giống cho người dân trong thôn. Trước khi ông Thuận lên đường đi Hoài Ðức, 20 hộ dân thôn Ðường La đăng ký mua một nghìn cây NCM.
Ông Nguyễn Bá Sướng, Giám đốc Trung tâm Phát triển Cây trồng Hà Nội cho biết: NCM có nguồn gốc tại Hà Tây trước đây, là một trong những loại cây ăn quả đặc sản có giá trị kinh tế cao, thời gian thu hoạch bắt đầu từ ngày 2 đến 25-9. So với các loại cây có giá trị kinh tế, NCM cho thu nhập chỉ đứng sau các loài hoa, cây cảnh. Qua khảo sát, nghiên cứu, ở Hà Nội có hai dòng NCM là HTM1 (dòng quả méo) và HTM2 (dòng quả tròn). Năm 2004, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã công nhận và đưa vào sản xuất đại trà hai giống trên. Thống kê cho thấy, giống HTM1 và HTM2 hiện có diện tích hơn 700 ha, tập trung chủ yếu ở các huyện Quốc Oai, Hoài Ðức, Chương Mỹ, Mỹ Ðức và Ðan Phượng. Ðến nay, trung tâm đã quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa tập trung, diện tích bình quân từ 50 đến 150 ha/vùng.
Từ năm 2011 đến 2013, trung tâm thường xuyên phối hợp các xã tham gia mô hình cây ăn quả tổ chức được 137 lớp tập huấn kỹ thuật cho cán bộ, nông dân. Thông qua các lớp tập huấn kỹ thuật, phần lớn nông dân đã nắm vững kỹ thuật trồng, thâm canh, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh đối với cây NCM. Anh Nguyễn Văn Diễn ở thôn Ðại Tảo, xã Ðại Thành, huyện Quốc Oai cho biết: Sau các đợt tập huấn trên lớp và làm thực tế tại vườn trồng, tôi cũng như các hộ trồng NCM đã biết cách bón phân cho cây theo từng thời điểm. Anh Diễn khoe với chúng tôi, bây giờ người trồng nhãn không còn phun phòng sâu bệnh theo định kỳ mà đã xác định được khi nào cần phun thuốc, dùng đúng thuốc đối với từng đối tượng sâu bệnh hại. Ðiều này không chỉ bảo đảm sức khỏe, tiết kiệm chi phí mà còn không ảnh hưởng đến môi trường.
Trung tâm Phát triển Cây trồng Hà Nội cho biết, để cây NCM phát triển bền vững, có thương hiệu, trung tâm cùng các đơn vị hữu quan đã xây dựng được nhãn hiệu tập thể NCM. Theo kế hoạch của đề án phát triển một số loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, trung tâm nhận định sẽ hoàn thành việc xây dựng chỉ dẫn địa lý cho NCM Hà Nội vào năm 2014.
BÀI VÀ ẢNH: MAI QUÝ TÙNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét