27 thg 8, 2013

Nhân rộng mô hình bán trú dân nuôi ở vùng cao

Chủ nhật, 25/08/2013 - 09:41 PM (GMT+7)
[+] Cỡ chữ: Mặc định    
Học sinh Trường PTDT nội trú huyện Bát Xát, Lào Cai trong giờ học môn Địa lý.
Học sinh Trường PTDT nội trú huyện Bát Xát, Lào Cai trong giờ học môn Địa lý.

Những năm qua, mô hình bán trú dân nuôi - nay là phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) ở vùng cao tỉnh Lai Châu và Lào Cai được coi là biện pháp hữu hiệu để huy động học sinh tới trường, tăng tỷ lệ chuyên cần... Thông qua mô hình, các trường đã chủ động và thực hiện khá tốt "ba tập trung" cho học sinh: ở tập trung, ăn tập trung, quản lý tập trung; từ đó giúp các em có "sáu hơn ở nhà": ăn ngon hơn, vui hơn, an toàn hơn, lao động tốt hơn, ở tốt hơn và học tập tốt hơn. Mô hình này được đánh giá là "cơ hội vàng" để phát triển giáo dục vùng cao.

Chúng tôi tới huyện Tân Uyên (Lai Châu) khi cơn mưa rừng mới ngớt đi đôi chút. Thầy giáo Trần Văn Tăng, Phó Phòng Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT) huyện cho biết: Ở đây hơn 85% số học sinh là người dân tộc, trong đó phần lớn là dân tộc Thái, Mông. Dẫn chúng tôi tới thăm Trường tiểu học Phiêng Hào (xã Mường Khoa) vừa được xây mới, cách trung tâm huyện hơn 10 km đường rừng, thầy Tăng cho biết: Trước đây học sinh phải ở, học tập ở trong nhà tạm làm bằng tre, nứa cho nên mỗi khi mưa bão thì phòng học, chỗ ngủ của các em bị ướt. Ðược sự quan tâm của Nhà nước, năm 2013, Trường tiểu học Phiêng Hào đã xây dựng xong tường bao, khu ăn, ở, học tập và sân chơi cho học sinh. Trường có 290 học sinh, trong đó 73 em thuộc diện PTDTBT. Tính đến đầu năm học 2013-2014, huyện Tân Uyên có chín trường PTDTBT, năm trường THCS, bốn trường tiểu học và tám trường có học sinh thuộc hệ PTDTBT. Nhìn chung, các em lớp một người dân tộc thiểu số nói, viết tốt nhưng vẫn hạn chế hơn so các em người Kinh. Vì vậy, giáo viên phải tăng cường dạy hai buổi/ngày, nhất là môn tiếng Việt lớp một. Buổi sáng học chính khóa, buổi chiều các em ôn tập lại kiến thức đã học buổi sáng. Ðể nâng cao chất lượng giáo dục, Tân Uyên còn thực hiện mô hình góc thư viện linh hoạt. Ở mỗi phòng học đều có giá để các đầu sách, báo, truyện tham khảo. Sau một tuần, những đầu sách đó được đổi sang đầu sách mới, báo mới. Em Sùng A Vang, dân tộc Mông, học sinh lớp hai Trường tiểu học Phiêng Hào, xã Mường Khoa tâm sự: "Năm học mới này, em được bố mẹ mua cho nhiều quần áo mới. Em thích đến trường đi học vì có giường tầng, có nhiều bạn, nhiều trò chơi, không bị đói và có nước sạch sử dụng. Ở trường có lịch học tập, sinh hoạt rõ ràng. Năm giờ sáng các cô đánh thức bọn em dậy vệ sinh cá nhân và ăn sáng. Em cũng như các bạn được ăn ba bữa/ngày".
  Lai Châu là tỉnh đi đầu trong công tác phát triển mạng lưới mô hình PTDTBT. Trao đổi với chúng tôi, Phó Giám đốc Sở GD và ÐT Lai Châu Hoàng Ðức Minh, cho biết: Mô hình PTDTBT có từ năm 2007, nhưng đến năm 2010 mới thật sự bảo đảm cho học sinh có điều kiện thuận lợi để ăn, ở, học tập. Bây giờ các em đến trường không chỉ có bạn, có kiến thức, có ăn mà còn có cả tiền hỗ trợ hằng tháng như học sinh nội trú. Là tỉnh vùng cao, khó khăn, nhiều đồng bào dân tộc sinh sống, ngành GD và ÐT tỉnh Lai Châu đã tìm hướng đi riêng để phát triển mô hình. Thực tế cho thấy, thông qua mô hình PTDTBT ở Lai Châu, các trường đã thực hiện tốt "ba tập trung": ăn tập trung, ở tập trung và sinh hoạt tập trung, trong khi các tỉnh khác còn chờ cơ chế. Thầy Minh cho biết thêm: Trước đây, khi mô hình PTDTBT phát triển còn "sơ khai", khu nhà ở, ăn uống của các em rất nhếch nhác; có em nấu ăn một bữa, có em nấu cơm không chín, có em nhịn ăn cả ngày vì không có gạo, tiền. Bằng các nguồn vốn xã hội hóa và của tỉnh, nhà trường đã chủ động làm nhà cho học sinh, hướng dẫn các em trồng thêm rau xanh để cải thiện bữa ăn hằng ngày.
  Tính đến hết năm học 2013, tỉnh Lai Châu thành lập được 52 trường PTDTBT và và 142 trường có học sinh ở bán trú. Trước khi bước vào năm học mới, học sinh được kiểm tra "đầu vào" để phân loại, phân chia học sinh vào các lớp cho phù hợp với năng lực thực tế. Giáo viên thường xuyên đổi mới phương pháp dạy và học, từ đó xác định những học sinh đang yếu, đang thiếu kiến thức để có kế hoạch ôn tập bổ trợ phù hợp theo nhóm đối tượng; dạy những nội dung học sinh có thể tiếp thu rồi mới dạy nội dung học sinh phải tiếp thu. Với cách làm nêu trên, mô hình PTDTBT ở Lai Châu bây giờ cơ bản bảo đảm như mô hình nội trú, giúp các em có "sáu hơn ở nhà": ăn ngon hơn, vui hơn, an toàn hơn, lao động tốt hơn, ở tốt hơn và học tập tốt hơn. Thống kê cho thấy, tổng số phòng học cho học sinh bán trú là 730, trong đó 208 phòng kiên cố theo tiêu chuẩn "ba cứng" (móng cứng, tường cứng, mái cứng), 355 phòng bán kiên cố, 167 phòng tạm.
  Cũng như tỉnh Lai Châu, những năm vừa qua tỉnh Lào Cai phát triển một cách hiệu quả mô hình PTDTBT. Giám đốc Sở GD và ÐT Lào Cai Nguyễn Anh Ninh, khẳng định: Trong khi hệ thống trường nội trú hiện có tại các tỉnh miền núi chưa thể đáp ứng nhu cầu của học sinh vùng cao, thì mô hình PTDTBT đã góp phần hạn chế tình trạng học sinh bỏ học. Ðây là cách tập hợp, thu hút học sinh đến trường đang được chính quyền và ngành giáo dục một số địa phương vùng cao thực hiện. Nếu như các trường  dân tộc nội trú mới chỉ được xây dựng ở những nơi trung tâm với số lượng ít và quy mô nhỏ thì hình thức "bán trú dân nuôi" có thể mở rộng về tận bản, làng. Ở bán trú, thầy giáo, cô giáo có thể kiểm tra việc học của các em thường xuyên hơn, nắm được sức học và có điều kiện giúp đỡ từng em. Cũng do được tập trung ăn, ở và học tại chỗ, được giao lưu, gặp gỡ với bạn bè và thầy cô thường xuyên, các em có cơ hội sử dụng tiếng phổ thông nhiều hơn. Ý nghĩa quan trọng nhất mà mô hình này đem lại là đã thúc đẩy phong trào giáo dục ở vùng dân tộc phát triển; nâng cao nhận thức cho bà con các dân tộc về sự cần thiết cho con em mình học chữ, học văn hóa đến nơi đến chốn. Hiện nay, nhiều gia đình đã quyết tâm dù nghèo khó, thiếu thốn cũng không để con em mình không được đến trường.  Năm học 2012 - 2013, toàn tỉnh Lào Cai có 63 trường PTDTBT, trong đó có 19 trường tiểu học và 44 trường THCS. Các cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp đóng trên địa bàn và nhân dân tích cực đóng góp công sức, tiền bạc, vật liệu... xây dựng nhà ở, bếp ăn, nhà vệ sinh; đóng giường, bàn ghế, cung cấp chăn màn, lương thực, thực phẩm cho học sinh bán trú. Em Tải Thị Ngân, dân tộc Nùng, học sinh lớp 9, Trường THCS Thanh Bình (Mường Khương), đạt giải khuyến khích kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện môn lịch sử, tâm sự: Ở bán trú, chúng em vừa có thời gian học tập nâng cao chất lượng, ngoài giờ học, các thầy giáo, cô giáo còn hướng dẫn, rèn luyện kỹ năng sống, nền nếp, thói quen và tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ nhau trong học tập, hòa nhập cuộc sống tập thể và hướng dẫn chúng em trồng rau xanh, chăn nuôi gà, vịt để cải thiện bữa ăn hằng ngày, nâng cao chất lượng cuộc sống. Khi được hỏi về mô hình này, Hiệu trưởng Trường tiểu học xã Liêm Phú (Văn Bàn) cô giáo Phạm Thị Thu Hoài, không giấu được niềm vui: Nếu không có mô hình PTDTBT, nhà trường khó có thể huy động các em từ các bản xa như: Khổi Hoa, Ðầm Qua, Phú Mậu (xã Liêm Phú) đến lớp, công tác phổ cập giáo dục sẽ gặp không ít khó khăn... Thông qua mô hình này, tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đến trường toàn xã đạt 99,8%, hằng năm, số học sinh lên lớp đạt 100%, trong đó 62% đạt loại khá, giỏi.
  Ðể tạo điều kiện cho học sinh vùng cao theo học lên các bậc học cao hơn, tạo nguồn cán bộ là người dân tộc thiểu số tại chỗ, bên cạnh việc xã hội hóa giáo dục, các cấp, các ngành và chính quyền địa phương cần quan tâm nhân rộng mô hình PTDTBT. Phát triển tốt mô hình này sẽ góp phần tích cực trong việc giữ vững kết quả phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập THCS ở các xã vùng cao, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn cán bộ cơ sở, nhất là cán bộ người dân tộc thiểu số ở vùng cao, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh.

QUÝ TÙNG VÀ QUỐC HỒNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét