14 thg 11, 2012

Mua giống khoai tây khó hơn mua vàng


Cập nhật lúc 13:49, Thứ năm, 15/11/2012 (GMT+7)

Bác Nguyễn Văn Hanh, người dân thôn Chi Lễ, xã Vũ Lễ, huyện Kiến Xương, ngán ngẩm khi phải giặm 40% cây vụ đông còn sót lại  
NDĐT- Tuy giá “đầu ra” khoai tây có biến động, nhưng người dân “quê lúa” khẳng định, một sào khoai bằng bảy sào cây vụ đông khác. Nhưng năm nay, dù không muốn nhưng vẫn có tới một nghìn ha đất chuyên canh bỏ hoang do không có giống”- Trưởng phòng trồng trọt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thái Bình Phạm Thị Kim Hoàn chia sẻ.
Tăng tốc “chạy” thời vụ
Dừng xe tại cánh đồng thôn Kìm, xã Vũ Lạc, TP Thái Bình, tôi thấy hàng trăm người dân đang hối hả xuống giống. Lão nông Phạm Đình Nhự dừng cuốc: “Chú là nhà báo đi tìm hiểu viết về khoai tây thối à”. Tôi vui vẻ chào ông, rồi đáp: “Vâng. Đúng ạ!”- “Như mọi năm, khoai giờ đã kín luống, ngợp ruộng. Trước bão, tôi trồng tám miếng ở gần nhà nhưng ngập nước thối hết. Tiếc công, tiếc của, tôi xắn quần lội xuống mò khoai như mò trai, vớt lên mong có giống để trồng lại. Do nước ngập sâu, đục ngầu nên việc “vớt vát” khoai giống của tôi không thành và mọi người ở đây cũng thế”.
Ở đây đất chật, người đông, sau khi thu hoạch lúa mùa tôi chỉ có hai sào để trồng khoai tây. Để trồng được những diện tích đã hỏng, những củ khoai to tôi bổ làm ba làm tư cho được nhiều, chắc trồng được 1,5 sào thôi. Nhà báo cứ hỏi, chụp ảnh, tôi tranh thủ làm cho kịp thời vụ”.
Ngược về huyện Kiến Xương, chúng tôi dễ dàng bắt gặp hình ảnh những bà, những bác, những cô đang khom mình xuống nốt số giống khoai tây mới mua được và tranh thủ giặm những cây còn sống sót sau bão.
Cùng cảnh ngộ như người dân Vũ Lạc, bác Nguyễn Văn Hanh, người dân thôn Chi Lễ, xã Vũ Lễ ngán ngẩm: Cơn bão số 8 vừa qua không chỉ làm nhiều nhà, cây cối, cột điện bị đổ, tốc mái mà phần lớn diện tích hoa màu vụ đông ở đây ngập trong biển nước.
Xót của, tiếc công, “bà nhà tôi” nói, xem trên truyền hình thấy thông tin tỉnh Thái Bình khuyến cáo người dân nên bới khoai tây mới trồng để lên bờ, khi nước rút trồng lại để tránh bị thối.
Nghe thấy hợp lý, tôi chẳng kịp nghĩ gì hơn, vội vàng vượt qua những cây cột điện đổ dây rơi xuống đất loằng ngoằng để tìm đến ruộng vớt khoai. Phải mất hồi lâu tôi mới “định vị” được đâu là ruộng nhà mình. Tôi lội xuống nước ngập ngang hông, lấy chân rờ rờ nửa buổi mới vớt được vài củ gần bờ. Chán nản, tôi bỏ về và sau đó số khoai giống tôi mới trồng thối hết!
Trước bão, tôi đã trồng ba sào khoai tây, trong đó 2,2 sào hỏng hẳn. Nếu đài báo bão đổ vào Thái Bình sớm và chính xác thì gia đình tôi không thảm hại như thế. Bây giờ mua khoai tây giống khó hơn cả mua vàng. Bình quân, một sào khoai tây đầu tư khoảng 600 ngàn đồng, nhà tôi 2,2 sào bị hỏng, có khôi phục lại thì cũng coi như mất mùa rồi!
Năm ngoái khoai tây giống có giá 10 nghìn, năm nay nhiều người mua giá đội lên 15 nghìn đồng/kg. Được biết, tỉnh hỗ trợ cho chúng tôi 9.000 đồng/kg giống, chúng tôi phải đóng 6.000 đồng để HTX đi mua giúp giống.
Rời cánh đồng này, chúng tôi tìm đến nhà anh Phùng Đình Chiểu, Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Vũ Lễ tìm hiểu. Biết chúng tôi tìm hiểu về vấn đề này, anh chủ nhiệm còn rất trẻ “vào đề” ngay.
Anh cho biết, xã Vũ Lễ có năm thôn trồng cây vụ đông thì ba thôn bị hỏng hết do mưa bão. Theo kế hoạch, xã trồng 270 ha cây vụ đông, trong đó 90 ha khoai tây. Trước bão, xã đã trồng 220/270 ha, bị hỏng gần như 100%. Bây giờ, kho lạnh HTX không còn một củ khoai nào.
Bình quân kho này bảo quản được 50 tấn giống, nhưng trước bão người dân đã lấy về xuống đồng hết nhẵn. Sau khi tỉnh có chủ trương khắc phục cây vụ đông, chúng tôi phải thu của dân sáu nghìn đồng cộng với chín nghìn đồng tỉnh hỗ trợ, tìm đến công ty giống nài nỉ mãi họ cũng chỉ còn 14 tấn để bán.
Giữa trưa, không khí ấm hơn nhiều. Trong căn nhà mái bằng, anh Chiểu hướng tay ra trước cánh đồng bỏ không. “Diện tích cây vụ đông nhà tôi đấy”! Tôi ngạc nhiên vì nhìn mãi đến mỏi mắt không thấy cây nào. Tự hỏi, hay tại mắt mình bị sao?
“Đây là năm đầu tiên tôi trồng bí đỏ theo mô hình kiểu mẫu. Khi ba mẫu bí đỏ bò dài tầm cánh tay thì bão lũ đổ về gây ngập úng, xé nát. Tiền bạc, vốn liếng tôi dành cả vào đó rồi. Ba mẫu bí đầu tư khoảng sáu triệu đồng đã làm tôi vỡ nát ước mơ mô hình kiểu mẫu, mô hình để người dân sắp tới tham quan. Nếu năm nay trúng vụ bí, mỗi mẫu tôi dự định bán được 20 triệu đồng”.
Nói đến đây, anh Chiểu chép miệng, lắc đầu buồn rầu: Chắc họ cũng không làm khó mình, bắt đền mình vì mưa bão mà!
“Còn giống, vẫn trồng được khoai tây”
Theo khuyến cáo ngành nông nghiệp, khoai tây có thể trồng được muộn nhất đến ngày 20-11. Theo kế hoạch mới này, tỉnh Thái Bình phấn đấu các huyện, thành phố trồng đạt 3.600 ha khoai tây. Kế hoạch trước đó của tỉnh là 4.500 ha.
Nhưng đến nay, những kho lạnh ở các HTX nông nghiệp dẫu đã “mở” hết cỡ, nhưng vẫn không đủ giống để trồng.
Thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, trước khi cơn bão số 8 tàn phá nặng, diện tích khoai tây đã trồng toàn tỉnh là 1.700 ha, nhưng do ngập úng nhiều ngày, 1000 ha đã bị thối, chết không thể khôi phục lại; 700 ha còn lại chỉ khắc phục được khoảng 40%.
Do đó, ngành nông nghiệp tỉnh Thái Bình quyết định “quên hẳn” cây vụ đông ưa ấm vì quá thời vụ; tập trung phát triển cây vụ đông thuộc nhóm ưa lạnh như khoai tây và một số loại rau: cải bắp, su hào.
Chia sẻ khó khăn với nông dân, UBND tỉnh Thái Bình đã quyết định hỗ trợ người trồng khoai tây 9.000 đồng/kg.
Bà Hoàn cho biết thêm, khoai tây giống người dân mua ở các HTX, công ty giống có giá từ 12-15 nghìn đồng/kg. Trong đợt chia sẻ khó khăn này, có hai huyện Đông Hưng và Vũ Thư đã mạnh dạn hỗ trợ phần giá còn lại/kg khoai tây giống giúp người dân.
Qua khảo sát ở các huyện, thành phố, điều mà chúng tôi ghi nhận là sự vào cuộc tính cực của các cấp ủy đảng và chính quyền địa phương trong việc phòng, chống, khắc phục hậu quả bão lũ. Điều đó đã được nhân dân hưởng ứng mạnh mẽ.
Nhờ “sáng kiến” hay của tỉnh đối với việc bới khoai tây giống mới trồng ở những diện tích bị ngập úng nên có thể nói đã giải quyết được một phần về nhu cầu giống trong giai đoạn khó khăn. Với người dân “quê lúa”, cơn bão số 8 quét qua không chỉ gây thiệt hại về người, mà còn làm nhiều gia đình đã nghèo nay càng khốn đốn hơn.
MAI QUÝ TÙNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét