13 thg 11, 2012

Hà Nội: Cần quản lý nghiêm các cơ sở sản xuất rượu nhỏ lẻ



9:26 AM, 27/10/2008
Ngày 25-10-2008, đoàn kiểm tra liên ngành của Sở y tế Hà Nội đã đi kiểm tra đột xuất Công ty cổ phần rượu bia nước giải khát Việt Nam và các hộ gia đình sản xuất rượu nhỏ lẻ trên địa bàn huyện Chương Mỹ (Hà Nội). Bước đầu nhận thấy, nhiều hộ gia đình sản xuất rượu không đảm bảo về mặt vệ sinh an toàn thực phẩm.
 
Những bịch săm làm bằng cao su được người dân tận dụng để đựng rượu


Nhiều gia đình nấu rượu không đảm bảo vệ sinh
Xã Trung Hoà, huyện Chương Mỹ, Hà Nội có truyền thống nấu rượu từ bao đời nay. Cảm nhận của chúng tôi khi về tới xã là nồng nặc mùi rượu, mùi men ủ. Vì là nghề truyền thống nên hầu như gia đình nào cũng nấu và coi đây là một nghề phát triển kinh tế gia đình. Ông Đinh Mạnh Tuấn, Bí thư Huyện uỷ Chương Mỹ cho biết, trên địa bàn xã Trung Hoà có trên 200 cơ sở sản xuất rượu thủ công, nhưng chỉ có 3 cơ sở lớn có giấy phép đăng ký kinh doanh.

Lấy cả thùng sơn để ủ rượu
Trung bình mỗi hộ gia đình ở đây sản xuất mỗi ngày từ 20 – 40 lít rượu gạo. Tại gia đình nhà bà Nguyễn Thị Bảy ở làng Nứa, thôn Chi Lê, đoàn thanh tra đã tiến hành thu giữ hai bịch đựng rượu trong săm cao su, với số lượng khoảng 160 lít. Theo bà Bảy, trung bình mỗi ngày nấu khoảng 30 lít, nhiều hôm cao điểm có đám cưới, đám ma thì nấu trên 100 lít. Quy trình nấu rượu theo bà cũng rất đơn giản: “Sau khi ủ men 2 ngày, nấu gạo để khô thì mang ra nấu. Theo tính toán của bà Bảy, với 10kg gạo thì cất được 7 lít rượu thành phẩm, có nồng độ khoảng 48 – 50 độ C, với giá 15 nghìn đồng/lít.

Trong ngày, đoàn thanh tra còn đến nhiều hộ gia đình nhắc nhở và hướng dẫn người dân cách nấu rượu đảm bảo chất lượng và vệ sinh sạch nơi nấu rượu. Tại xóm Đồi, thôn Chi Lê, đoàn thanh tra còn phát hiện gia đình bà Nguyễn Thị Hạnh đựng rượu, gạo, nước trong các thùng phuy và hơn 20 chiếc xô đựng sơn cáu bẩn. Dưới nền bếp, bụi bẩn đen kịt cũng được bà Hạnh trải chiếc bạt rách để đổ cơm ra cho nguội chờ nấu rượu. Khu nấu rượu nằm liền kề với chuồng lợn trông rất bẩn và nhếch nhác, mùi phân, mùi nước thải sộc lên “lộng óc”.
Cần có quy chuẩn về nấu rượu nhỏ lẻ
Từ trước đến nay, Nhà nước mới chỉ ban hành luật sản xuất kinh doanh đối với các cơ sở sản xuất rượu lớn mà chưa chú ý đến các hộ gia đình nấu rượu nhỏ lẻ. Chính vì lẽ đó mà ngay cả những người dân có thâm niên nấu rượu cũng không biết trong rượu có những chất gì và phải làm như thế nào cho đảm bảo về mặt nguyên tắc và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Tại buổi thanh tra, ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết:nhiều hộ dân nấu rượu không đúng quy trình về mặt kĩ thuật. Khi tôi hỏi trong rượu có những chất gì dùng được và chất gì không dùng được thì họ đều không biết”. Bà Nguyễn Thị Bảy, người có nhiều năm nấu rượu khẳng định: "Rượu nhà tôi đã nấu từ nhiều đời nay không có ai bị ngộ độc hay kêu ca phàn nàn về chất lượng rượu”. Ông Tuấn phân tích rằng, dùng những bịch săm cao su đựng rượu như gia đình là không đảm bảo, thì bà Bảy khăng khăng là “đảm bảo và không bị làm sao”.
Để có kết luận chính xác về thị trường rượu hiện nay, Sở Y tế cho lấy những mẫu rượu, mẫu nước về xét nghiệm. Ông Tuấn nhấn mạnh, Chương Mỹ là làng nấu rượu truyền thống, người dân không biết cách thì mình hướng dẫn, những hộ vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ bị xử lý nghiêm minh và đề nghị chính quyền địa phương theo dõi, quản lý thường xuyên. Thời gian tới Sở sẽ đề nghị Bộ Y tế cần có văn bản, quy chuẩn cụ thể cho những hộ gia đình nấu rượu nhỏ lẻ như: Nguyên liệu, nguồn gốc xuất xứ phải rõ ràng. Qua kiểm tra, Sở Y tế xác minh, nguồn nước sinh hoạt và nấu rượu ở đây mới chỉ xét nghiệm Asen mà chưa kiểm tra về lý, hoá, sinh trong nước cũng như trong rượu.
Mai Quý Tùng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét