13 thg 11, 2012

Biết chữ hán để tạc tượng cho đúng


9:5 AM, 11/11/2008
Người dân xã Sơn Đồng, Hoài Đức, Hà Nội vẫn tự hào với nghề tạc tượng truyền thống của mình. Song trong quá trình tạc tượng, đã có nhiều chuyện dở khóc dở cười bởi người thợ vì không thạo chữ Hán nên đúc chữ ngược, khiến ý nghĩa bị sai hoàn toàn.
 
Lớp học Sao Khuê của ông “đồ” Đạt


Nghề tạc tượng “khát” chữ Hán
Nghề tạc tượng ở Sơn Đồng có thời gian tồn tại khoảng 300 – 400 năm và có thể lâu hơn thế vì người dân không có tư liệu chính xác, chỉ biết rằng đó là nghề cha truyền con nối. Năm 2001, làng nghề chính thức được Tỉnh uỷ Hà Tây cũ trao tặng danh hiệu “Làng nghề điêu khắc sơn mỹ nghệ Sơn Đồng”.
Ông Nguyễn Doan Thắng có 4 xưởng làm tạc tượng, sơn son thiếp vàng và chuyên làm các bức hoành phi câu đối, cho biết: “Hiện nay ở Sơn Đồng hầu như nhà nào cũng có người theo nghề tạc tượng”. Địa phương có trên 2.000 lao động làm nghề này, với thu nhập từ 1,5 đến 2 triệu đồng/người/tháng. Để làm được một pho tượng, theo ông Thắng không đơn giản vì mỗi một công đoạn lại mang một ý nghĩa tâm linh khác nhau. Như, phải chọn gỗ tốt, phù hợp... rồi đến phát dáng, chỉnh dáng và hoàn thiện. Công đoạn sơn một pho tượng cũng rất cầu kỳ, sơn từ 7 - 8 lần. Giá cả mỗi pho tượng dao động theo kích cỡ to nhỏ. Với những pho tượng bình thường có giá vài chục nghìn, nhưng với pho tượng dát vàng thì có giá cả trăm triệu. Khi được hỏi các hoa văn và chữ Hán trên tượng thì ông Thắng nói: “Tôi là chủ nhưng cũng không biết nhiều về chữ Hán, người ta đặt thì mình làm và nhờ những người biết chữ viết ra rồi cứ theo đó mà tạc".
Ông Nghiêm Quốc Đạt là người có am hiểu về chữ Hán lo lắng về cái sai chết người khi không hiểu chữ Hán: “Có nhiều lô hàng người ta đặt toàn chữ thập ngoặc (chữ vạn đó là đức độ tài), nhưng những người thợ lại đục ngược mà lại thành ông ác chứ không phải ông thiện”. Hằng ngày, trên đất Sơn Đồng mọi người vẫn phải chứng kiến cảnh tượng đáng buồn này khiến ông “đồ” Nghiêm Quốc Đạt trăn trở và quyết định mở lớp học chữ Hán miễn phí.
Lớp học chữ Hán miễn phí của ông “đồ” già
Lớp học có tên gọi là lớp tình nguyện Sao Khuê, ra đời với mục đích, dạy học trò đọc và viết thông thạo chữ Hán, học cách làm người. Ông Đạt cho biết thêm: “ Làng nghề tạc tượng phải va chạm nhiều với chữ Hán, nên cần phải hiểu rõ ngọn ngành để giải thích Tam bảo là như thế nào. Ông nào là to nhất. Niết bàn là như thế nào. La hán là thế nào... Mong muốn của ông là người học phải hiểu được ngôn từ hay, triết lý mà cha ông để lại trên các bức hoành phi, câu đối”. Với ý tưởng tốt đẹp đó, lớp học nhanh chóng thu hút nhiều người theo học. Năm 2005 có 10 - 15 người; năm 2007 tăng lên 40 người thuộc nhiều độ tuổi và nay đã có 70 người theo học.
Mọi người theo học không phải đóng bất kỳ khoản học phí nào mà hàng tháng, thầy còn trích tiền đồng mua giấy trắng, bút, mực cho trò. Anh Nguyễn Phúc Hiệp ở Đông La, Hoài Đức, Hà Nội, tâm sự: “Phương pháp giảng dạy của thầy khoa học, dễ tiếp thu". Những hôm thầy mệt, không để học trò ở xa đến rồi lại về, anh Hiệp đã nhận đứng lớp thay thầy. Không chỉ có anh Hiệp mà còn khoảng gần 20 học trò theo học thầy có thể làm được việc này.
Tâm nguyện cả đời vì con chữ của ông Đạt giờ đây đã có người chia “lửa”. Ông khoe, “thấy các cháu ở đây đọc thông viết thạo chữ Hán và lễ phép tôi vui lắm, bởi sau khi học xong, các học viên sẽ mang những kiến thức của mình để làm cho nghề tạc tượng ngày càng có sức sống hơn”.
Mai Quý Tùng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét