Cập nhật lúc 15:28, Thứ hai, 15/11/2010 (GMT+7)
NDĐT - Chỉ là một nông dân nhưng khi chứng kiến tục lệ chôn người còn sống ở Quảng Bình, ông Diệu đã hành động để giữ được mạng sống cho rất nhiều người. Ông cùng với 57 cá nhân, tập thể tiêu biểu đã được Ủy ban giải thưởng Kova chọn trao giải thưởng Kova lần thứ tám năm 2010.
Nhân ngày ông được nhận giải thưởng này, một lần nữa câu chuyện về ông, về những tục lệ chôn người còn sống theo người chết ở Quảng Bình trước đây được tái hiện. Câu chuyện như những thước phim quay chậm về người đàn ông “bằng da bằng thịt” nhưng đã lay động được trái tim mọi người với những cung bậc cảm xúc khác nhau.
Ông là Nguyễn Diệu, sinh năm 1962 tại tỉnh Thừa Thiên – Huế. Năm 1986, sau khi học xong THPT ở quê nhà, ông cùng bạn đi làm nghề thu mua mây song xuất khẩu tại địa bàn xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình). Thời gian ở đây ông đã tạo được nhiều việc làm cho người dân. Trong thời gian làm nghề thu mua mây song xuất khẩu, ông đã tận mắt chứng kiến một tục lệ chôn người còn sống của dân tộc Ma Coong chuẩn bị diễn ra.
Theo tục lệ dân tộc Ma Coong, khi một phụ nữ bị chết là phải chôn theo đứa con nhỏ cho dù đứa con đó đang khỏe mạnh. Họ quan niệm, khi một người phụ nữ chết mà có con, bất kể lý do gì dẫn đến cái chết của người phụ nữ này thì những đứa con của họ sẽ bị chôn theo cùng. Tục lệ thì khó chống lại, nên thời gian ở đó, ông đã chứng kiến khi chôn người mẹ và đứa con “xấu số” ấy xong, cả làng sẽ chạy thục mạng về nhà vì sợ “con ma” chạy theo. Từ đó, những nấm mộ ấy vĩnh viễn không bao giờ được mọi người viếng thăm.
Ông kể, năm 1995, một gia đình hàng xóm có một phụ nữ đẻ con nhưng sắp chết cho nên gia đình đó chuẩn bị thủ tục để chôn theo đứa bé. Biết chuyện, ông Diệu về bàn với gia đình xin nuôi đứa trẻ tội nghiệp này. Lúc đầu cả làng phản đối và già làng cũng phản đối. Dù biết là khó có thể thuyết phục được mọi người trong làng, nhưng bằng tình thương và xót xa cho đứa bé bởi tục lệ lạc hậu này cho nên không kể ngày, đêm, hễ gặp ai trong làng là ông thuyết phục họ không được chôn theo đứa bé và nên bỏ ngay phong tục này. Lúc đầu ông thuyết phục mọi người không được một phần là vì ông không phải người gốc ở cái làng có tục lệ này. Cuối cùng ông phải viết giấy cam đoan với người dân và già làng: “nếu có vấn đề gì tôi xin “chịu tội” với bà con trong bản”. Trước hành động và những lời lẽ đầy sức thuyết phục, đầy tình người, người dân và già làng trong bản đã chấp nhận cho ông nhận nuôi đứa trẻ ấy làm con. Đến nay cháu bé này đã được 15 tuổi và rất khỏe mạnh. Nhưng điều điều đáng mừng hơn cả là ông đã xóa được hủ tục chôn người còn sống ở nơi đây. Từ đó đến nay, người dân làng đã đến thắp hương lên những ngôi mộ mà trước đây họ bỏ chạy, và không còn sợ “con ma” nó theo về.
Mai Quý Tùng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét