Cập nhật lúc 03:39, Thứ năm, 10/03/2011 (GMT+7)
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 1419/QÐ-TTg phê duyệt "Chiến lược sản xuất sạch hơn (SXSH) trong công nghiệp đến năm 2020".
Quyết định nêu ra những chỉ tiêu, lộ trình cụ thể và những dự án mà các bộ, ngành địa phương cần thực hiện để thúc đẩy các doanh nghiệp mở rộng SXSH nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nguyên liệu, nhiên liệu; giảm thiểu và hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm môi trường...
Cùng với xu thế hội nhập quốc tế, SXSH trong công nghiệp trở thành một trong những chiến lược quan trọng của Việt Nam nhằm giảm ô nhiễm môi trường. Thông qua chiến lược này, các doanh nghiệp được hỗ trợ kỹ thuật để tiết kiệm chi phí, nguyên liệu và năng lượng, tăng sức cạnh tranh sản phẩm trên thị trường. Các hoạt động của Hợp phần SXSH trong công nghiệp (CPI) là tiền đề xây dựng chiến lược SXSH trong công nghiệp. Bài học rút ra từ những hoạt động của Hợp phần CPI là nền tảng cho việc xây dựng chiến lược này. Ðể triển khai chiến lược SXSH đạt hiệu quả, các Sở Công thương sẽ là những đầu mối quan trọng, nắm bắt toàn bộ các chủ trương, chính sách của Nhà nước trong chiến lược SXSH và hiểu rõ quy mô công nghệ, trình độ của từng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Giám đốc CPI (Bộ Công thương) Ðặng Tùng cho biết: Chiến lược SXSH trong công nghiệp đến năm 2020 là cơ sở pháp lý tiếp nối những thành công, kinh nghiệm để các địa phương trên cả nước triển khai, mở rộng cho những năm tiếp theo. Dự kiến, năm 2011 có 50 tỉnh, thành phố tham gia SXSH.
Ðến nay SXSH đã được áp dụng rộng rãi tại các cơ sở sản xuất công nghiệp. Mục tiêu trong thời gian tới của chiến lược là 50% số cơ sở sản xuất công nghiệp nhận thức được lợi ích của việc áp dụng SXSH trong công nghiệp. Cụ thể, từ nay đến năm 2015 sẽ có 25% số cơ sở áp dụng kỹ thuật SXSH. Các cơ sở áp dụng tiết kiệm được từ 5 đến 8% mức tiêu thụ năng lượng, nguyên liệu, nhiên liệu... trên đơn vị sản phẩm. Ngoài ra, 70% các Sở Công thương có cán bộ chuyên trách đủ năng lực hướng dẫn áp dụng SXSH cho các cơ sở sản xuất công nghiệp. Trong giai đoạn 2016 - 2020, mục tiêu của chiến lược là đưa 90% số cơ sở sản xuất công nghiệp nhận thức được lợi ích của việc áp dụng SXSH và những cơ sở áp dụng SXSH tiết kiệm được từ 8 đến 13% mức tiêu thụ năng lượng, nguyên liệu, nhiên liệu trên đơn vị sản phẩm. Ngoài ra, 90% số doanh nghiệp vừa và lớn sẽ có bộ phận chuyên trách về SXSH. Cũng trong giai đoạn này, mục tiêu của chiến lược là 90% các Sở Công thương có cán bộ chuyên trách đủ năng lực hướng dẫn áp dụng SXSH cho các cơ sở sản xuất công nghiệp. Ông Ðặng Tùng cho biết thêm: Sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược này, Bộ Công thương đã thành lập Ban điều hành và khởi động xây dựng thông tư hướng dẫn quản lý kinh phí, xây dựng khung các đề án.
Hằng năm, Bộ Công thương tổ chức đăng ký kinh phí thực hiện các đề án chiến lược SXSH và sẽ nhận đăng ký của các sở, trung tâm khuyến công để văn phòng giúp việc của ban điều hành chiến lược có kế hoạch xây dựng cơ chế hỗ trợ về tài chính, kỹ thuật. Bên cạnh đó, nội dung SXSH được lồng ghép vào chiến lược quy hoạch phát triển các ngành công nghiệp; mạng lưới cấp giấy chứng nhận áp dụng SXSH trong công nghiệp cho các cơ sở sản xuất công nghiệp theo nguyên tắc tự nguyện được xây dựng. Các viện nghiên cứu, trường đại học sẽ tăng cường liên kết với cơ sở sản xuất công nghiệp trong việc nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng các công nghệ phục vụ SXSH trong công nghiệp. Nhà nước hỗ trợ tín dụng đối với các dự án SXSH trong công nghiệp; khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước đầu tư vào các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng công nghệ thân thiện với môi trường, phục vụ SXSH trong công nghiệp. Ðẩy mạnh công tác truyền thông; hỗ trợ các địa phương kinh phí để in tờ rơi, làm phim, tổ chức các hội thảo cũng như các khóa đào tạo về SXSH cho các cơ sở sản xuất công nghiệp trong tỉnh. Ngoài ra, các trung tâm khuyến công cũng được hỗ trợ kinh phí để tổ chức đánh giá SXSH cho các cơ sở sản xuất công nghiệp.
Mai Quý Tùng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét