Cập nhật lúc 21:51, Thứ năm, 31/05/2012 (GMT+7)
Chiếc máy rửa bát tự động đầu tiên mà anh Ngọc chế tạo.
|
NDĐT- Từ ý tưởng nhằm giảm bớt gáng nặng cho người nội trợ, nhất là khi giá lạnh, sau nhiều năm tự mày mò, nghiên cứu qua sách, báo…, anh Nguyễn Văn Ngọc, sinh năm 1981, ở thôn Phú Lễ Thượng, xã Tự Tân, huyện Vũ Thư (Thái Bình) đã thực hiện thành công đề tài khoa học: Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo máy rửa bát tự động” mang thương hiệu Việt Vam.
Qua dư luận, chúng tôi được biết ở xã Tự Tân, huyện Vũ Thư (Thái Bình) có một chàng thanh niên chân chất, gia đình khó khăn nhưng có khả năng chế tạo máy rửa bát tự động (RBTĐ). Sản phẩm đầu tay của anh sau đó đó được ngành khoa học và công nghệ tỉnh Thái Bình, Ban Chấp hành Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đánh giá cao và cấp bằng chứng nhận, bằng khen về tính ưu Việt của sản phẩm này.
Ngắm nhìn chiếc máy RBTĐ giống như cái tủ lạnh, anh Ngọc chia sẻ: Những năm gần đây, ở những đô thị lớn, nhiều người đã biết đến và sử dụng máy RBTĐ, nhưng tất cả đều là hàng nhập ngoại với giá rất cao, không phù hợp với đại đa số người dân. Năm 2004, sau khi tôi tốt nghiệp trường Trung cấp Cơ khí tôi trở về quê nhà làm việc. Đến năm 2007, tôi mở cơ sở dịch vụ lắp đặt các thiết bị cơ khí tại nhà. Và cũng ở thời gian đó, ý tưởng chế tạo chiếc máy RBTĐ đã thôi thúc tôi.
Dựa trên nguyên lý dòng xoáy của nước, năm 2008 anh Ngọc lên thiết kế chi tiết máy RBTĐ. Theo anh Ngọc, khi đó công việc khó nhất để chế tạo bộ phận chính và quan trọng của máy là trục chính phun nước bằng inox không gỉ. Anh đã tận dụng một số bộ phận từ quạt bễ và ấm nước để có đầy đủ các chi tiết lắp ráp máy RBTĐ.
Sau bốn tháng, với sáu lần thử nghiệm, anh Ngọc đã cho ra đời chiếc máy RBTĐ hoàn chỉnh, thiết kế gọn nhẹ. Máy tự động làm việc bằng hệ thống rơ-le, van tự động đóng ngắt đã được lập trình sẵn. Đầu tiên, xếp bát, đĩa, thìa… lên ba giá của máy, sau đó đậy nắp máy lại và ấn nút điện máy làm việc. Khi điện vào các rơ-le van từ, máy sẽ tự động đun nước nóng đạt 70 độ C (trong thời gian 15 phút), sau đó động cơ và van từ đóng điện cùng một lúc.
Tiếp đó, động cơ hút dầu rửa bát (đã được pha loãng với tỷ lệ 1/20) và nước sạch đã được bơm vào hệ thống quay làm trục chính quay phun nước trực tiếp lên các bề mặt cần rửa rồi làm ướt, phân hủy thức ăn và dầu mỡ bám trên bát, đĩa (khoảng 5 giây). Một phút sau, động cơ và van từ đóng điện để bơm nước nóng vào rửa và tráng bát (40 giây).
Kết thúc giai đoạn này, máy sấy quạt hút được bật lên từ từ sấy khô bát đĩa trong khoảng 16 phút... Máy có thể rửa được lượng chén bát cho khoảng hai bàn ăn.
Ông Nguyễn Văn Duyệt, bố đẻ anh Ngọc cho biết: Ngọc vốn thông minh, hay mày mò nghiên cứu từ bé. Khi Ngọc còn bé tôi đã phát hiện Ngọc có khả năng đặc biệt. Ngày trước tôi chuyên đóng giường, tủ, Ngọc nhìn một lần là có thể làm được ngay mà rất đẹp.
Sau khi có thông tin anh Ngọc có thể làm được máy RBTĐ, năm ngoái có hai chú cháu một người ở Nghệ An đã đi xe máy từ đó về Thái Bình lúc ba giờ đêm với mục đích xem tận mắt và mua về nhà sử dụng. Ngoài ra, cách đó ít hôm có người ở tận Lâm Đồng cũng gọi điện đặt mua máy RBTĐ.
Đến nay có hàng trăm người tìm đến và có nguyện vọng đặt mua máy RBTĐ của anh Ngọc.
Anh Ngọc cho biết, tôi mới làm tổng số ba chiếu máy RBTĐ nhưng chưa bán cho ai chiếc nào. Sau khi làm xong ba chiếc, gia đình tôi sử dụng chiếc máy đầu tiên vì nó là kỷ niệm, còn lại hai chiếc anh tháo ra. Lý do anh Ngọc không bán bởi vì máy làm bằng thủ công không được đẹp; hơn nữa nếu bán với giá thành thấp thì không có lãi, mà bán giá cao thì người dân nông thôn không có tiền mua.
Mặc dù lúc đầu anh định bán những chiếc máy trên với giá khoảng 5triệu đồng/ chiếc cho những người từ xa đến mua nhưng sau khi cân nhắc kỹ anh quyết định không bán. Một ý tưởng lớn hơn đã xuất hiện trong suy nghĩ anh.
Người có nhiều ý tưởng, dự định thì không bao giờ chấp nhận những cái mình làm ra khi chưa được bắt mắt, hoàn hảo. Năm 2009 anh chính thức thành lập doanh nghiệp tư nhân G21. Công ty chuyên thiết kế, lắp đặt các thiết bị cơ khí.
Việc thành lập công ty với anh Ngọc không phải cho oai mà để tạo công ăn việc làm cho chính bản thân mình và những lao động trong xã. Và từ khi thành lập công ty, anh cũng có nhiều hợp đồng thiết kế, lắp đặt nguyên vật liệu cho các công trình xây dựng không chỉ ở Thái Bình mà cả các tỉnh lân cận.
Anh Ngọc dự định, sau một vài năm khi công ty hoạt động có vốn, anh sẽ đầu tư công nghệ để sản xuất máy RBTĐ khoảng ba tỷ đồng rồi tuyển lao động sản xuất quy mô lớn.
Anh quả quyết với chúng tôi: Nếu đủ tiền đầu tư công nghệ, tôi sẽ sản xuất máy RBTĐ rẻ, tốt và đẹp nhất Việt Nam.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, ngoài chế tạo máy RBTĐ, anh Ngọc còn chế tạo thành công nhiều sản phẩm như máy rút sắt và máy cắt sắt tự động.
Hy vọng những ý tưởng, dự định của anh về những chiếc máy RBTĐ theo tiêu chí: rẻ, tốt và đẹp nhất Việt Nam sớm trở thành hiện thực.
MAI QUÝ TÙNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét