Cập nhật lúc 01:38, Thứ tư, 23/02/2011 (GMT+7)
Chiếc tàu cuốc đãi vàng này đã bị xử phạt nhiều lần nhưng giờ vẫn ngày đêm hoạt động.
|
Tại xã Mỵ Hòa (Kim Bôi, Hòa Bình) đang diễn ra tình trạng khai thác vàng sa khoáng trái phép. Những người khai thác vàng đã đưa hàng chục thiết bị máy móc đến để đào đất, khai thác vàng. Họ đào sâu hơn mười mét để tìm vàng, làm thay đổi môi trường sinh thái, ô nhiễm nguồn nước, gây bức xúc cho người dân địa phương.
Từ Hà Nội, theo quốc lộ 21B chúng tôi tìm về xã Mỵ Hòa - nơi đang diễn ra nạn khai thác vàng sa khoáng bừa bãi: Băng qua những cung đường gồ ghề, khúc khuỷu gần 10 km tính từ trung tâm UBND xã Mỵ Hòa, chúng tôi đã đến 'đại bản doanh' của dân khai thác vàng, ngay sát sông Bôi. Nhìn từ xa, những chiếc máy xúc như muốn kiệt sức nhưng vẫn cố múc từng gầu đất lấp đầy các ô-tô chở ra sông đãi vàng. Ðể đến được 'đại bản doanh', chúng tôi phải nhập vai dân buôn đá cảnh ở chùa Hương (Hà Nội). Tại đây, những chiếc máy xúc, ô-tô cỡ lớn đang ầm ì nổ máy múc đất chở ra bãi tập kết. Dưới sông những chiếc máy cuốc thi nhau đùn khói 'móc ruột' dòng sông. Việc hút, xả trực tiếp ra sông tìm vàng của những chiếc tàu cuốc này khiến cả một đoạn sông Bôi đục ngầu, nổi váng. Thấy có người chụp ảnh, một thanh niên khai thác vàng dò xét: anh là công an hay nhà báo đấy? Chúng tôi chỉ khai thác sỏi, đá thôi chứ không khai thác vàng đâu. Thấy vậy, ông Bùi Văn Nhật là người cùng đi với chúng tôi đáp: Chú này là dân chơi đá cảnh ở ngoài chùa Hương năm nào cũng vào đây tìm mua đá mà!
Ông Bùi Văn Nhật cho biết: Ở Kim Bôi, khai thác vàng từ năm 1985, đến năm 1990, khai thác mạnh nhất ở ba thôn thuộc xã Mỵ Hòa như: Bãi Khoai, Mỹ Ðông, Ðồi Cao. Từ năm 2008 đến nay, do những khu vực đó họ khai thác vàng cạn kiệt nên chuyển đến khai thác ở các thôn: Cành, Ðồng Hòa II, Ba Giang. Khi đầu họ khai thác ở các gò đồi ven sông và sát núi đá. Nhưng hiện nay nhiều nhà còn thuê cả máy xúc và một số công cụ hiện đại về khai thác vàng trên diện tích của họ vì ở đây hầu như đất chỗ nào cũng có vàng. Ông Bùi Văn Tét, Trưởng thôn Cành, xã Mỵ Hòa lo lắng: thôn Cành chủ yếu sống dựa vào những đồi ngô. Nếu xã, huyện không kịp thời ngăn chặn được tình trạng này thì 36 ha đất trồng ngô của thôn chẳng mấy sẽ biến thành những cái hố lớn. Người ta khai thác hết trên đồi rồi đến dưới sông, bờ sông, ước tính gần mười ha. Mới đây họ tiếp tục khai thác vàng sang cả đất trồng ngô, cho nên mới có chuyện xảy ra nhiều cuộc tranh cãi mất đoàn kết trong dân. Người khai thác vàng chủ yếu là dân địa phương, còn chủ khai thác là người nơi khác. Từ năm 2008, người dân bức xúc nhưng không biết kêu ai vì nhiều lần báo lên UBND xã thì họ đến lập biên bản thu tiền phạt xong họ lại tiếp tục khai thác. Có hôm, xã, huyện về kiểm tra thì họ tạm dừng khai thác. Lạ một điều, khi họ đi thì máy móc lại ầm ĩ suốt ngày đêm.
Ông Bạch Văn Tiền, thôn Cành có một phần đất ngô bị người ta khai thác vàng bức xúc: do là người ở làng nên chúng tôi có nói cũng không được. Ðất trồng ngô nhà tôi cạnh bãi vàng, ban ngày họ không cho máy xúc, nhưng sáng hôm sau đã thấy máy xúc một phần rồi. Còn nhà ông Quách Công Kình ở thôn Ðồng Hòa II, do bức xúc vì bị khai thác vàng trên diện tích đất trồng ngô nên đã gây gổ với dân đào vàng thế là vi phạm pháp luật.
Phó Chủ tịch UBND xã Mỵ Hòa Bùi Văn Thiệng cho biết: Quan điểm của xã cho đến thời điểm này là nghiêm cấm việc khai thác vàng. Trước tình hình này, UBND xã nhiều lần phối hợp UBND huyện Kim Bôi thành lập tổ công tác kiểm tra bất thường để xử lý những trường hợp vi phạm. Ðến nay, xã đã xử phạt hành chính một số trường hợp. Chúng tôi xử lý bằng cách tạm thu các phương tiện khai thác vàng và phạt hai triệu đồng. Việc khai thác vàng ở dòng sông Bôi đã gây ô nhiễm môi trường, thay đổi dòng chảy của sông và nguy cơ xói mòn cao khi mùa nước lớn... Cũng theo ông Thiệng, với mức xử phạt cao nhất là hai triệu đồng như hiện nay đúng như thẩm quyền của cấp xã thì không đủ sức răn đe. Còn các phương tiện khai thác vàng đều là các máy cỡ lớn, chúng tôi chỉ yêu cầu họ tạm dừng được chứ không thể tháo dỡ mang đi được. Cũng theo ông Thiệng, ngay sát chỗ khai thác vàng của thôn Cành, xã Mỵ Hòa là đất của huyện Lạc Thủy, họ đang khai thác mạnh hơn huyện Kim Bôi.
Theo Chánh văn phòng Sở Tài nguyên và Môi trường Hòa Bình Mai Xuân Ðạt từ trước đến nay, UBND tỉnh chưa cấp một giấy phép khai thác vàng nào cho bất kỳ một đơn vị, địa phương. Do đó, việc khai thác vàng sa khoáng ở Kim Bôi là khai thác trái phép. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp với chính quyền địa phương xem xét, xử lý dứt điểm tình trạng này. Tuy nhiên, việc xử lý dứt điểm tình trạng khai thác vàng ở đó trong thời gian ngắn là rất khó vì dân khai thác chủ yếu là người địa phương. Thời gian tới chúng tôi sẽ xuống địa bàn để cùng với chính quyền địa phương tìm cách khắc phục và ngăn chặn. Những cá nhân, tổ chức vi phạm đều bị xử lý nghiêm trước pháp luật.
Việc khai thác vàng ở Kim Bôi đã diễn ra nhiều năm nay. Có nhiều gia đình giàu nhanh trông thấy và cũng có những người khuynh gia bại sản vì giấc mơ vàng! Do chỉ thấy cái lợi trước mắt, nên nhiều người dân nơi đây đã trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia khai thác vàng. Việc khai thác vàng bừa bãi dẫn đến thu hẹp diện tích đất sản xuất nông nghiệp; phá vỡ dòng chảy và gây ô nhiễm sông Bôi do sử dụng hóa chất cực độc như thủy ngân để thau rửa, chế biến vàng. Mặc dù hiện tượng này diễn ra nhiều năm ở Kim Bôi, nhưng ngành tài nguyên và môi trường tỉnh Hòa Bình vẫn chưa có biện pháp hữu hiệu để cùng với chính quyền địa phương ngăn chặn, xử lý và xác định rõ mức độ ô nhiễm do việc khai thác vàng gây ra.
Ông Bùi Văn Tuấn, công an viên thôn Cành cho biết: Từ khi họ khai thác vàng rồi xả các chất độc ra sông nên trâu, bò chết nhiều lắm, thi thoảng lại có con trâu hoặc con bò chết mà người dân chúng tôi có biết nó chết vì bệnh gì. Ðề nghị chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng ở Hòa Bình sớm điều tra, ngăn chặn, xử lý nghiêm những người đào đãi vàng trái phép, gây hậu quả nghiêm trọng.
Mai Quý Tùng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét