27 thg 9, 2011

Công ty chế biến thủy sản Thụy Hải (Thái Bình) bị người dân “lấp” cổng

Cập nhật lúc 16:55, Thứ ba, 27/09/2011 (GMT+7)

Từ khi công ty bị ép đóng cửa dẫn tới hàng trăm tàu thuyền phải neo đậu kín bờ.  
NDĐT- Cho rằng Công ty TNHH chế biến thủy sản Thụy Hải gây ô nhiễm môi trường, mới đây hàng trăm người dân ở xã Thụy Hải (Thái Thụy, Thái Bình) đã mua xi-măng, cát, đá chở đến công ty này rồi tự ý trộn, đổ bê tông thành bức tường cao khoảng một mét trước cổng ra vào, buộc công ty ngừng hoạt động.
Hệ lụy của việc “lấp” cổng công ty trái phép của một bộ phận nhân dân dẫn tới hàng ngàn ngư dân chuyên nghề bám biển đã bị một số tư thương lợi dụng ép giá bán cá và gây khó khăn đối với việc phát triển kinh tế địa phương.
Vì sao công ty bị đổ bê tông ?
Ngư dân cảng cá Tân Sơn hiện nay đang gặp khó khi Công ty TNHH chế biến thủy sản Thụy Hải bị người dân tự ý “lấp” cổng dẫn tới sản phẩm “cá lợn” của họ nhiều ngày cất công đánh bắt ngoài khơi không có nơi tiêu thụ và phải bán với giá quá rẻ. Biết được “điểm yếu” này, hơn ba nghìn ngư dân ở một số xã của huyện Thái Thụy đã bị tư thương ép giá bán “cá lợn” chỉ bằng một phần hai so với giá trước kia họ bán cho Công ty TNHH chế biến thủy sản Thụy Hải. Ngày 21-9, chúng tôi có mặt tại cảng cá Tân Sơn (xã Thụy Hải, huyện Thái Thụy) để tìm hiểu và ghi nhận về sự việc này.
Cảng cá Tân Sơn mùa này ảm đạm, tàu bè neo đậu kín bờ. Một số ngư dân mặt buồn rười rượi nhưng vẫn tranh thủ “nâng cấp” lại lưới cá, số người khác thì tổ chức ăn nhậu. Ngư dân Nguyễn Tiến Hưng, xóm 5, Thụy Xuân (Thụy Hải) buồn bã nói: Bình quân ba ngày ra khơi chúng tôi đánh được ba tấn “cá lợn” bán với giá 4000 đồng/kg, đem lại thu nhập khoảng 12 triệu đồng. Tuy nhiên, từ khi công ty bị ép đóng cửa bây giờ tư thương chỉ mua cá của ngư dân với giá 2000 đồng/kg. Anh Hưng nhẩm tính, một yến “cá lợn” bán bây giờ không mua được một lít dầu thì chúng tôi biết xoay sở thế nào ngoài khơi cho nên đành ở nhà nghỉ ngơi, “ngồi chơi xơi nước”.
 Cách chỗ tàu thuyền neo đậu vài chục mét là Công ty TNHH chế biến thủy sản Thụy Hải. Ngược lại với không khí rộn rã khi công ty còn hoạt động, bây giờ vắng lặng, máy móc đã và đang bị phủ những lớp màng nhện. Trước cổng lối vào công ty chình ình một dải bê tông cao khoảng một mét khô cứng.
Qua tiếp xúc với người dân sống cạnh đó chúng tôi được biết nhiều người vẫn còn trong tâm trạng bức xúc. Ông Nguyễn Quốc Tú (thôn Quang Lang Đoài) bức xúc: “Chúng tôi không quan tâm công ty đó sử dụng công nghệ, thiết bị tiên tiến như thế nào, chỉ cần không còn mùi hôi thì chúng tôi để yên. Mùa hè chịu nhiều nhất cho nên hầu như nhà tôi toàn phải đóng kín cửa và đeo khẩu trang.
Ông Tú quả quyết, cảng cá Tân Sơn chỉ đáp ứng 1/10 sản lượng cá chế biến cho công ty, còn lại là do công ty nhập nhiều cá đã bị ươn, thối do để lâu ngày ở các tỉnh khác về. Do đó, qua quá trình đốt sấy đã gây ra mùi ôi thối khó chịu”.
Cùng tâm trạng, anh Lê Đức Bình, người dân thôn Quang Lang Đoài, ở gần công ty cho biết: “Mùi hôi thối tồn tại ở đây bắt đầu từ khi có công ty (năm 2004) đến khi công ty dừng hoạt động thì không còn nữa. Người dân ở đây đã phản ánh nhiều lần đến công ty và chính quyền địa phương giải quyết nhưng vẫn không cải thiện được cho nên mới có chuyện cổng công ty bị “lấp” bằng bê tông. Mùi hôi kinh người này còn lan đến các xã lân cận. Nguyện vọng của người dân là công ty dừng hoạt động”.
Cơ quan chuyên môn nói gì?
 Theo tìm hiểu của phóng viên, tháng 5-2011, Trung tâm Quan trắc phân tích tài nguyên và môi trường tỉnh Thái Bình đã có đợt kiểm tra định kỳ với Công ty TNHH chế biến thủy sản Thụy Hải. Kết qủa, các hoạt động của công ty ảnh hưởng không đáng kể đến môi trường sinh thái chung quanh khu vực, chỉ có một thông số coliform vượt 1,6 lần theo quy chuẩn.
Được biết, công ty này thành lập năm 2004, thuộc khu vực cảng cá Tân Sơn. Ngành nghề sản xuất chính: mua bán, chế biến thủy sản; sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm. Công suất thiết kế toàn bộ nhà máy 18 nghìn tấn bột cá/năm, công suất thực tế đạt năm nghìn tấn/năm với 43 cán bộ, công nhân viên. Trong quá trình sản xuất, công ty đã gây ra mùi hôi làm khó chịu cho người dân trong xã và các xã lân cận. Chính quyền địa phương nhiều lần báo cáo các cơ quan có thẩm quyền để can thiệp, gần đây phía công ty cũng tích cực áp dụng các biện pháp giảm thiểu mùi hôi phát ra môi trường.
Vừa qua khi có kiến nghị của nhân dân, UBND xã Thụy Hải đã thành lập đoàn kiểm tra và có biên bản làm việc với công ty này vào ngày 30-6. Công ty cam kết đến ngày 30-7 sẽ đưa công nghệ mới để xử lý khí thải gây mùi khó chịu. Ngày 2-8, đoàn đến kiểm tra của xã quay lại nắm bắt tình hình. Theo đánh giá của đoàn kiểm tra, công ty cơ bản xử lý được khí thải khó chịu. Công ty cũng cam kết tiếp tục khắc phục khí thải, nếu đến ngày 30-8 vẫn còn mùi thì sẽ báo cáo cơ quan chuyên môn. Tuy nhiên, vào 15 giờ 30 phút ngày 8-8, khoảng 150 người ở thôn Quang Lang Đông và Quang Lang Đoài đã chở xi-măng, gạch, cát xây bờ ngăn hai cổng công ty với mục đích không cho xe ra vào, buộc công ty phải ngừng hoạt động.
Bà Trần Thị Huyền, Cán bộ Thanh tra Sở Tài Nguyên và Môi trường Thái Bình cho biết: Trước sự việc trên, ngày 25-8, Đoàn kiểm tra liên ngành đã trưng cầu Công ty Cổ phần công nghệ thân thiện môi trường Bách Khoa giám định mẫu nước thải của ba doanh nghiệp ở khu vực cảng cá Tân Sơn gồm: Công ty TNHH Vạn Đạt, Công ty TNHH chế biến hải sản Biển Đông, Công ty TNHH thực phẩm Rich Beauty Việt Nam. Tuy nhiên, hôm đó đoàn kiểm tra liên ngành vẫn chưa lấy được mẫu nước thải của Công ty TNHH chế biến thủy sản Thụy Hải vì chịu sức ép “đóng cửa” từ người dân ngày 8-8.
Qua quá trình theo dõi, đánh giá thường xuyên các công ty, nhà máy đóng trên khu vực cảng cá Tân Sơn, chúng tôi thấy Công ty TNHH chế biến thủy sản Thụy Hải gây ảnh hưởng tới môi trường không đáng kể được thể qua các thông số quan trắc. Qua một số nguồn tin của lãnh đạo xã, huyện (xin giấu tên) chia sẻ: nguyên nhân cơ bản mà người dân ở xã Thụy Hải “lấp” cổng công ty là vì bị một số tư thương đóng trên địa bàn lôi kéo, kích động. Họ cho rằng, công ty này thu mua với giá cao làm “phá giá” hoạt động mua bán lâu đời ở địa phương. Không những thế, những người bị lôi kéo, kích động đều không liên quan hoặc ít liên quan đến lợi ích kinh tế từ nghề đánh bắt cũng như làm việc tại Công ty TNHH chế biến thủy sản Thụy Hải.
Chủ tịch UBND xã Thụy Hải Nguyễn Công Nhần cho biết: “Ô nhiễm hay không phải do cơ quan chức năng khẳng định, không phải do người dân. Việc ô nhiễm của công ty là có thật, nguyện vọng của người dân là chính đáng. Tuy nhiên, việc đổ bê tông ngăn cản công ty hoạt động của người dân là sai, ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển kinh tế địa phương.
Phó Chủ tịch UBND xã Thụy Hải Tạ Duy Chung cũng cho biết thêm: Nguyên nhân về môi trường mà người dân kêu là có cơ sở, nhưng ở mức độ nào, bởi qua quan trắc, các chỉ số đều trong giới hạn cho phép. Thậm chí ông cho rằng, các doanh nghiệp khác còn gây ô nhiễm hơn Công ty TNHH chế biến thủy sản Thụy Hải sao người dân không kêu. Ông thừa nhận, chế biến cá thì phải có mùi kể cả khu vực chung quanh không chế biến cách xa công ty này. Do đó, việc một số bộ phận người dân cương quyết vịn cớ ô nhiễm môi trường để “mượn gió bẻ măng” mục đích không hoàn toàn vì môi trường.
Vấn đề ở đây đã chuyển sang hướng cạnh tranh thương trường, cạnh tranh không lành mạnh giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, giữa người dân và doanh nghiệp, giữa ngư dân và người dân khi phần lớn ngư dân làm ở cảng cá không phải người ở thôn, xã này và giữa doanh nghiệp với chính quyền địa phương... Đây thật sự là vấn đề phức tạp khi mà cơ quan công an đã biết được có người tung tiền ra để phá công ty này với mục đích phá tiếp công ty khác đóng trên địa bàn xã khi chủ doanh nghiệp đó không phải người dân địa phương. Việc người dân tự ý đóng cửa công ty là trái pháp luật. Hiện cơ quan chức năng đang phân loại các đối tượng liên quan, trong đó phần lớn đối tượng từ vụ đốt ngao năm 2007.
Box:
“Cảng cá Tân Sơn nằm gần khu dân cư thuộc xã Thụy Hải, có nhiều hộ gia đình sản xuất, kinh doanh hoặc chế biến thủy, hải sản nhưng không có thiết bị xử lý nước thải. Do đó, các chất thải rắn phát sinh, nhất là rác thải sinh hoạt thường xuyên vất vương vãi rồi đổ ra ven cửa cống, ven sông sát khu dân cư gây nên mùi hôi thối, ô nhiễm nước sông. Đến nay, khu dân cư gần cảng cá vân chưa có chỗ chôn lấp rác thải tập trung gắn với quy hoạch mô hình nông thôn mới” – Sở Tài nguyên và Môi trường Thái Bình.
QUÝ TÙNG (Phóng viên báo Nhân Dân thường trú tại Thái Bình)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét