27 thg 7, 2011

Thực hiện cơ giới hóa trên đồng ruộng Bắc Ninh

Cập nhật lúc 11:26, Thứ bảy, 24/10/2009 (GMT+7)
ND- Nhiều năm trước đây việc cơ giới hóa vào đồng ruộng ở Bắc Ninh chưa phát triển do trên địa bàn tỉnh còn nhiều thửa ruộng nhỏ lẻ, manh mún. Nhận thức được vấn đề này, từ năm 1998, tỉnh Bắc Ninh triển khai dồn điền đổi thửa (DÐÐT). Cho đến nay, cơ bản diện tích đất nông nghiệp manh mún ở các huyện trong toàn tỉnh đã chuyển đổi thành công, tạo thuận lợi hơn khi đưa cơ giới hóa vào sản xuất.
Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Văn Khoát cho biết: Chủ trương của tỉnh Bắc Ninh khi DÐÐT sẽ chọn những huyện, xã có diện tích đất nông nghiệp ổn định, sau đó nhân ra diện rộng. Mục tiêu của Bắc Ninh là phải DÐÐT thật nhanh, thật tốt, sau đó sẽ áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất. Ðến nay, các huyện: Thuận Thành, Yên Phong, Quế Võ, Lương Tài, Gia Bình, Tiên Du cơ bản đã  DÐÐT xong. Năm 2002, xã Phú Lâm, huyện Tiên Du đã chuyển đổi thành công, bình quân từ 13 mảnh xuống còn năm mảnh/hộ. Ðiển hình là vùng sản xuất cây cảnh tại thôn Giới Tế, xã Phú Lâm, huyện Tiên Du (57 ha) và vùng sản xuất VAC kết hợp của xã Nội Duệ, huyện Tiên Du
(63 ha). Năm 1997, tại huyện Gia Bình và Lương Tài có nhiều thửa ruộng trũng chỉ cấy lúa được một vụ, hiệu quả thấp, cho nên tỉnh cho phép hai huyện chuyển đổi canh tác từ cấy lúa sang mô hình vườn-ao-chuồng (VAC). Hiện nay, toàn tỉnh có 2.991,03 ha ruộng trũng chuyển sang nuôi trồng thủy sản. Hiệu quả kinh tế của các diện tích đã chuyển đổi cho người nông dân thu nhập tăng từ ba đến bốn lần so với cấy lúa trước đây. Xã Ðại Ðồng Thành được chọn làm xã "điểm" của huyện Thuận Thành để triển khai công tác DÐÐT. Bốn thôn Á Lữ, Ðồng Ðông, Ðồng Ðoài, Ðồng Văn của xã đã triển khai xong công tác DÐÐT, với tổng diện tích 419,86 ha.
Ðánh giá về tình hình canh tác của nông dân chưa DÐÐT và nông dân đã dồn điền, đồng chí Khoát nhận định: Nhìn chung, năng suất cây trồng chính ở các địa phương chưa dồn điền ở mức bình quân, chưa vượt ngưỡng 60 tạ/ha. Một ha đất hai lúa hiện tại chỉ đạt khoảng 48 đến 50 triệu đồng. Với đất hai lúa cộng một vụ màu người nông dân thu cao nhất khoảng 65 đến 70 triệu đồng/ha. Do diện tích đất nông nghiệp manh mún, vấn đề giao thông thủy lợi nội đồng không thuận lợi, cho nên công tác chỉ đạo sản xuất gặp nhiều khó khăn và việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật và giống mới bị hạn chế. Những vấn đề này dẫn đến chi phí lao động cao, tổng thu nhập của nông dân giảm. Còn tình hình canh tác của nông dân đã tiến hành DÐÐT, điển hình tại thôn Trúc Ổ, xã Mộ Ðạo (huyện Quế Võ) và xã Phú Lâm (huyện Tiên Du), phần lớn người dân cho biết thuận lợi hơn trước. Với người dân chưa DÐÐT  phần lớn họ có nguyện vọng dồn điền, và những hộ đã dồn điền có mong muốn DÐÐT lại lần hai để thuận lợi chăm sóc, tưới tiêu. Cụ thể, về thủy lợi, tại Trúc Ổ có tới 97,2% diện tích canh tác đã chủ động tưới tiêu, 50% đất canh tác được tưới tiêu thuận lợi. Về tình hình cơ giới hóa, theo báo cáo của xã Trúc Ổ, hiện các máy làm đất đã tăng lên so với trước, tăng từ 10 lên 14 chiếc sau một năm dồn điền. Tuy số máy làm đất tăng lên chưa nhiều, nhưng tổng diện tích đất canh tác được làm bằng máy nhiều hơn, từ 70 ha lên 141 ha.
Ðánh giá về phương hướng, giải pháp DÐÐT trong thời gian tới, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) Nghi Quang Toán cho biết: Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, Sở sẽ quy hoạch tổng thể việc sử dụng đất tại những nơi không nằm trong dự án khu công nghiệp, giao thông đô thị thì tiến hành DÐÐT. Phấn đấu từ nay đến năm 2012, toàn tỉnh cơ bản dồn xong các diện tích đất manh mún. Những nơi DÐÐT trước năm 2012 sẽ được tỉnh hỗ trợ một phần kinh phí để làm kênh mương, đường nội đồng, đưa cơ giới hóa vào sản xuất.
UBND tỉnh phê duyệt đưa chương trình cơ giới hóa nông nghiệp vào sản xuất (giai đoạn từ năm 2008 đến 2010). Ðến nay, gần 100% diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh áp dụng công cụ sạ hàng; cơ bản những diện tích DÐÐT sử dụng máy để làm đất, máy gặt đập liên hợp thu hoạch lúa. Việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất đã khắc phục tình trạng thiếu lao động thời vụ gieo cấy và thu hoạch; giảm chi phí sản xuất, giảm hao tổn sản phẩm trong thu hoạch. Từ năm 2009, Sở NN và PTNT trang bị cho các hộ nông dân 500 chiếc công cụ sạ hàng, phân bổ đều trên toàn tỉnh. Vụ xuân 2009, diện tích gieo thẳng bằng công cụ sạ hàng đạt 1.100 ha, điển hình là huyện Lương Tài (500 ha), Quế Võ (320 ha), Yên Phong (120 ha). Khi sử dụng công cụ sạ hàng, năng suất lúa đã tăng từ 7 đến 10% so với lúa cấy, tiết kiệm 30% lượng giống, góp phần đưa năng suất lúa vụ xuân năm 2009 đạt hơn 64 tạ/ha. Do tiết kiệm chi phí công lao động, giống lúa cho nên vụ vừa qua người nông dân đã thu nhập cao hơn lúa cấy năm triệu đồng/ha. Cũng trong năm 2009, Sở NN và PTNT xây dựng ba mô hình thí điểm sử dụng máy gặt đập liên hợp tại xã Ninh Xá (Thuận Thành), xã Nhân Thắng (Gia Bình), xã Thụy Hòa (Yên Phong) kết quả bước đầu cho thấy, sử dụng thu hoạch được cả chân ruộng trũng, ruộng vàn và ruộng cao; tiết kiệm được công lao động (bình quân mỗi sào thu hoạch bằng máy hết 13 phút). Giá thuê máy cũng thấp hơn nhiều so với thuê công lao động, từ 40 đến 60 nghìn đồng/sào. Từ những hiệu quả trên, năm nay Sở NN và PTNT tiếp tục đề nghị UBND tỉnh mở rộng chương trình áp dụng kỹ thuật gieo thẳng bằng công cụ sạ hàng và chương trình cơ giới hóa trong khâu thu hoạch. Theo đó, Sở NN và PTNT sẽ mua thêm 500 công cụ sạ hàng và tám máy gặt đập liên hợp, tỉnh hỗ trợ 50% giá mua; tổng kinh phí hơn một tỷ đồng và sẽ triển khai ngay từ đầu vụ xuân năm 2010. Ðánh giá về việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất, chị Nguyễn Thị Thủy ở thôn Trúc Ổ, xã Mộ Ðạo (Quế Võ, Bắc Ninh) đang thu hoạch lúa phấn khởi cho biết: Nhà có mẫu rưỡi, sau khi dồn điền từ 15 mảnh xuống còn ba mảnh nên thuận lợi cho máy móc làm việc. Năm nay gia đình bắt đầu sử dụng công cụ sạ hàng và máy gặt đập liên hợp. Trước đây, khi thu hoạch mình phải thuê nhân công gặt, vận chuyển về nhà tuốt, tính ra chi phí hơn 200 nghìn đồng/sào; còn máy gặt đập liên hợp có ưu điểm làm nhanh, sạch sẽ giá chỉ có 70 nghìn đồng/sào, nghĩa là tiết kiệm được một phần ba chi phí so với trước đây. Anh Lê Văn Toán ở thôn Cáp Hạ, xã Trung Kênh (Lương Tài, Bắc Ninh) làm dịch vụ gặt đập liên hợp tại thôn Trúc Ổ cho biết: Một máy gặt đập liên hợp có ba người thay nhau làm. Một ngày máy làm bình thường cũng bằng 50 người gặt tích cực. Tôi mới làm xong ở các xã của huyện Lương Tài rồi qua đây làm cho bà con xã Mộ Ðạo (Quế Võ). Ðúng thời vụ, máy này có thể làm được năm đến bảy mẫu/ngày và năm đến sáu xã/vụ.
Bên cạnh mặt thuận lợi, hiện nay vấn đề dồn điền đổi thửa và đưa cơ giới hóa vào sản xuất cũng còn gặp một số khó khăn do tâm lý người dân và người lãnh đạo chưa thống nhất được về phương án dồn điền và thiếu kinh phí để làm đường nội đồng, kênh mương thủy lợi và đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Một số ý kiến người dân ở thôn Trúc Ổ, xã Mộ Ðạo, huyện Quế Võ cho rằng, họ đã quen với ruộng canh tác, liệu sau khi DÐÐT có thay đổi hơn không. Ngoài ra, trong thực tế  nhiều hộ có diện tích canh tác lớn hơn trong sổ sách của chính quyền nên họ không muốn chuyển đổi. Hiện nay, Bắc Ninh đang đẩy mạnh phát triển công nghiệp, những hộ dân gần khu công nghiệp có tâm lý không muốn dồn điền vì nghĩ rằng sau này sẽ được đền bù, dẫn đến việc DÐÐT gặp không ít khó khăn. Nhất là trong quá trình DÐÐT, nhiều địa phương chỉ tập trung tuyên truyền mà chưa có sự chỉ đạo thống nhất, kiên quyết của cấp chính quyền nên hiệu quả đạt được còn hạn chế. Ðể khắc phục những vướng mắc này, người lãnh đạo phải hiểu tâm lý người dân, thuyết phục được người dân. Khi tư tưởng nông dân đã thông thì việc DÐÐT mới có thể làm được.
MAI QUÝ TÙNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét