27 thg 7, 2011

Chuyển giao giống cây trồng

Cập nhật lúc 09:16, Thứ ba, 17/11/2009 (GMT+7)

Nhiều gia đình ở Thái Nguyên đã giàu lên nhờ mô hình trồng nấm.  
 
ND- Trong những năm gần đây, Viện Di truyền Nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã tạo ra nhiều giống cây trồng mới, áp dụng hiệu quả vào sản xuất, góp phần không nhỏ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm cây trồng trong nước, nhất là những vùng sinh thái khó khăn.
Với 210 cán bộ, công nhân viên, trong đó 23 tiến sĩ, 30 thạc sĩ, 47 cán bộ có trình độ đại học... Viện Di truyền Nông nghiệp đã nghiên cứu các giống cây trồng và xây dựng thành công hàng chục mô hình khuyến nông với số hộ tham gia tập huấn, chuyển giao kỹ thuật lên tới hàng nghìn hộ. Qua ứng dụng công nghệ chỉ thị phân tử trong chọn tạo giống, các cán bộ của viện đã chọn tạo được nhiều giống lúa cho năng suất, chất lượng cao, có khả năng kháng bệnh bạc lá, đạo ôn. Hiện nay, viện có hai giống lúa tiêu biểu nhất là giống ÐS1 và QR1 đang được mở rộng sản xuất tại các tỉnh như: Hưng Yên, Hải Phòng, Hòa Bình, Tuyên Quang, Thái Nguyên... Giống ÐS1 có ưu điểm cứng cây, chịu rét, ít bị sâu bệnh, năng suất đạt từ bảy đến tám tấn/ha. Ðợt rét lịch sử 2008, hàng trăm ha mạ ở miền bắc bị chết rét, trong khi đó giống ÐS1 vẫn xanh tốt, bộ rễ trắng tinh, năng suất có tỉnh đạt 8 tấn/ha. Kết quả trồng thử nghiệm ở Trung tâm giống Hòa Bình cho thấy, giống ÐS1 càng trồng ở vùng cao, khí hậu lạnh thì năng suất càng cao. Một số hộ gia đình ở huyện Ðà Bắc năng suất đạt xấp xỉ 10 tấn/ha. Dự kiến, Viện Di truyền Nông nghiệp đẩy mạnh diện tích giống lúa ÐS1 ở miền núi từ 10% lên 20%, sản lượng chiếm 12-24% lúa toàn miền bắc. Ðến nay, trong cả nước, giống lúa này được trồng trên diện rộng, khoảng mười nghìn ha. Ngoài ra, với giống QR1 của viện được các địa phương nhận định là giống có nhiều ưu điểm: Ngắn ngày, hạt tròn, cơm ngon, dẻo, chống sâu bệnh tốt hơn so với giống LT2 trước đây, nhất là bệnh đạo ôn, bạc lá; năng suất 60 tạ/ha, cao hơn giống đối chứng từ ba đến năm tạ/ha.
 Bằng phương pháp lai kết hợp xử lý đột biến tia Gamma Co60/180 Gy, từ năm 2002, qua chọn lọc, đánh giá tổ hợp lai cộng đột biến HC.100/DT2001, viện đã chọn tạo được giống đậu tương DT2008. Ðặc điểm nổi trội của giống này là có khả năng chống chịu tốt với các điều kiện khó khăn như hạn hán, dịch bệnh, đất "nghèo" dinh dưỡng. Qua theo dõi, so sánh năng suất ở các tỉnh, bình quân đạt từ 18 đến 40 tạ/ha, có nơi năng suất tăng từ 1,5 đến hai lần so với giống đậu tương DT84 trước đó.
Theo số liệu của Trung tâm giống cây trồng Trung ương, các giống đậu tương của Viện Di truyền Nông nghiệp chiếm hơn 50% diện tích đậu tương toàn miền bắc, trong đó điển hình nhất là giống DT84 và giống DT2008.
Bên cạnh sự phát triển mạnh mẽ về giống đậu tương, hiện nay, giống cam V2 của Viện Di truyền Nông nghiệp cũng được nhiều tỉnh trồng và đánh giá cao về năng suất, chất lượng. Cam V2 được chọn tạo từ giống Valencia Olinda, có khả năng làm sạch bệnh qua vi ghép cho nên cây khỏe và năng suất hơn hẳn so với dòng cam cũ, được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là giống cam chính thức đưa vào sản xuất.
Phó Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp Ðỗ Năng Vịnh, cho biết: Những kết quả nghiên cứu khoa học trong nhiều năm qua của viện phụ thuộc vào trình độ chuyên môn và tinh thần tận tụy, cống hiến cho công việc của đội ngũ cán bộ. Ðể tạo ra một giống mới, một quy trình công nghệ mới, các cán bộ phải chuyên tâm nghiên cứu trong nhiều năm; nhiều cán bộ chuyên môn giỏi cũng phải mất mười năm. Việc chuyển giao giống cây trồng mới về nông thôn hiện nay rất cần sự đóng góp của các công ty giống nông nghiệp, một mắt xích quan trọng trong quá trình chuyển giao giống và công nghệ vào sản xuất. Kinh nghiệm cho thấy, sản xuất manh mún là rào cản đối với chuyển giao công nghệ vào nông nghiệp hiện nay. Trên thực tế, nơi nào lãnh đạo tỉnh tích cực vào cuộc thì nơi đó thành công nhanh hơn trong mở rộng sản xuất. Viện còn tích cực chuyển giao công nghệ, kỹ thuật, vật liệu, nguồn gien cho các viện nghiên cứu, trường đại học, trung tâm khoa học và công nghệ địa phương. Không những thế, viện luôn có cán bộ khoa học học tập, nghiên cứu ở các viện nghiên cứu và trung tâm khoa học nước ngoài, thường xuyên chuyển giao tri thức và công nghệ mới về Việt Nam. Mục tiêu là để tạo ra các dòng chảy tri thức đến với người dân, ứng dụng hiệu quả vào sản xuất.
Tuy nhiên, khi chuyển giao công nghệ, viện có những mặt trái cần hạn chế: Tình trạng cán bộ khoa học "đổ xô ra đồng" vì phải thông qua chuyển giao công nghệ để "kiếm sống" và nuôi "quân". Từ đó, việc nghiên cứu chuyên sâu trong phòng thí nghiệm hoặc trạm thực nghiệm bị sao nhãng, dẫn đến "sự mất gốc" trong công tác chuyển giao. Muốn có sự bền vững trong chuyển giao công nghệ, cần chú trọng đầu tư cho các nhà nghiên cứu vì chính họ là "gốc rễ" của giống mới, công nghệ mới.
Bài và ảnh: MAI QUÝ TÙNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét