27 thg 3, 2019

Gắn nghiên cứu khoa học, kỹ thuật với đổi mới giáo dục

Thứ Ba, 19/03/2019, 02:01:10
Năm học 2018-2019 là năm thứ bảy Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) tổ chức Cuộc thi khoa học, kỹ thuật (KH, KT) cấp quốc gia dành cho học sinh trung học. Cuộc thi giúp hiện thực hóa các ý tưởng sáng tạo, khích lệ niềm say mê nghiên cứu khoa học của học sinh, đồng thời, có những góp ý, định hướng cho giáo dục phổ thông.
Gắn nghiên cứu khoa học, kỹ thuật với đổi mới giáo dục
Trao giải nhất tặng các học sinh dự Cuộc thi khoa học, kỹ thuật khu vực phía bắc năm học 2018-2019.
Là một trong 15 dự án đoạt giải nhất cuộc thi khu vực phía bắc, dự án “Phòng thí nghiệm ảo - giải pháp nâng cao hiệu quả học tập tại các trường phổ thông” của học sinh Đỗ Hoàng Khôi, lớp 11 A6, Trường THPT Kim Liên (Hà Nội) được đánh giá có tính ứng dụng cho các trường. Học sinh Đỗ Hoàng Khôi chia sẻ, hiện nay, nhiều trường chưa có phòng thí nghiệm, nhất là các trường vùng cao. Để xây lắp phòng thí nghiệm, mua các dụng cụ, hóa chất thực hành nhiều trường gặp khó khăn về kinh phí. Trong khi đó, việc học nhiều lý thuyết gây nhàm chán cho học sinh. Do đó, Khôi đã xây dựng ý tưởng phòng thí nghiệm ảo, ứng dụng trên các thiết bị di động như: Điện thoại thông minh, máy tính bảng...
Các tiết học thực hành “ảo” các môn như Hóa học, Vật lý, Sinh học… vừa tiết kiệm chi phí, vừa tạo hứng khởi cho học sinh. Ứng dụng còn giúp các thầy giáo, cô giáo mô tả các bài thực hành một cách trực quan để học sinh tiếp thu bài học dễ dàng hơn. Điểm hấp dẫn là ứng dụng cho phép nhiều người dùng cùng lúc, sự tương tác trên không gian học tập trực tuyến tạo cảm giác như giờ thực hành sôi nổi trên lớp. Chia sẻ về quá trình triển khai ý tưởng, cô giáo Dương Hồng Hạnh cho biết, Khôi say mê công nghệ thông tin và có tố chất nghiên cứu khoa học, cho nên cô đã khuyến khích em tham gia cuộc thi. Để chuẩn bị cho cuộc thi, Khôi được cô giới thiệu với một chuyên gia về công nghệ thông tin để học lập trình rô-bốt. Khi nghe Khôi đề xuất ý tưởng về ứng dụng trên điện thoại, từ công nghệ hiển thị 2D lên 3D, cô không áp đặt hay gợi ý mà liên hệ các khóa học miễn phí, tìm các chuyên gia để hỗ trợ học sinh. Ở vòng thuyết trình bằng tiếng Anh, Khôi đã nỗ lực nghe các clip về công nghệ thông tin của nước ngoài và bài thuyết trình của Khôi được đánh giá như một diễn giả công nghệ thông tin với sự tự tin và mạch lạc.
Niềm đam mê khoa học và sự đầu tư nghiên cứu nghiêm túc đã đưa đến cuộc thi năm nay nhiều dự án có tính thực tiễn và hàm lượng khoa học cao. Một dự án khác cũng gây ấn tượng tại cuộc thi bởi giá trị thực tiễn, đó là dự án “Học sinh Thủ đô quảng bá giá trị di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám để phát huy truyền thống hiếu học trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”. Nhóm học sinh đã xây dựng ứng dụng trên điện thoại để thông tin, quảng bá di tích Văn Miếu -
Quốc Tử Giám đến du khách. Học sinh Lê Trường Chính, Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ (Hà Nội), đại diện nhóm nghiên cứu cho biết, Văn Miếu - Quốc Tử Giám là công trình giáo dục, lưu giữ nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, đồng thời chứa đựng truyền thống khuyến học, hiếu học quý báu. Hiện nay, thành tựu của khoa học, công nghệ được ứng dụng vào nhiều khía cạnh của cuộc sống, trong đó có cả việc quảng bá các khu di tích lịch sử. Tuy nhiên, tại nơi đây, các hình thức quảng bá còn nhiều hạn chế. Vì vậy, nhóm nghiên cứu đã xây dựng những cách thức khác nhau để quảng bá, phát huy truyền thống hiếu học lâu đời của dân tộc thông qua một số giải pháp như: Ứng dụng giới thiệu về Văn Miếu - Quốc Tử Giám trên điện thoại; ứng dụng công nghệ thực tế ảo phục vụ du khách tham quan từ xa; tổ chức cuộc thi ứng dụng công nghệ để quảng bá giá trị khu di tích; học tập trải nghiệm tại khu di tích. Dự án đã giành giải nhất cuộc thi bởi tính thực tiễn, sáng tạo.
Theo TS Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Giáo dục Trung học (Bộ GD và ĐT), cuộc thi thu hút đông đảo đội ngũ giáo viên, học sinh các trường phổ thông trên khắp cả nước tham gia với 481 dự án ở 21 lĩnh vực, 896 học sinh tham dự. Riêng khu vực phía bắc có 34 đơn vị tham gia (30 sở GD và ĐT, bốn trường đại học) với 252 dự án dự thi của 487 học sinh tranh tài ở 20 lĩnh vực. Một số học sinh có sự hiểu biết khá tốt về lĩnh vực nghiên cứu của mình, chứng minh cho sự chịu khó học hỏi, tìm tòi và tham khảo các tài liệu khoa học trong nước và quốc tế. Kỹ năng trình bày báo cáo và trả lời câu hỏi của nhiều học sinh rõ ràng, tự tin, ngắn gọn, đúng trọng tâm khoa học, năng lực tiếng Anh của nhiều học sinh khá tốt. Vì vậy, hàm lượng khoa học của các dự án tăng hơn các năm trước, tính ứng dụng vào thực tiễn thể hiện khá rõ.
Thứ trưởng GD và ĐT Nguyễn Hữu Độ cho rằng, từ việc xác định dự án nghiên cứu đến quá trình triển khai cho thấy, nhiều học sinh có phẩm chất và năng lực nghiên cứu khoa học. Những thành công bước đầu của cuộc thi mở ra một hướng phát triển mới cho giáo dục phổ thông. Đối với các cơ quan quản lý, cơ sở giáo dục, cần tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học, thường xuyên kiểm tra, đánh giá kết quả học tập và rèn luyện của người học. Đồng thời, khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học, các tổ chức nghiên cứu khoa học và các cá nhân tham gia vào hoạt động giáo dục của trường phổ thông, góp phần hướng nghiệp cho học sinh.
LONG THÀNH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét