Thứ Bảy, 22/09/2018, 04:35:53
Font Size: | Print
|
Những ngày vừa qua, chung quanh vấn đề có hay không việc độc quyền trong xuất bản, phát hành, làm “thủ thuật” để sách giáo khoa (SGK) chỉ sử dụng một lần lãng phí, đã gây nên băn khoăn trong dư luận xã hội. Vậy thực tế vấn đề xuất bản, sử dụng SGK hiện nay ra sao?
|
35% lượng SGK cũ được sử dụng lại
Hiện nay, danh mục SGK được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) quy định theo từng khối lớp học không nhiều. Trong đó, lớp 1 và lớp 2 có số lượng đầu SGK ít nhất, gồm sáu cuốn; lớp 12 có số lượng đầu SGK nhiều nhất, gồm 12 cuốn. Tuy nhiên, việc thiết kế sách để học sinh có thể viết vào dẫn đến không thể sử dụng được lần sau khiến dư luận băn khoăn. Theo Thứ trưởng Bộ GD và ĐT Nguyễn Hữu Độ, SGK các giai đoạn 1976 - 1979; 1979 - 1989; 1989 - 2002 đều có thiết kế một số cuốn, học sinh có thể viết vào sách. Đối với SGK hiện hành thực hiện từ năm 2002, các tác giả đã xây dựng hệ thống bài tập theo hướng đa dạng, phong phú về nội dung và hình thức trình bày nhằm tạo hứng thú học tập cho học sinh. Do đó, ngoài các câu hỏi, bài tập dạng truyền thống (bài tập tự luận), các tác giả đưa vào SGK các dạng bài tập trắc nghiệm với các hình thức đặc thù như: Điền vào chỗ chấm hoặc ô trống, lựa chọn đúng/sai, nối, khoanh, vẽ, đánh dấu, tô mầu... Trong khi đó, Tổng Giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam Hoàng Lê Bách cho biết, qua thống kê cho thấy, năm 2018 cả nước có gần 17 triệu học sinh. Theo danh mục SGK được Bộ GD và ĐT phê duyệt từ lớp 1 đến lớp 12, thì bình quân mỗi học sinh cần 10,5 cuốn sách. Nếu tất cả học sinh đều sử dụng SGK mới thì số lượng SGK cần in là hơn 170 triệu bản. Tuy nhiên, những năm gần đây, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam chỉ phát hành khoảng hơn 100 triệu bản sách (năm 2018 là 110 triệu bản sách) đáp ứng nhu cầu của gần 65% học sinh, số còn lại 35% là các em sử dụng SGK cũ, mượn từ thư viện...
GS Trần Kiều, nguyên Viện trưởng Khoa học Giáo dục cho rằng, chương trình, SGK hiện nay, ban hành từ năm 2002 qua hội đồng thẩm định và không có gì thay đổi được sử dụng qua các năm. Trong thiết kế một số cuốn SGK có những bài tập học sinh có thể làm trực tiếp trên sách. Việc thiết kế như vậy, từng được bàn thảo từ nhiều năm trước. Xét về mặt thuận lợi trong kết cấu, chương trình sẽ thuận lợi cho học sinh và bảo đảm được tính đặc thù của một vài môn học cho nên chấp nhận được; nhưng xét theo góc độ kinh tế thì cũng cần có những cân nhắc kỹ lưỡng. Thứ trưởng Bộ GD và ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, Bộ xác định SGK cần được sử dụng, bảo quản tốt để có thể sử dụng lại được khi cần thiết. Để khắc phục tình trạng SGK chỉ sử dụng một lần, gây lãng phí như phản ánh của dư luận, Bộ GD và ĐT sẽ tiếp tục tăng cường chỉ đạo, yêu cầu các địa phương, các nhà trường hướng dẫn học sinh không nên viết vào sách và giữ gìn, bảo quản sách cẩn thận để có thể sử dụng được lâu dài. Giáo viên trong quá trình dạy học cần hướng dẫn học sinh làm bài tập, viết kết quả, trả lời câu hỏi vào vở viết, vở bài tập. Khi tổ chức biên soạn SGK theo chương trình giáo dục phổ thông mới Bộ GD và ĐT sẽ quán triệt với các nhà xuất bản tham gia và các hội đồng thẩm định để khắc phục, tránh lãng phí như hiện nay.
Hiểu đúng về SGK
Cũng theo GS Trần Kiều, khi SGK đã được hội đồng thẩm định quốc gia thông qua thì không thay đổi, chỉ có chỉnh lý những điểm buộc phải sửa như lịch sử, địa lý và phải qua hội đồng thẩm định (thí dụ sau năm 2008 khi tỉnh Hà Tây đã hợp nhất với TP Hà Nội thì bài học địa lý Hà Nội phải có những điều chỉnh phù hợp)... Vì vậy, phụ huynh, học sinh không tìm hiểu kỹ có thể nhầm lẫn việc chỉnh lý, tái bản thành năm nào cũng xuất bản mới SGK. Mặt khác, bất kỳ học sinh nào đi học, ngoài SGK thì phải có vở bài tập để làm ở nhà hoặc trên lớp. Quá trình dạy và học, học tập kinh nghiệm một số nước (như Pháp), các bài tập được nhà xuất bản in thành vở bài tập để tiện lợi cho học sinh. Tuy nhiên, đây là vở không bắt buộc học sinh phải mua cho nên nếu không để ý, người mua có thể nhầm lẫn đó là SGK.
Ngoài ra, theo tìm hiểu của chúng tôi, trong quá trình phát hành sách, do việc trích phần trăm phát hành sách tham khảo khá cao cho nên ở các cửa hàng sách ngoài thị trường và các kênh phát hành SGK trong nhà trường đã đóng gói chung SGK lẫn sách tham khảo, sách bài tập (sách không bắt buộc)... để ghi là “bộ SGK”. Từ đó, phụ huynh, học sinh thường không phân biệt được đâu là SGK bắt buộc, đâu là sách tham khảo dẫn đến chi phí bộ sách tăng cao. Theo Tổng Giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam Hoàng Lê Bách, hiện nay có gần 60 nhà xuất bản phát hành sách tham khảo cho nên cần phân biệt rõ SGK do Bộ GD và ĐT ban hành sử dụng thống nhất trong toàn quốc (gồm sách học sinh và sách giáo viên); còn sách tham khảo là mảng sách giúp học sinh thực hành, luyện tập thêm về kiến thức, kỹ năng, chọn mua theo nhu cầu luyện tập và mở rộng kiến thức trên tinh thần tự nguyện. Cô giáo Nguyễn Thị Thuận, Hiệu trưởng Trường THCS Tô Hoàng, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) cho biết, hiện nay, các sách bài tập (không phải SGK) trôi nổi trên thị trường khá nhiều, trong khi việc lựa chọn cuốn nào bảo đảm chất lượng là khá khó cho nên cần khuyến khích học sinh sử dụng vở bài tập.
Có thể nói, hiện nay, việc kinh doanh sách đưa vào trường học khá tràn lan khiến cho phụ huynh, học sinh khi mua sách khó phân biệt, nhầm lẫn giữa SGK với sách tham khảo, sách tự chọn. Vì vậy, hằng năm Bộ GD và ĐT cần công bố công khai danh mục SGK đến từng trường học để phổ biến, hướng dẫn cho phụ huynh, học sinh mua sách. Mặt khác, cần có các chế tài và kiểm tra, rà soát, xử lý nghiêm tình trạng các trường học tổ chức phát hành SGK kèm theo sách tham khảo để hưởng phần trăm phát hành mà không thông báo rõ với phụ huynh, học sinh, gây bức xúc trong dư luận xã hội...
|
Bài và ảnh: XUÂN KỲ, QUÝ TÙNG |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét